Tranh chấp Biển Đông: Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thời Pháp thuộc


 
Từ khi triều đình nhà Nguyễn lần lượt ký kết các hòa ước đi từ nhượng bộ này tới nhượng bộ khác (1862, 1874, 1884) với chính phủ Pháp nước ta bước vào giai đoạn các sử gia gọi là Thời kỳ Pháp thuộc. Nhà nước Việt Nam thời ký này bị suy yếu, chính quyền thuộc địa Pháp thay mặt Nam Triều trong những quan hệ ngoại giao, đồng thời đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong khuôn khổ của những cam kết chung, Pháp tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về phần mình, vương triều nhà Nguyễn cũng luôn bằng mọi cách khẳng định chủ quyền của người Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mỗi khi có cơ hội.

Vào thời kỳ đầu của chế độ thuộc thuộc tại Đông Dương, qua thư từ ngoại giao cho thấy nước Pháp chưa thật sự hiểu hết các quyền từ xa xưa của các nhà nước phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nên họ đã có sự thụ động nhất định và tạo cơ hội cho Trung Quốc tiến hành một số hoạt động thực hiện tham vọng lấn chiếm lãnh thổ trên Biển Đông. Tuy nhiên, cũng không thể kết luận rằng chính quyền thuộc địa Đông Dương không hề quan tâm và bỏ mặc các quần đảo này.

Theo báo La Nature số 2916 ngày 1/11/1933, năm 1899 Tòan quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra lệnh xây dựng một hải đăng trên đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, dự án này đã không thực hiện được vì thiếu kinh phí. Về sự kiện này, tờ La Nature nhận xét: “Chính phủ Pháp đã thiết lập sự đô hộ của họ đối với An Nam (cách người Pháp gọi tên nước Việt Nam thời thuộc địa) mà những hòn đảo này (quần đảo Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ của An Nam, nên Pháp có quyền sở hữu và trách nhiệm coi sóc đối với lãnh thổ mới này. Phải nhận thấy rằng họ đã hoàn toàn phớt lờ trách nhiệm cho đến hôm nay. Lý do vì lợi tức ít oi hoàn toàn không biện bạch được cho sự thờ ơ này”. Bộ Thuộc địa và Phủ Toàn quyền Đông Dương ngay từ năm 1896 cũng đã đề cập tới chủ quyền của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Một nhà báo, ông Charbrier lúc đó đã bày tỏ ý đồ đặt tại quần đảo Hoàng Sa một trạm tiếp tế cho ngư dân. Theo ông PaulDoumer, ý định do ông Charbrier đưa ra không có một cơ may thành công nào, nhưng thực ra là nhằm ngăn cản một cường quốc khác đang nhòm ngó các đảo đó và có lẽ lợi ích hơn là nên xây dựng một hải đăng ở đây”. Nhưng dự án hải đăng cũng không thực hiện được như đã trình bày phần trên. Tuy vậy, hải quân Pháp vẫn thường xuyên tuần tiễu vùng biển này để giữ an ninh và cứu giúp các tàu thuyền bị đắm.

 Ảnh minh họa
 Dụ số 10 của hoàng đế Bảo Đại ký ngày 29/3/1938 khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Theo tài liệu của P.A. Lapicque “Về các đảo Hoàng Sa”, các tàu tuần tra của Hải quân Pháp đã thường xuyên đến quần đảo Hoàng Sa khi hay tin có vợ, con của những người đánh cá Việt Nam bị người Trung Quốc bắt đem bán. Các tàu tuần tra này cũng can thiệp khi biết tin có vũ khí, đạn dược hay thuốc phiện được dân buôn lậu cất giấu trên các đảo này. Như vậy, từ cuối thế kỷ XIX, một hình thức cảnh sát biển của chính quyền thuộc địa Đông Dương đã hoạt động thực tế tại quần đảo Hoàng Sa, bảo vệ ngư dân Việt Nam và ngăn chận tội phạm quốc tế.

