Theo một kế hoạch mới được công bố tại Moskva, 2 công ty lớn của Nga là Orbital Technologies và RSC Energia đang có ý định xây một khách sạn thương mại đầu tiên trên vũ trụ.
Dịch vụ dành riêng cho người giàu
Khách sạn tương lai này có tên gọi chính thức là Trạm vũ trụ thương mại (CSS). Các vị khách tới trạm sẽ phải mất 2 ngày bay trên một tàu con thoi Soyuz. “Sau khi được phóng lên vũ trụ và hoạt động, CSS sẽ cung cấp điểm đến có một không hai cho các chuyến bay vào không gian mang mục đích thương mại hoặc nghiên cứu khoa học” - giám đốc điều hành Orbital Technologies, ông Sergey Kostenko, tuyên bố.
Kostenko nói rằng các nghiên cứu khoa học và quan sát trái đất sẽ chỉ là một trong số các dịch vụ mà CSS mang tới cho khách hàng. Du lịch vũ trụ mới là lĩnh vực chính công ty quan tâm. CSS được thiết kế có diện tích đủ lớn để đón 7 vị khách một lúc. Bên trong nó có hệ thống kiểm soát dưỡng khí và điện năng, hệ thống lọc nước, phòng tắm, gian bếp với tủ lạnh, lò vi sóng và không gian ngủ.
Mô phỏng hoạt động của “khách sạn” CSS trong vũ tru
Trong khi khách sạn được đánh giá là thoải mái hơn Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), du khách vẫn sẽ phải chấp nhận tắm trong một căn phòng khá chật, được bịt kín để ngăn không cho nước lọt ra ngoài. Đồ ăn trên CSS cũng không thể nói là ngon bởi chúng đều đã được nấu trước ở dưới trái đất và chỉ được hâm nóng lại nhờ lò vi sóng trên trạm. Danh sách thực đơn hiện có thịt bê, om với nấm dại, đậu trắng nghiền, súp khoai Tây và bánh mận. Rượu bị cấm tuyệt đối trên CSS.
Nhưng đổi lại những bất tiện ấy, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác không trọng lượng và thoải mái ngắm trái đất từ mọi góc độ, thông qua hàng loạt cửa sổ được trang bị trên CSS. Chỉ có điều mức giá du lịch lên CSS không rẻ. Dự kiến sau khi trạm được đưa lên vũ trụ vào năm 2016, mỗi du khách sẽ phải móc hầu bao chừng 175.000 USD để được ở lại trên vũ trụ trong 5 ngày. “Khách sạn được mở ra để nhằm vào những cá nhân giàu có và các công ty tư nhân có nguyện vọng nghiên cứu trên vũ trụ” - Kostenko tuyên bố.
Một trạm vũ trụ đa năng
Hiện kế hoạch của người Nga đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, bởi 2 công ty trên không phải là những kẻ “tay mơ” trong lĩnh vực chinh phục không gian. Orbital Technologies là một công ty tập hợp nhiều kỹ sư, nhà khoa học và cựu phi hành gia, chuyên tâm vào việc mở cửa không gian cho nhiều đối tượng khác nhau.
Còn RSC Energia là nhà thầu lớn nhất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Liên bang Nga (FSA). Họ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng module trạm vũ trụ và tàu vũ trụ. Công ty chính là đơn vị đã chế tạo trạm vũ trụ Salyut của Nga, trạm vũ trụ Hòa bình và nhiều thiết bị khác của người Nga đang lắp trên trạm ISS. Cũng chính RSC Energia đã chế tạo các tàu vũ trụ Soyuz và Progress vẫn thường phóng lên ISS.
Với không gian bên trong đầy đủ tiện nghi, việc sống trên CSS
được đánh giá là dễ chịu hơn nhiều so với ISS
được đánh giá là dễ chịu hơn nhiều so với ISS
Vitaly Lopota, Chủ tịch RSC Energia, nói rằng công ty có 40 năm kinh nghiệm trong việc xây trạm vũ trụ và đã lên kế hoạch xây dựng CSS suốt 10 năm trời. Theo ông, trạm vũ trụ mới sẽ có tuổi thọ ban đầu khoảng 15 năm. Khi nó đi vào hoạt động, các tàu Soyuz sẽ có nhiệm vụ mang khách tới trạm, trong khi tàu Progress không người lái sẽ lo cung cấp nhu yếu phẩm và dưỡng khí. Trạm này sẽ bay trên một quỹ đạo cách ISS 100km và được thiết kế để dễ dàng chuyển hàng hoặc người qua lại lẫn nhau một cách dễ dàng.
Kế hoạch xây dựng CSS hiện cũng đang nhận được sự quan tâm lớn từ FSA. “Chúng tôi xem CSS là một dự án rất thú vị, khuyến khích sự tham gia của bộ phận tư nhân” - ông Vitaly Davydov, Phó Chủ tịch FSA nói - “Nó cũng sẽ thu hút các khoản đầu tư tới từ doanh nghiệp tư nhân vào ngành công nghiệp vũ trụ của Nga”.
Còn lãnh đạo FSA, ông Alexey Krasnov, đã đánh giá cao việc CSS áp dụng hệ thống kết nối đa năng, vốn có thể đón các tàu vũ trụ tới từ Nga, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Ông tin rằng khi cần thiết, CSS có thể là nơi ở dự phòng cho phi hành đoàn ISS. “Nếu ISS cần bảo trì hoặc khi có tình huống khẩn cấp xảy ra mà các phi hành đoàn không thể trở lại trái đất, họ có thể dùng CSS làm nơi lánh nạn” - ông Krasnov nói.
Nga, Mỹ cùng chạy đua
Tuyên bố của người Nga diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới đang đẩy mạnh cuộc đua vào vũ trụ. Bên cạnh người Nga, ít nhất một công ty ở Mỹ có tên Bigelow Aerospace cũng đang lên kế hoạch lập một trạm vũ trụ của riêng họ.
Bigelow Aerospace đã phóng 2 module trạm vũ trụ thử nghiệm vào không gian mang tên Genesis 1 và Genesis 2. Các module này được phóng lên trong năm 2006, 2007 và hiện vẫn đang bay trên quỹ đạo trái đất. Theo kế hoạch, Bigelow sẽ lập một trạm vũ trụ hoàn chỉnh và đón khách hàng đầu tiên vào năm 2015. Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, Bigelow Aerospace có thể đoạt doanh hiệu trạm vũ trụ thương mại đầu tiên từ tay người Nga.
Ngoài ra một công ty khác mang tên Excalibur Almaz cũng đang có kế hoạch dùng tàu vũ trụ vốn được thiết kế cho trạm không gian Almaz của Nga để kinh doanh khách sạn trên không gian.
Tính tới thời điểm này, cả thế giới có khoảng 500 người bay vào không gian, đại đa số là các phi hành gia chuyên nghiệp.
Các “khách sạn không gian” nói trên sẽ đóng vai trò là trạm trung chuyển quan trọng để con người đạt các mục tiêu tham vọng hơn, như trở lại mặt trăng và chinh phục sao Hỏa.
Tường Linh
Theo TT&VH
0 nhận xét