Hiện có rất nhiều thương hiệu Việt không thể xâm nhập thị trường này do bị công ty Trung Quốc đăng ký sở hữu trí tuệ trước.
Sản phẩm trái cây sấy khô của Vinamit bị làm giả (gói sản phẩm bên trái) tại thị trường Trung Quốc - Ảnh: N.B. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Lâm Viên nói:
- Trong vụ kiện lần này, Vinamit phải tranh chấp với đối tác về thương hiệu tiếng Hoa “Đức Thành” do khi vào thị trường Trung Quốc chúng tôi chỉ đăng ý sở hữu thương hiệu tiếng Việt cho Vinamit tại nước này mà không đăng ký sở hữu thương hiệu bằng tiếng Hoa, nên ngay lập tức bị chính nhà phân phối của mình lấy. Nhà phân phối này đã khống chế thị trường của sản phẩm Đức Thành và nhanh chóng cho ra một sản phẩm tương tự. Sự việc đẩy đến cao trào khi năm 2011, hệ thống siêu thị Walmart tại Trung Quốc không dám nhận sản phẩm thương hiệu Đức Thành vì đã bị đăng ký sở hữu trí tuệ tại thị trường này buộc chúng tôi phải chuyển sang thương hiệu Vinamit thay thế. Nhưng như vậy thì đẩy mình vào tình trạng mất thế cạnh tranh vì người tiêu dùng Trung Quốc không nhớ Vinamit nhiều như Đức Thành.
Sau hơn một năm đeo đuổi vụ kiện, kết quả Vinamit đã thắng nhờ chứng minh được thương hiệu nổi tiếng trước khi được doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký sở hữu. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có được sự hỗ trợ rất lớn của Đại sứ quán VN tại Trung Quốc để xúc tiến vụ việc ra tòa sớm. Một yếu tố quan trọng nữa là chúng tôi đã chứng minh được người đang làm giả thương hiệu có mối quan hệ với mình, nếu có hợp đồng, chữ ký của người bị kiện khi làm ăn cùng càng tốt. Sau vụ kiện tôi nhận thấy doanh nghiệp VN hoàn toàn có thể lấy lại thương hiệu của mình nếu nắm rõ luật nước sở tại.
* Thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết xây dựng thương hiệu ở Trung Quốc thì dễ nhưng để giữ được rất khó?
- Nhiều thương hiệu uy tín của VN tổn hại lớn vì sau khi bán hàng sang Trung Quốc đã bị chính đối tác của mình ở nước này lấy cắp mẫu mã, đem đi đăng ký sở hữu rồi làm giả sản phẩm để bán với giá cực rẻ. Vinamit hiện sở hữu nhiều thương hiệu và không ít trong số đó đang bị tranh chấp tại thị trường Trung Quốc. Tôi hi vọng vụ việc này là bước ngoặt tốt chứng minh rằng doanh nghiệp VN đã biết cách ứng xử với những rủi ro tại thị trường này. Điều này cũng đưa lại niềm lạc quan cho doanh nghiệp VN khi có nhiều thương hiệu đang rất tức tưởi không biết làm sao có thể lấy lại thương hiệu để mở rộng thị trường. Tôi tin nếu doanh nghiệp VN quyết tâm thì hoàn toàn có thể thành công trong tranh chấp thương hiệu.
* Làm ăn với Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp VN rất muốn chuyển buôn bán tiểu ngạch sang chính ngạch, nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu?
- Từ hơn 10 năm trước, việc bán hàng sang Trung Quốc của các doanh nghiệp VN chủ yếu diễn ra qua đường biên mậu ở các cửa khẩu như Lào Cai, Móng Cái... và phụ thuộc khá lớn vào các nhà buôn bên kia biên giới. Khi chuyển sang buôn bán chính ngạch, VN phải vượt qua được tâm lý phụ thuộc bạn hàng ở biên mậu, phải ý thức được mình đang đem sản phẩm “lội dòng nước ngược” đưa hàng vào Trung Quốc.
Tiếp theo, doanh nghiệp cần điều chỉnh giá bán, chính sách nhận diện thương hiệu để cạnh tranh với chính hàng của mình theo con đường tiểu ngạch, vì hàng chính ngạch giá bao giờ cũng cao hơn do chịu những chi phí về thuế VAT, thuế nhập khẩu... Vì vậy khi vào thị trường Trung Quốc thì phải xây dựng một thương hiệu riêng có tiếng Trung và đăng ký sở hữu ngay lập tức. Những mặt hàng VN bị làm giả nếu doanh nghiệp không đủ tiềm lực để theo đuổi vụ kiện hoặc tìm cách khác để giành lại thị phần thì kể như không còn đất sống ở Trung Quốc.
Có làm ăn chính ngạch, xuất hiện trên những kệ lớn của các siêu thị Trung Quốc mới khẳng định được tầm thương hiệu VN. Hiện nay 90% sản phẩm của Vinamit xuất sang con đường chính ngạch, chúng tôi đang phấn đấu để năm 2013 sản phẩm Vinamit và Đức Thành đạt con số 100%.
Theo Tuổi trẻ
0 nhận xét