Các động thái ít ỏi của chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương trong giai đoạn đầu cho thấy sự quan tâm chưa đầy đủ của người Pháp tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính thái độ này của Pháp đã tạo điều kiện cho một vài nước gia tăng các hoạt động của họ trên vùng Biển Đông dẫn tới nguy cơ đe dọa chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam mà nước Pháp đã cam kết bảo hộ. Từ năm 1909, Trung Quốc bắt đầu thỉnh thoảng đòi hỏi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Một lần trong năm 1909, chính quyền tỉnh Quảng Đông cho tàu chiến ra thám sát trái phép quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20/3/1921, tỉnh trưởng Quảng Đông ký một sắc lệnh kỳ lạ sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào Hải Nam. Tuy hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc chỉ diễn ra trên giấy tờ, nhưng Pháp cho rằng đây là hành vi nghiêm trọng. Khâm sứ Trung Kỳ LeFol viết trong thư ngày 22/1/1926 gởi Toàn quyền Đông Dương: “Sau khi Trung Quốc có yêu sách vào năm 1909, vì nước Pháp thay mặt nước An Nam về quan hệ đối ngoại theo hiệp ước bảo hộ, đáng lẽ phải khẳng định quyền của nước được bảo hộ đối với các đảo hữu quan, thì trái lại hình như hoàn toàn không quan tâm đến”. Cũng trong bức thư trên, ông LeFol cho biết Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề của Nam Triều đã có văn thư ngày 3/3/1925 khẳng định: “Các đảo nhỏ đó (quần đảo Hoàng Sa) bao giờ cũng là sở hữu của nước An Nam, không có sự tranh cãi trong vấn đề này”.

 Ảnh minh họa
 Bia chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa năm 1930


Trước các chỉ trích của dư luận cũng như thực tế diễn biến phức tạp trên Biển Đông, từ đầu thế kỷ XX, Pháp đã bắt đầu có những động thái tích cực hơn trong việc khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh việc gìn giữ an ninh trên Biển Đông, các năm 1917- 1918 trong báo cáo của chính quyền Pháp tại Đông Dương có đề cập đến việclắp đặt đài radio TSF, trạm quan sát khí tượng, hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1925, Viện Hải Dương Học và Nghề Cá Đông Dương cử tàu De Lanessan ra khảo sát quần đảo Hoàng Sa. Ngòai tiến sĩ Krempf, Giám đốc Viện Hải Dương Học, có nhiều nhà khoa học khác tham gia nghiên cứu về địa chất, về sinh vật…

Các nhà khảo sát đã phát hiện một tầng đá vôi phosphat dày khoảng 1 mét với hàm lượng phosphoric từ 23% đến 25% trong tầng mặt và 42% ở tầng sâu. Sự khám phá này mở ra cơ hội cho công việc khai thác phân bón phosphat về sau. Năm 1927, Sở Địa Chất và Sinh Học Đại Dương cho người ra khảo sát ở quần đảo Trường Sa. Các cuộc khảo sát khoa học đã đưa tới kết luận Hoàng Sa và Trường Sa là sự nhô lên của một thềm lục địa liên tụcnhờ các địa tầng dưới biển kéo dài dãy Trường Sơn từ đèo Hải Vân ra Biển Đông. Nếu nước biển rút xuống từ 600-700m, Hoàng Sa và Trường sa sẽ gắn với bờ biển Việt Nam thành một dãi đất liền thống nhất.

