Từ năm 2013 sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán. Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành này
Một sinh viên (SV) tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng của Trường ĐH Ngoại thương - một trong những trường danh giá nhất trong khối ngành kinh tế hiện nay - cho biết dù nhận bằng tốt nghiệp loại khá nhưng suốt nửa năm nay, chạy đôn chạy đáo nhiều nơi vẫn không xin được việc làm.
Qua rồi thời vàng son
“Ở đâu người ta cũng đòi hỏi kinh nghiệm từ 1 - 2 năm ở vị trí nhân viên tín dụng hoặc chăm sóc khách hàng. Chúng em mới ra trường nên không thể đáp ứng được yêu cầu này, vì thế đến giờ vẫn đang loanh quanh xin việc” - SV này nói. Không chỉ ngân hàng quốc doanh mà ngay cả các ngân hàng thương mại cổ phần cũng nói không với các SV mới tốt nghiệp. Phần lớn các ngân hàng tuyển dụng đều đòi hỏi ứng viên có kinh nghiệm từ 1-2 năm, ngoài học vấn tốt còn phải biết tiếng Anh, thậm chí có nơi còn yêu cầu ứng viên nữ phải cao trên 1,6 m. Giám đốc chi nhánh một ngân hàng cổ phần đóng tại quận Hoàng Mai cho hay ở vị trí thấp nhất mới vào là nhân viên tín dụng tuy không đòi hỏi kinh nghiệm nhưng yêu cầu doanh số cao trong tháng khiến SV mới ra trường khó lòng đáp ứng, đó cũng là áp lực khiến SV mới ra trường phải tự đào thải khỏi ngân hàng.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Ngân hàng TPHCM năm 2012. Ảnh: TẤN THẠNH
Đành chọn vào làm việc trái tay cho một công ty chuyên về văn phòng phẩm sau 2 năm xin việc, Phương Mai, cựu sinh viên ngành kế toán của Trường ĐH Thăng Long, Hà Nội, cho biết sự lận đận của cô một phần bắt nguồn từ việc chọn ngành “hot”. “Những năm 2005-2006, chứng khoán, đất đai lên ầm ầm. Tất cả đều đổ xô vào học tài chính – kế toán, mình không vào học ngành này mới là lạ” - Mai tâm sự. Thế nhưng đúng lúc cô ra trường thì kinh tế có dấu hiệu suy thoái, hồ sơ gửi vào các ngân hàng đều không được chấp nhận.
Giảm biên, cắt thưởng
Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank, ông Simon Morris, vừa có thư gửi nhân viên thông báo Tết này nhân viên sẽ không có thưởng bởi năm 2012 ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Hiện không ít ngân hàng đã chuyển hợp đồng của nhân viên từ dài hạn sang hợp đồng thời vụ, dù không bị ép nghỉ việc nhưng qua việc giảm lương, tiền thưởng bị cắt hẳn, hợp đồng lao động không được gia hạn nên nhiều người tự xin nghỉ để tìm kiếm một công việc khác. Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng bây giờ các ngân hàng khó có lợi nhuận cao như trước nên phải cố gắng lấy ngắn nuôi dài, giảm nhân sự, giảm lương. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Đông, cho rằng khi tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng diễn ra mạnh mẽ thì việc một số ngân hàng giảm 10%-15% nguồn nhân lực là điều bình thường.
Thị trường chứng khoán rơi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng đã khiến hơn một nửa trong hơn 100 công ty chứng khoán công bố lỗ trong báo cáo quý III/2012. Nhiều đơn vị thua lỗ 4-5 năm liên tiếp và rất nhiều công ty đang ở tình trạng lỗ lũy kế trên 50% vốn điều lệ. Các chuyên gia kinh tế phân tích nếu áp dụng các quy định Thông tư 165 của Bộ Tài chính thì nhiều khả năng sẽ có tới gần trăm công ty chứng khoán bị xóa sổ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn nhân viên trong lĩnh vực này bị mất việc làm. TS Đặng Ngọc Đức, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân, khi dự báo về nhân lực năm 2013 cho biết hơn 10.000 SV ngành tài chính ngân hàng sẽ thất nghiệp hoặc làm trái ngành.
Vẫn “cố đấm ăn xôi”
Tại cuộc họp về quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội ngày 18-12 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết từ năm 2013 sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán. Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép mở các trường ĐH đào tạo các ngành này. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, chỉ những trường chuyên về đào tạo kinh tế mới được xem xét mở thêm ngành đào tạo này. Với những trường chuyên về khối kỹ thuật, công nghiệp, nông - lâm nghiệp, bộ sẽ không duyệt cho mở ngành mới vì việc các trường này lấy phần lớn chỉ tiêu để đào tạo kinh tế là không hợp lý.
