13/28 địa phương dùng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên, chi giải phóng mặt bằng, tạm ứng cho các khoản phát sinh khác tại địa phương… số tiền sai quy định lên đến 3.368 tỉ đồng.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trình Ủy
ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/4 cũng nêu tên 8 bộ, ngành- trong đó có
cả Bộ Tài nguyên và Môi trường “sử dụng nhà đất không đúng mục đích, cho
thuê trái phép, cho mượn sai quy định, bị lấn chiếm, tranh chấp hoặc để
hoang hóa”.
Đặc biệt, theo Kiểm toán Nhà nước, việc mua sắm tài sản công là “thiếu chặt chẽ” và “còn nhiều sai phạm”.
Cụ thể, ở hàng loạt các địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Tây Ninh,
Quảng Ninh, Điện Biên, Phú Yên, Bến Tre, Đắk Nông…, việc mua sắm tài sản
công vẫn được cho là “chưa đúng tinh thần Nghị quyết 11”.
Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VTV
Cũng theo kết quả kiểm toán này, Hà Nội là địa phương chưa trích đủ
nguồn cải cách tiền lương với con số lớn nhất lên tới 2.489 tỉ.
Đáng nói hơn là có tới 13/28 địa phương dùng nguồn cải cách tiền
lương để chi thường xuyên, chi giải phóng mặt bằng, tạm ứng cho các
khoản phát sinh khác tại địa phương… với số tiền sai quy định là 3.368
tỉ đồng.
Tăng thu, tăng chi, tăng nợ!
Tờ trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước 2011 trình Ủy ban
Thường vụ Quốc hội sáng nay, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm
2011 với tổng số thu cân đối là 962.982 tỷ đồng. Tổng số chi là
1.034.244 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm
2012).
Trong đó, bội chi ngân sách nhà nước 2011 là 112.034 tỷ đồng, bằng
4,4% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 40.772 tỷ đồng),
thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao (5,3%).
Tổng số dư nợ công đến 31/12/2011 bằng 54,9% GDP, mặc dù vẫn nằm
trong giới hạn an toàn nợ công nhưng tăng khá cao (24,8%) so với năm
2010.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, số nợ phải trả nước ngoài dùng để
cho vay lại đến 31/12/2011 tương đương 12,55 tỷ USD, tăng 1,45 tỷ USD
(12%) so với 2010.
Như vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc
Hiển mặc dù bội chi có giảm nhưng các khoản chi ứng trước, nợ tạm ứng,
thiếu hụt nguồn hoàn thuế đã làm cho kết quả giảm bội chi không có nhiều
ý nghĩa về tài khoá.
Bên cạnh đó, khi bóc tách nguyên nhân tăng thu, Thường trực Uỷ ban
Tài chính - Ngân sách cho rằng, nguồn thu tăng là do các yếu tố khách
quan chứ không phải là từ nội lực của nền kinh tế.
Cụ thể, chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu là do giá cả tăng (chỉ
số giá tiêu dùng năm 2011 tăng 18,13% so với năm 2010, giá dầu thô tăng
28 USD/thùng so với giá dự toán…). Yếu tố từ sản xuất kinh doanh chỉ
chiếm khoảng 20% trong tổng số tăng thu.
Trước con số thu tăng đến 21,3% (vượt 126.804 tỷ đồng) và số chi
cũng tăng tới 8,5% (vượt 61.954 tỷ đồng), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh
Hùng đặt câu hỏi: “Tăng thu, tăng chi, tăng nợ thế có hay không? Lẽ ra
phải giảm nợ chứ? Phải làm cho rõ vấn đề này và nghiêm túc rút kinh
nghiệm”, ông nhấn mạnh.
Theo Bảo Ngọc (VTC News)
0 nhận xét