 Ảnh minh họa
 Hải đăng Việt Nam trên đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc


Tháng 11/1921, Thượng Nghị Sĩ Pháp De Monzie viết thư cho Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa nói rằng: “Các quyền của nước An Nam (Việt Nam) và do đó của nước Pháp đối với quần đảo Hoàng sa dường như không thể tranh cãi từ thế kỷ XVII và các đảo này là một địa điểm tốt nhất cho việc đặt một trạm vô tuyến điện (TSF) để dự báo các trận bão”.Ngày 8/3/1925, Toàn quyền Đông Dương ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Pháp. Tháng 11/1928, Thống Đốc Nam Kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở quần đảo Trường Sa cho Công ty Phosphat Bắc Kỳ Mới. Trong thư ngày 20/3/1930, Toàn Quyền Đông Dương gởi cho Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa Pháp xác nhận: “Cần thừa nhận lợi ích nước Pháp có thể có trong việc nhân danh An Nam, đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”. Ngày 13/4/1930, thông báo hạm La Malicieuse ra quần đảo Trường Sa và treo quốc kỳ Pháp. Ngày 23/9/1930 của chính phủ Pháp gởi thông cáo cho các nước thứ ba biết về hành động chiếm đóng thực thi chủ quyền của Pháp (nhân danh nhà nước Việt Nam được Pháp bảo hộ) trên quần đảo Trường Sa.

Ngày 4/2/1932, Pháp gởi một công hàm cho Công sứ Trung Quốc nhằm khẳng định các quyền của nước Pháp nhân danh Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và lưu ý nếu có trường hợp không chấp nhận thì đưa ra trọng tài quốc tế. Ngày 29/2/1932, Trung Quốc đáp lại bằng sự phản đối, tuy nhiên họ lại đưa ra các chứng cứ nhầm lẫn, khi đề cập tới một quần đảo khác cách đó 150 hải lý, đồng thời họ lại sử dụng các điều khoản trong Hiệp ước Pháp – Trung 1887 vốn không liên quan gì tới chủ quyền quần đảo Hoàng Sa để bảo vệ cho yêu sách vô lý của mình.

 Ảnh minh họa
 Trụ sở hành chính của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa trước năm 1945.


Ngày 4/12/1931 và ngày 24/4/1932, Pháp phản kháng Trung Quốc về việc chính quyền Quảng Đông lúc đó có ý định cho đấu thầu khai thác phân phosphat trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 15/6/1932, chính quyền thuộc địa Pháp ra Nghị định số 156-SC ấn định việc thiết lập một đơn vị hành chánh gọi là quận Hoàng Sa tại quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 13/4/1933, một hạm đội của hải quân Pháp ở Viễn Đông dưới sự chỉ huy của trung tá hải quân De Lattre rời Sài Gòn ra quần đảo Trường Sa thực hiện đầy đủ các nghi thức truyền thống theo đúng tập quán quốc tế về việc chiếm hữu lãnh thổ tại đây.Ngày 26/7/1933, Bộ Ngoại Giao Pháp ra thông báo đăng trên tờ Công Báo Pháp về việc hải quân Pháp chiếm hữu một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Thông báo ghi rõ những hải đảo và tiểu đảo ghi trong văn bản này kể từ nay đã thuộc chủ quyền nước Pháp. Ngày 21/12/1933, Thống Đốc Nam Kỳ Krautheimer ký nghị định số 4762, sát nhập các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (Spratley) nằm trên Biển Đông vào tỉnh Bà Rịa. Cần lưu ý rằng trong suốt thời kỳ thuộc địa ở Đông Dương, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra bất kỳ yêu sách về chủ quyền của họ tại quần đảo Trường Sa. Trong năm 1937, chính quyền Pháp cử kỹ sư công chánh Gauthier ra quần đảo Hoàng Sa nghiên cứu vị trí xây dựng hải đăng, căn cứ cho thủy phi cơ; tuần dương hạm Lamotte Piquet do Phó Đô Đốc Istava chỉ huy ra thăm quần đảo Hoàng Sa.

