Trong khi Chính phủ đang đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại tăng giá bán điện lên 5% từ hôm nay, 22-12
Tại cuộc họp báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiều 21-12, đại diện EVN công bố giá bán điện bình quân sẽ tăng 5% từ ngày 22-12.
Lãi nhưng EVN vẫn tăng giá
Theo EVN, giá bán điện bình quân mới là 1.437 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế GTGT), tăng 68 đồng/KWh (5%) so với giá bình quân đang áp dụng. Với giá điện mới, dự kiến doanh thu năm 2013 của EVN sẽ tăng thêm hơn 7.000 tỉ đồng.
Theo EVN, việc tăng giá điện là để bù đắp chi phí phát điện do giá than, khí tăng và bù chênh lệch tỉ giá của những năm trước chưa tính hết vào giá bán điện.
Từ hôm nay, 22-12, người dân sẽ đóng tiền điện với giá tăng thêm 5%. Ảnh: HỒNG THÚY
Năm 2012, ước tính EVN lãi khoảng 100 tỉ đồng. Về thắc mắc vì sao lãi nhưng EVN vẫn tăng giá điện, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết: “Quan điểm của EVN là tiết giảm chi phí, tăng lãi để bù lỗ và phấn đấu hết năm 2013 sẽ xóa lỗ”.
Việc EVN tăng giá điện giữa lúc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng: “Điều này không đáng ngạc nhiên vì tập đoàn luôn luôn “đòi” tăng giá điện dù họ lỗ hay lãi. EVN hiện là nhà độc quyền trong phân phối điện nên những giải trình của tập đoàn này dễ thiếu minh bạch”.
Tăng tồn kho, giảm sức cạnh tranh
Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho biết chi phí đầu vào của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang cao hơn hầu hết các nước trong khu vực. “Giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào khiến hàng tồn kho của nhiều DN càng thêm lớn. Vì vậy, nhiều DN thép và vận tải có thể phá sản trong năm 2013” - ông Lê Đăng Doanh nhận định. TS Nguyễn Minh Phong cho rằng DN phải “cõng” thêm giá điện khiến hàng hóa giảm sức cạnh tranh. Chính phủ cũng sẽ khó khăn hơn trong việc giúp DN tháo gỡ khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang Tri, DN phải tự tính toán chi phí đầu vào của mình. DN nào sử dụng công nghệ cao, tiêu hao điện năng thấp, chi phí sản xuất thấp thì sức cạnh tranh cao. Ngược lại, DN nào sử dụng công nghệ lạc hậu sẽ phải chịu chi phí cao và tất nhiên phải chấp nhận sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường.
“Không tác động lớn”
Theo EVN, việc tăng giá điện lần này không tác động lớn đến sinh hoạt của nhân dân. Cụ thể, các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 KWh/tháng không bị tác động do giữ nguyên giá bán điện (993 đồng/KWh). Những hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 KWh/tháng tăng 6.600 đồng/tháng, sử dụng 150 KWh/tháng tăng 11.000 đồng/tháng, sử dụng 200 KWh/tháng tăng 16.200 đồng/tháng, sử dụng 300 KWh/tháng tăng 27.000 đồng/tháng, sử dụng 400 KWh/tháng tăng 38.200 đồng/tháng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, người dân mới là đối tượng bị thiệt hại kép do giá điện tăng. “Đây là thời điểm nhạy cảm, giá điện tăng sẽ góp phần đáng kể vào việc tăng giá hàng hóa dịp Tết, chứ không đơn thuần mỗi hộ chỉ tăng chi thêm cho điện vài chục ngàn đồng” - ông Doanh phân tích.
Giá bán điện sinh hoạt
Từ 0 đến 100 KWh: Tăng từ 1.284 lên 1.350 đồng/KWh.
Từ 101 đến 150 KWh: Tăng từ 1.457 lên 1.545 đồng/KWh.
Từ 151 đến 200 KWh: Tăng từ 1.843 lên 1.947 đồng/KWh.
Từ 201 đến 300 KWh: Tăng từ 1.997 lên 2.105 đồng/KWh.
Từ 301 đến 400 KWh: Tăng từ 2.137 lên 2.249 đồng/KWh.
Từ 401 KWh trở lên: Tăng từ 2.192 lên 2.307 đồng/KWh.
|
PHƯƠNG NHUNG
Theo NLĐ
0 nhận xét