Thủ tướng David Cameron (giữa) phát biểu trong phiên họp Quốc hội Anh hôm 11-8. Ảnh: REUTERS
Tim Godwin, quyền cảnh sát trưởng thành phố London, chỉ trích kịch liệt những người “không có mặt tại hiện trường” nhưng lại nhận xét về việc xử lý tình trạng hỗn loạn của Sở Cảnh sát thủ đô (Scotland Yard) - có ý ám chỉ những chính khách đã cắt ngắn chuyến đi nghỉ để giải quyết cuộc khủng hoảng. Ông được sự ủng hộ của Sir Hugh Orde, một ứng viên khác của chức cảnh sát trưởng, người đã khẳng định rằng việc điều 16.000 cảnh sát vào thủ đô là quyết định của các sĩ quan cảnh sát cao cấp chứ không phải của thủ tướng hay bà Bộ trưởng Nội vụ Theresa May như các vị này nói bóng gió.
Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Các chỉ huy cảnh sát, Sir Hugh Orde phê phán gay gắt bà Theresa May khi bà này nói đã ra lệnh tiếp cận các vụ nổi loạn bằng những biện pháp mạnh tay hơn nhằm vãn hồi trật tự. Trong khi đó, Simon Reed, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cảnh sát, cáo buộc ông Cameron đã “bôi nhọ” cảnh sát. Một hạ sĩ cảnh sát ở London, người tham gia các chiến dịch phối hợp chống bạo loạn ở một thị xã, nói về sự ngờ vực trong các sĩ quan: “Ý kiến nói rằng ông Cameron đã phải quay về từ Tuscany (thành phố biển của Ý) để chỉ đạo chúng tôi cách làm nhiệm vụ của mình nghe mà chướng tai”.
Trong một động thái có thể đổ thêm dầu vào lửa giận của các sĩ quan cảnh sát cao cấp, Bill Bratton, cựu cảnh sát trưởng New York-Mỹ, người mà ông Cameron nói sẽ tư vấn cho Chính phủ Anh cách xử lý hậu quả của các cuộc bạo động, nhận xét nhiều thanh niên đã được “khích lệ” bởi chiến thuật quá thận trọng của cảnh sát. Ông Bratton nói lực lượng cảnh sát nên có “nhiều mũi tên trong bao đựng tên”, ủng hộ thuyết “tăng cường uy lực” để những vũ khí bao gồm đạn cao su, hơi cay, súng điện và vòi rồng luôn sẵn sàng khi người chỉ huy cần đến.
Cảm thấy áp lực tăng lên, trong buổi ăn trưa với các cộng sự hôm 12-8, ông Cameron chuyển giọng khi bày tỏ sự kính trọng về tinh thần dũng cảm của các sĩ quan và khẳng định rằng các chỉ huy cảnh sát, chứ không phải chính khách, đã thường trực đối phó với các cuộc bạo loạn. “Rõ ràng là cần có nhiều cảnh sát hơn trên đường phố, cần có sự thay đổi chiến thuật và tôi nghĩ cảnh sát đưa ra những quyết định đó là đúng đắn”- ông nói. Trước đó, ông Cameron than phiền với các nghị sĩ rằng có “quá ít” sĩ quan được triển khai khi tình hình lộn xộn bắt đầu và cảnh sát lúc ấy đã xử lý bạo lực như vấn đề trật tự công cộng hơn là vấn đề mang tính tội phạm.
Một cuộc thăm dò của Công ty ComRes cho báo Anh The Independent ghi nhận gần như một nửa số dân chúng mất niềm tin vào sự điều hành của ông David Cameron sau cuộc bạo loạn. Cuộc thăm dò cũng cho thấy hơn 2/3 số người dân được hỏi phản đối kế hoạch cắt giảm lực lượng cảnh sát của thủ tướng Anh.
Ông Cameron và các cố vấn được báo động bởi những bất hòa chính trị từ vụ bạo loạn, gây tổn hại đến năng lực bảo đảm an ninh trật tự của Đảng Bảo thủ
Cao Tuấn
Theo NLĐ
0 nhận xét