Dù thực tế bẽ bàng như vậy nhưng khởi động mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, nhiều trường vẫn tìm cách mở mới các ngành này. Hiệu trưởng một trường ĐH đóng tại Quảng Ninh cho hay, vì nhu cầu địa phương nên trường vẫn xin mở thêm ngành tài chính ngân hàng và quản trị kinh doanh. Một trường khác thuộc khối nông lâm cũng đang lên kế hoạch mở thêm ngành tài chính ngân hàng vì cho rằng đây là ngành “hot” và thực tế dù đào tạo trái tay nhưng chỉ tiêu vào các ngành thuộc khối kinh tế của trường này chiếm tới một nửa số chỉ tiêu.
Truờng và trò đều ham ngành hot
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong 3 năm 2009-2011, thí sinh đăng ký vào các ngành kinh tế chiếm khoảng 41% tổng số hồ sơ. Riêng năm 2011, có tới 248/416 trường, chiếm tỉ lệ 59,62% số trường (gồm 121 trường ĐH, 127 trường CĐ) tuyển sinh một trong bốn ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán. Trong khi đó, chỉ tiêu mà các trường phân bổ cho bốn ngành này lên tới gần 38% so với tổng chỉ tiêu. Trong danh mục đào tạo của trường ngoài công lập, phần lớn đều có các ngành khối kinh tế. Cuộc chạy đua mở ngành “hot” theo phong trào của các trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo.
|
GS PHẠM MINH HẠC, NGUYÊN BỘ TRƯỞNG BỘ GD-ĐT:
Quyết liệt thay đổi triết lý giáo dục
Quyết định dừng mở ngành “trái tay” của Bộ GD-ĐT là một quyết định tích cực, phải thực hiện nghiêm. Nhưng ở nước ta thì hay có bệnh nói một đằng, làm một nẻo, nói không đi đôi với làm hoặc luồn lách cửa trước cửa sau để xin xỏ. Điều này cần phải được cảnh báo trên báo chí để cơ quan chức năng làm nghiêm.
Ai cũng nhìn thấy sự bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề xuất phát từ chính các trường. Rất nhiều trường mở ngành kinh tế chỉ để thu tiền, chạy theo lợi nhuận. Mở ngành này rất đơn giản, không cần đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất, không cần phải có phòng thí nghiệm, chỉ cần mời giảng viên thỉnh giảng đến dạy cho các SV. Tiền trả cho giảng viên có khi chỉ 100.000 - 200.000 đồng/tiết, nhưng số tiền thu được từ SV thì rất lớn. Lợi nhuận lớn nên các trường cứ thế chạy theo mà không cần quan tâm đến các điều kiện bảo đảm chất lượng. Nhiều năm nay, không ít lần tôi lên tiếng phải chấn chỉnh sự phát triển của giáo dục ĐH nhưng Bộ GD-ĐT không phản hồi gì, họ rất ít khi nói đến việc chấn chỉnh.
Phải quyết liệt để thay đổi triết lý giáo dục trong dân ta là đừng chạy theo những cơn sốt nóng, tưởng dễ dàng kiếm việc nhờ một tấm bằng tốt nghiệp ngành kinh tế, cần hướng nghiệp cho con cái lâu dài, căn cơ hơn.
GS NGUYỄN XUÂN HÃN, ĐH QUỐC GIA HÀ NỘI:
Nói phải đi đôi với làm
Tôi còn nhớ trong một báo cáo của Bộ GD-ĐT về ba công khai của các trường, trong đó có tới 23 trường có tỉ lệ 50- 60 SV/giảng viên, phần lớn các trường này thuộc khối kinh tế, tài chính, ngân hàng. 18 trường khác có từ 40-50 SV/giảng viên, các trường này cũng thuộc khối tài chính, ngân hàng và một số trường ngoài công lập. Trong khi đó, phần lớn là các trường kỹ thuật và công nghệ có tỉ lệ SV/giảng viên là từ 10-20 SV/giảng viên.
Nêu lên những con số trên để thấy việc đào tạo khối ngành kinh tế thời gian qua có quá nhiều bất cập. Các trường đua nhau mở ngành kinh tế, nói là phục vụ nhu cầu của người học nhưng thực tế là để có thu nhập bỏ túi. Việc Bộ GD-ĐT bây giờ mới siết việc mở ngành là quá muộn nhưng tôi nghĩ muộn còn hơn không. Điều quan trọng là nói phải đi đôi với làm, phải nghiêm túc thực hiện.
Thái An ghi
|
YẾN ANH
Theo NLĐ
0 nhận xét