Thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng 4/8, một số vị đại biểu Quốc hội đã đề nghị thời gian tới cần thanh tra toàn diện hệ thống ngân hàng thương mại.
Kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, có giải pháp cụ thể hơn để đảm bảo an sinh xã hội… cũng là những vấn đề được nhiều vị đại biểu quan tâm.
Dự báo “quá tệ”
TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Tp.HCM cho rằng Nghị quyết 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội là điểm sáng trong điều hành của Chính phủ những tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên sau 5 tháng triển khai, thành công của nghị quyết "được đánh giá là thông minh, đột phá" này vẫn còn khiêm tốn, lạm phát vẫn gia tăng, nhập siêu vẫn cao, ngân sách vẫn bội chi cao, ông Ngân nói.
Nhấn mạnh là dự báo “quá tệ” khi chỉ đưa ra con số 7% lạm phát cho cả năm nay nhưng thực tế có thể lên đến 17%, ông Ngân cũng đề nghị Chính phủ không nên quá lệ thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi trong điều hành vì cách tính CPI hiện nay còn nhiều bất cập.
Nhận định lạm phát thực có hy vọng một chút là sẽ giảm, song TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, cho rằng nếu không giải quyết được lạm phát kỳ vọng, tức là tâm lý chờ đợi lạm phát trong làm ăn thì việc đối phó với lạm phát cao sẽ còn tiếp diễn đến năm 2012.
Và việc phải tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn sẽ làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ dài hạn là tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Có chung nhận xét lạm phát cao đang ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân, nhiều vị đại biểu cho rằng, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa quyết tâm chính trị và điều hành thực tế của Chính phủ vì nhiều giải pháp chưa đủ mạnh. Đồng thời đề nghị trong những tháng cuối năm, Chính phủ cần có giải pháp khả thi hơn cho an sinh xã hội để giảm bớt khó khăn cho bộ phận người dân có thu nhập thấp.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Phước Lộc đề nghị, Chính phủ đưa ra đầu mục công việc nào thì các bộ, ngành cũng phải đưa ra giải pháp tương ứng với đầu mục đó trong phụ lục báo cáo, qua đó thì Quốc hội cũng có thể giám sát được.
Giảm lãi suất: Rất dễ!
Một khó khăn được rất nhiều đại biểu nêu ra với sự chia sẻ cùng doanh nghiệp và các hộ sản xuất là lãi suất hiện đang quá cao.
Điều hành tổ thảo luận gồm các đoàn Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh băn khoăn khi nhiều đại biểu cho rằng cần phải hạ lãi suất: huy động cao thì cho vay cao, nếu hạ thì Chính phủ phải bù, mà tiền Chính phủ có dồi dào lắm đâu?
Tuy nhiên, theo doanh nhân Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn thì việc hạ lãi suất thực ra rất dễ.
“Đưa tiền ra thị trường thì lãi suất sẽ hạ thôi, cung tiền từ đầu năm là 4%, nếu quyết định 5 tháng cuối năm là 8%, tự khắc thì lãi suất sẽ hạ”, ông Tâm phân tích.
Cũng liên quan đến lãi suất, đại biểu Trần Hoàng Ngân “phê” Ngân hàng Nhà nước đã “không trừng trị” các ngân hàng thương mại đã lách luật để đưa lãi suất huy động vượt trần quy định.
“Tôi mong Thống đốc mới tiến hành thanh tra để đưa ra giải pháp cụ thể, làm sao để lãi suất vay 17 - 18% là hợp lý, chứ thực tế hiện nay đã đến 22%, như báo cáo của Ủy ban Kinh tế”, ông Ngân nói.
Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Phước Lộc đề nghị phải thanh tra toàn diện hệ thống ngân hàng cả nước.
“Doanh nghiệp thì khó khăn, ngân hàng vẫn báo cáo lãi cao thì không biết thực hư thế nào. Trong khi nhiều ngân hàng không chấp hành đúng quy định hiện hành. Nếu ngân hàng nào không đủ năng lực thì cho sát nhập hoặc giải thể để tránh đổ vỡ dây chuyền”, ông Lộc đề nghị.
Đại biểu Trương Thị Ánh, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tp.HCM cũng tán thành thanh tra, kiểm tra hệ thống ngân hàng thương mại để tránh đổ vỡ, ảnh hưởng đến lòng tin của dân.
Phát triển đồng bộ và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại cũng là vấn đề nằm trong 10 kiến nghị để ổn định kinh tế vĩ mô được Ủy ban Kinh tế khóa 12 gửi đến Quốc hội khóa 13 tại kỳ họp này.
Theo đó, những rủi ro lớn mà hệ thống tài chính - ngân hàng đang phải đối diện không chỉ là rủi ro thanh khoản, rủi ro đạo đức, mà còn là rủi ro chéo với các thị trường tài sản, như tín dụng bất động sản hay rủi ro chéo liên quan đến thị trường chứng khoán.
Theo cơ quan này, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay trở nên rất nhạy cảm và dễ tổn thương trước những cú sốc vĩ mô bất lợi.
Theo VnEconomy
0 nhận xét