Đó là lo ngại của nhiều người tại buổi họp báo công bố kế hoạch năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước
Tại buổi họp báo công bố kế hoạch năm 2013, ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho biết năm 2013, cơ quan này sẽ tập trung kiểm toán các đối tượng liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là các dự án, công trình liên quan đến tái cấu trúc đầu tư công.
Ông Lê Minh Khái công bố kế hoạch năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: ĐỖ DU
Khó kiểm toán “chuyển giá”
Những ngân hàng và tập đoàn sẽ được kiểm toán trong năm tới là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Công Thương (VietinBank), Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam…
Ông Khái cho biết việc thanh tra các ngân hàng lớn sắp tới sẽ tập trung vào nợ xấu, việc xử lý nguồn dự phòng tín dụng và sử dụng vốn, chất lượng tín dụng, liên ngân hàng,… Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước còn tập trung “truy” trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc giám sát, quản lý chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ kiểm toán chuyên đề miễn, giảm, dãn, hoàn, xóa nợ thuế và công tác chống thất thu ngân sách Nhà nước đối với hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp.
Về thắc mắc làm sao kiểm soát được hoạt động chuyển giá, biến lãi thành lỗ nhằm trốn thuế của các tập đoàn nước ngoài vừa bị phanh phui như Coca-Cola, Metro Cash & Carry, Pepsi, Adidas…, ông Lê Minh Khái cho biết đó là việc không đơn giản. “Những nước có nền pháp luật chặt chẽ như Anh, Úc còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia” - ông Khái nói. Theo ông, đối tượng của Kiểm toán Nhà nước chủ yếu là những đơn vị có vốn, sử dụng tài sản, ngân sách Nhà nước. Muốn “đụng“ đến những doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài hay tập đoàn đa quốc gia thì Kiểm toán Nhà nước phải được bổ sung thêm chức năng.
Đừng “giơ cao đánh khẽ”
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi đã nhắm vào chất lượng kiểm toán vì không ít cuộc đã kết thúc theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”. Ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết dư luận đã từng xôn xao về việc kiểm toán “giơ cao đánh khẽ”.
Dẫn ra vụ sai phạm tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ông Kim Quốc Hoa, Tổng Biên tập Báo Người Cao Tuổi, cho biết vừa qua, báo này đã đăng hơn 20 bài về những sai phạm xảy ra tại trường. Sau đó, đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT đã phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến thu chi tài chính tương đương hơn 51 tỉ đồng ở đây. “Điều ngạc nhiên là trước đó, nhiều đoàn kiểm toán, thanh tra đã đến trường này nhưng lại không phát hiện sai phạm nào, trong khi trường thu nhiều khoản tiền của sinh viên không đúng quy định, liên kết đào tạo sai be bét. Vì vậy, dư luận không khỏi nghi vấn về trách nhiệm của các đoàn kiểm toán, sự trung thực của kiểm toán viên” - ông Hoa phân tích.
Ghi nhận ý kiến đóng góp, ông Khái cho biết sẽ kiểm tra lại vụ sai phạm này, đồng thời coi đó là kinh nghiệm cho hoạt động kiểm toán.
Chuyển 4 vụ sang cơ quan điều tra
Năm 2012, qua kiểm toán 161 cuộc, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 9.000 tỉ đồng, đồng thời chuyển sang Cơ quan Điều tra Bộ Công an 4 vụ có dấu hiệu vi phạm hình sự xảy ra tại Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh; một công ty thành viên của Vinaconex mua bán, sử dụng hạ tầng không đúng với số tiền sai phạm khoảng 80 tỉ đồng và vụ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) thuộc Agribank vay sai quy định. Ông Khái cho biết đến nay, khoản nợ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khó có khả năng thu hồi được của ALC II lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.
|
THẾ KHA
Theo NLĐ
0 nhận xét