Kinh tế ngày càng tăng nhưng chất lượng sống của người dân TPHCM chưa tương xứng. Không chỉ người nghèo mà cả người giàu đời sống tinh thần cũng mệt mỏi
Ngày 20-12, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Chất lượng cuộc sống của người dân TPHCM trong bối cảnh kinh tế hiện nay”.
Người giàu cũng mệt mỏi
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, cho biết viện được giao nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2020-2025. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người đến các mốc 2015-2020-2025 lần lượt là 4.000 - 8.500-15.000 USD/người/năm.
Tuy nhiên, điều lo lắng nhất là chỉ tiêu đời sống, chất lượng sống phải tính như thế nào, nhất là khó cân đối giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội khi mà hiện nay người dân TP chưa có sự yên tâm về một cuộc sống lâu dài.
Theo ThS Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, tốc độ tăng trưởng của TP khoảng 10%/năm, TP vẫn là đầu tàu phát triển của cả nước nhưng đời sống của các tầng lớp nhân dân lại chịu nhiều sức ép từ chính việc phát triển kinh tế - xã hội: kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ngập lụt đô thị… Các vấn nạn này là hậu quả của rối loạn trong công tác quản lý đô thị, như vậy chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào người ra quyết định. “Phát triển mà không nâng cao được chất lượng sống của người dân thì phát triển không có ý nghĩa”- ThS Thành nhận định.
Ô nhiễm, kẹt xe luôn là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Bà Nguyễn Thị Dân, đại diện Sở LĐ-TB-XH TP, cho rằng không chỉ người nghèo mới mệt mỏi mà cả người giàu hiện nay đời sống tinh thần cũng không thoải mái. “Ở nhà thì ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm khói bụi, ra đường lo cướp giật, kẹt xe. Chúng ta nói “ăn ngon, mặc đẹp” nhưng bây giờ ai ra đường cũng bịt kín từ trên xuống dưới, đẹp là bị cướp giật liền! Thức ăn toàn chất bảo quản độc hại, ăn cũng chết mà không ăn cũng chết” - bà Dân nói.
Còn ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP, đưa hẳn minh họa về mặt trái của đô thị hóa tại quận Bình Tân: Tiếp nhận các cơ sở gây ô nhiễm từ nội thành về trong khi hạ tầng chưa hoàn chỉnh để đón nhận, dân mất đất cho KCN, bỏ đi nơi khác trong khi công nhân nhập cư đổ về thuê nhà trọ để sống, dân số gia tăng nhanh chóng từ 200.000 lên 600.000 người (quận có dân số đông nhất TP), một hệ quả là quận Bình Tân đang hình thành những “khu ổ chuột” mới!
Bắt đầu từ nhóm “yếu thế”
Các chuyên gia tham dự hội thảo đều cho rằng trong số các giải pháp cải thiện chất lượng cuộc sống người dân trong thời gian tới, TP cần ưu tiên hàng đầu cho chính sách an sinh xã hội. ThS Dương Thị Phượng, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 2, cho rằng mô hình an sinh xã hội thích hợp với điều kiện TP hiện nay gồm 3 cấp: bảo hiểm (y tế - nghề nghiệp - thất nghiệp), chính sách thị trường lao động có liên quan đến đào tạo nghề - giải quyết việc làm và trợ giúp xã hội đột xuất - tạm thời.
Các chính sách này cần phải minh bạch để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, ví dụ: Mức thu nhập như thế nào thì được vay vốn để phát triển sản xuất trong chế độ cứu trợ xã hội? Tiền quyên góp có được sử dụng đúng mục đích hay không? Bảo hiểm có được chi trả đúng hay không?...
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, có 3 nguyên nhân cơ bản tác động đến chất lượng sống của người dân hiện tại: suy giảm kinh tế, môi trường xã hội, môi trường sống và hạ tầng đô thị. Mức độ tác động của mỗi nguyên nhân đến nhóm thu nhập cao, trung bình, thấp khác nhau.
Nhóm thu nhập thấp là nhóm chịu tác động mạnh nhất, dễ bị tổn thương nhất: lạm phát khiến giảm lương, mất việc, tất cả các nhu cầu thiết yếu đều bị giảm. Nhóm này cư trú trong những khu vực thường hay ngập úng, ô nhiễm, không được bảo đảm về an ninh. Cũng do thu nhập thấp, không có tiền “bôi trơn” nên nhóm này gặp nhiều phiền hà khi cần giải quyết các thủ tục hành chính.
Từ những phân tích đó, TS Nguyên đề xuất phương hướng nâng cao chất lượng sống cho người dân TP phải bắt đầu từ nâng cao thu nhập cho nhóm yếu thế, ưu tiên các dự án nâng cấp hạ tầng giao thông, chống ngập úng, khắc phục ô nhiễm môi trường nơi cư trú của nhóm đối tượng thu nhập thấp.
Chỉ số phát triển con người thấp
Theo báo cáo phát triển con người năm 2011 của chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,5 thuộc nhóm thấp, đứng hàng 128/187 quốc gia. Trong các chỉ số thành phần, tuổi thọ và tăng trưởng kinh tế tăng nhưng các chỉ số y tế, giáo dục không có nhiều cải thiện và đóng góp cho HDI. Đặc biệt, chất lượng giáo dục của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực: số năm đi học trung bình cả khu vực là 7,2, tại Việt Nam là 5,5. Báo cáo này lần đầu tiên đưa ra chỉ số đói nghèo đa chiều cho Việt Nam, thông qua việc đo lường các hình thức thiếu thốn về y tế, giáo dục và mức sống. Tỉ lệ nghèo phi tiền tệ của Việt Nam ở mức 23,3% trong khi tỉ lệ đói nghèo quốc gia chỉ 14,5%.
|
MINH KHANH
Theo NLĐ
0 nhận xét