Nghi can Anders Behring Breivik thú nhận đã gây ra vụ tấn công kép nhưng phủ nhận trách nhiệm hình sự
Anders Behring Breivik, 32 tuổi, người đã thú nhận thực hiện vụ đánh bom ở Oslo và xả súng tại trại thanh thiếu niên bên ngoài thủ đô Na Uy làm chết 93 người, ra tòa ngày 25-7. Tại tòa, Breivik khai rằng cùng hoạt động với y còn có “hai nhóm khác”. Cảnh sát nói Breivik sẽ bị biệt giam trong 4 tuần đầu tiên. Thẩm phán Kim Heger cho biết Breivik không được phép nhận thư từ và tiếp xúc người thân trừ luật sư của mình. Theo đài CNN, cảnh sát đã xác định lại con số tử vong trên đảo là 76 thay vì 93 người.
Người dân đặt hoa ở Oslo ngày 25-7 để tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công kép. Ảnh: Reuters
Trước đó, y đã đề nghị mở một phiên tòa cho công chúng dự để y có thể giải thích về 2 vụ tấn công do y gây ra hôm 22-7. Ngoài ra, luật sư của y là Geir Lippestad phát biểu với đài NRK của Na Uy rằng Breivik đã từng đề nghị được mặc đồng phục khi xuất hiện tại tòa nhưng ông này không biết đó là loại đồng phục nào.
Bản tuyên ngôn 1.500 trang
Các công tố viên đã yêu cầu không cho công chúng và giới truyền thông tham gia phiên tòa. Bên cạnh đó, nữ phát ngôn viên Tòa án quận Oslo Irene Ramm cho biết các công tố viên còn yêu cầu giam giữ Breivik trong 8 tuần. Cứ 4 tuần, y lại được đưa đến tòa để thẩm phán có thể chuẩn y việc tiếp tục tạm giữ y. Theo luật pháp Na Uy, trong các trường hợp tội phạm nghiêm trọng hoặc bị cáo đã thừa nhận các lời buộc tội, thời gian tạm giam sẽ lâu hơn.
Cảnh sát và luật sư của Breivik đều nói rằng y thú nhận gây ra vụ tấn công kép kể trên nhưng phủ nhận trách nhiệm hình sự. Breivik đã bị buộc tội khủng bố. Thế nhưng, Na Uy không có án tử hình. Bản án tối đa của nước này cho bất cứ tội phạm nào đều là 21 năm tù.
Breivik đã phơi bày triết lý chủ nghĩa dân tộc cực đoan của y cũng như các phương pháp tấn công trong bản tuyên ngôn dài 1.500 trang với tựa đề “2083 - Bản tuyên ngôn độc lập của châu Âu”. Breivik đã mất nhiều năm để viết bản tuyên ngôn trên. Ở bên dưới, tài liệu này giải thích 2083 là năm các chính phủ châu Âu đồng loạt bị lật đổ. Ngoài ra, y miêu tả việc mua áo giáp, súng ống, hàng tấn phân bón và các thành phần khác để chế tạo bom. Sau đó, y cất giấu chúng đi và xóa sạch dữ liệu trong ổ cứng máy tính của mình để tránh sự nghi ngờ của cảnh sát.
Breivik nói y bắt đầu lên kế hoạch tấn công từ năm 2002. Đến năm 2006, y xác định là đã có đủ tiền để viết bản tuyên ngôn nhưng không đủ tiền để phân phát tài liệu này. Y đã chọn một chiếc Hyundai để đi Prague (Cộng hòa Czech) mua một khẩu AK-47. Y cho rằng đây là loại xe người về hưu sử dụng nên y sẽ không bị chặn lại trên đường trở về Oslo. Y chôn áo giáp trong một cái két không thấm nước trong rừng. Còn bộ cảnh phục của cảnh sát chống bạo động được cất trong một cái hộp.
Âm mưu sát hại cựu thủ tướng
Báo Aftenposten của Na Uy đưa tin Breivik đã nói với các điều tra viên rằng y đã mong đến đảo Utoya trong thời gian cựu thủ tướng Harlem Brundtland thăm trại nêu trên nhưng bà đã rời khỏi nơi đó trước khi y đến. Người phát ngôn cảnh sát Oslo từ chối bình luận thông tin này.
Trong khi đó, việc tìm kiếm các nạn nhân vẫn tiếp diễn và cảnh sát chưa công bố tên của những người tử vong. Tuy nhiên, Tòa án Hoàng gia Na Uy hôm 25-7 tiết lộ rằng trong số những người bị sát hại trên đảo Utoya có người em trai cùng cha khác mẹ của Công nương Mette-Marit. Theo hãng tin AP, tên người này là Trond Berntsen, một sĩ quan cảnh sát và là con của mẹ kế Mette-Marit – đã mất năm 2008. Anh ta được những người phụ trách trại thuê giữ an ninh trong thời gian rảnh rỗi.
Bên cạnh đó, cảnh sát Pháp đang tiến hành khám xét nhà ông Jens Breivik, cha của nghi can vụ thảm sát kinh hoàng trên. Hơn 10 cảnh sát bao vây ngôi nhà ở Couranel, miền Nam nước Pháp, sau đó vào ra liên tục nhà này. Ngôi nhà bị cảnh sát phong tỏa nên các nhà báo không tiếp cận được. Cơ quan hiến binh khu vực này xác nhận đó là nhà của cha Breivik
Nhà thờ Hồi giáo châu Âu cảnh giác Ở London, Mohammed Shafiq - thủ lĩnh tổ chức Ramadhan Foundation, một trong những tổ chức Hồi giáo lớn nhất nước Anh - cho biết các nhà thờ Hồi giáo đang cảnh giác hơn nữa sau khi xảy ra các vụ tấn công của Breivik bị xem là một người chống Hồi giáo. Ông đã bàn với các thủ lĩnh Hồi giáo ở châu Âu và cảnh sát Anh về sự cần thiết phải tăng cường an ninh. |
NGÔ SINH
Theo NLĐ
THEO DÒNG SỰ KIỆN:
0 nhận xét