Nam Triều trong thời kỳ này tuy chỉ tồn tại trên danh nghĩa, song vẫn chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ngày 29 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 13 (30/3/1938), Hoàng đế Bảo Đại ký dụ số 10 có nội dung: “Chiếu theo các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã từ lâu và dưới các tiên triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam Ngãi. Đền đời Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế vẫn để y như cũ là vì nguyên trước sự giao thông với các cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam Ngãi. Nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải nên việc giao thông ngày nay có thay đổi, vả lại viên đại diện chính phủ Nam Triều cũng phải ra kinh lý các cù lao ấy cùng qua các đại diện chính phủ bảo hộ có tâu rằng nên tháp các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận tiện hơn”. Dụ: “Trước chuẩn tháp nhập các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên; về phương diện hành chính, các cù lao ấy thuộc dưới quyền quán hiến tỉnh ấy”.

Ngày 15/6/1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévie ký nghị định thành lập một đơn vị hành chánh tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Cũng trong năm 1938, một bia chủ quyền được chính quyền Pháp dựng lên mang dòng chữ: “Cộng hoà Pháp, Vương quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa, 1816 - đảo Pattle 1938”, một hải đăng, một trạm khí tượng ở đảo Hoàng Sa (Pattle), một trạm khí tượng khác ở đảo Phú Lâm (lle Boisée), một trạm radio TSF trên đảo Hoàng Sa (Pattle); cùng một bia chủ quyền, một hải dăng, một trạm khí tượng và một trạm radio TSF tương tự trên đảo Ba Bình (ltu Aba). Tháng 6/ 1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam tới đồn trú ở Hoàng Sa.

 Ảnh minh họa
 Quân Pháp chào cờ trên đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc quần đảo Hoàng Sa thời kỳ Pháp thuộc.


Ngày 31/3/1939, Nhật Bản tuyên bố kiểm soát quần đảo Trường Sa và chuyển thông báo tới Đại sứ Pháp tại Nhật. Ngày 4/4/1939, Bộ Ngoại Giao Pháp gởi công hàm phản đối quyết định của Nhật và khẳng định chủ quyền của Pháp tại quần đảo Trường Sa. Pháp được Anh ủng hộ trong cuộc tranh luận ngày 5/4/1939 tại Hạ Nghị Viện, đại diện Bộ Ngoại Giao Anh đã khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa trọn vẹn thuộc nước Pháp. Ngày 5/5/1939, Toàn quyền Đông Dương J. Brévie ký nghị định số 3282, sửa đổi nghị định trước và thành lập 2 sở địa lý tại quần đảo Hoàng Sa. Do nhu cầu lập đầu cầu xâm chiếm Đông Nam Á, Nhật đã nhanh chóng chiếm đảo Phú Lâm (1838) và đảo Ba Bình (1939) thuộc quần đảo Trường Sa. Mãi đến ngày 9/3/1945 Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương, Nhật mới bắt lính Pháp đồn trú ở quần đảo Hoàng Sa làm tù binh. Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật rút khỏi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và một phân đội lính Pháp đã đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza lên thay thế quân Nhật từ tháng 5/1946, nhưng đơn vị này chỉ ở đây vài tháng. Trong thời gian từ 20 đến 27/5/1946, đô đốc D’Argenlieu, cao ủy Đông Dương cũng đã phái tốc hạm L’Escamouche ra nắm tình hình đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Suốt thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp chưa bao giờ tuyên bố phủ nhận chủ quyền của Vương quốc Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà nước Pháp có trách nhiệm bảo hộ. Mặc dù trong giai đoạn này bắt đầu có một số nước lên tiếng đòi hỏi chủ quyền vô lý ở một số đảo, nhưng tất cả đều bị chính quyền Pháp kiên quyết phản đối. Những tư liệu lịch sử nói trên cho thấy, người Pháp cũng như người Việt trong thời điểm này chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cho đến khi thua trận rút khỏi Đông Dương, chính phủ Pháp cũng đã bàn giao quyền quản lý vùng biển này lại cho một chính phủ tuy do Pháp dựng lên nhưng cũng là của người Việt Nam. Các đại diện của nhà nước phong kiến Việt Nam trong thời kỳ này, mặc dù có tiếng nói yếu ớt do bị lệ thuộc vào nước Pháp, tuy nhiên họ không bao giờ từ bỏ cơ hội khi có dịp để lên tiếng khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như trường hợp Binh Bộ thượng Thư Thân Trọng Hòe năm 1925 hay của Hoàng đế Bảo Đại năm 1938 chẳng hạn. Sự khẳng định của đại diện Vương triền Việt Nam cho thấy sự nhất quán về chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo VnMedia
ĐIỂM NÓNG BIỂN ĐÔNG:
Tags: bien dong, chu quyen, bien dao Viet Nam, bao ve chu quyen, an ninh quoc phong, tin quoc phong, chien tranh Viet Nam Trung Quoc, tinh hinh bien Dong, tranh chap chu quyen bien Dong, thoi su, diem nong, binh luan, phan tich, goc nhin, chien tranh bien dong, tranh chap Hoang Sa VN-TQ, tranh chap TRuong Sa Viet Nam- TRung Quoc, chien tranh, bao ve bien dao, hoang sa Vietnam, truong sa VietNam, tin thoi su, thoi su, blog thoi su,

Tags: , , , , , ,
Tin thoi su, blog thoi su

Blog Thời Sự

Blog Thời Sự cập nhật và tổng hợp các tin tức thời sự trong nước và quốc tế nóng bỏng từ các trang tin điện tử Việt Nam và quốc tế uy tín. BTS mong muốn làm cầu nối chuyển tải đến bạn đọc những bài bình luận sâu sắc và đa chiều về các sự kiện chính trị, quân sự, kinh tế xã hội đang được đông đảo bạn đọc quan tâm.

0 nhận xét

Nhận xét, bình luận về bài viết

Bạn đọc có thể để lại bình luận, nhận định về bài viết, hình ảnh, clip được đăng trên Blog Thời Sự ngay phía dưới bài viết.

Quy Định Về Nhận Xét Trên Blog Thời Sự:
1. Chọn kiểu tư cách bạn đọc:
Bạn có thể sử dụng tài khoản Google(Gmail), Wordpress, LiveJournal, TypePad...để bình luận. Nếu không có các tài khoản trên, bạn đọc nên sử dụng kiểu Tên/ Url với phần Url có thể bỏ trống.
* Không dùng tên hoặc nickname tương tự như Admin, Mod, BQT,... để bình luận.
2. Nội dung bình luận:
* Blog Thời Sự khuyên bạn đọc nên sử dụng tiếng Việt có dấu khi bình luận để tránh gây hiểu nhầm.
* Không bàn về các vấn đề nhạy cảm, không phù hợp với văn hóa người Việt và pháp luật Việt Nam.
* BQT có thể xóa bất cứ comment nào nếu thấy comment đó không phù hợp mà không cần phải thông báo

3. Theo dõi nhận xét của bạn:
Nếu muốn theo dõi xem có ai trả lời hay phản bác nhận xét của bạn trên Blog Thời Sự hay không, bạn có thể click vào "Đăng ký qua email" để đăng ký. Khi có nhận xét mới ở dưới bình luận của bạn về bài viết này, Blog Thời Sự sẽ gửi thư thông báo đến bạn.
4. Bạn đọc muốn tài trợ cho Blog Thời Sự hoặc góp ý (phản hồi) về các vấn đề không liên quan đến nội dung bài viết vui lòng liên hệ với BQT Blog Thời Sự tại đây.
Chúc bạn đọc vui vẻ.
Trân trọng!
BQT Blog Thời Sự

blog thoi su, tin thoisu, tin nhanh thoi su, thoi su quoc te, thoi su 24 gio, the gioi 24 gio, chien tranh bien dong, tranh chap bien dong, chien tranh trung dong, tin tuc trong ngay,

tin trong ngay moi nhat, tin quoc te, tin vietnam, bbc vietnamese, reuters vietnamese, afp vietnamese, thoisu.com, tin moi cap nhat, binh luan da chieu, thoi su 24h, tin multimedia