Tuy gọi hành động của Triều Tiên là “khiêu khích rõ ràng” nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói với đài CNN ông “rất tự tin” rằng Washington đủ sức đánh chặn tên lửa Triều Tiên nếu nó nhắm về nước này.
Một số nhà phân tích cũng thận trọng cho rằng không nên phóng đại những khả năng quân sự mới của Triều Tiên. Các chuyên gia tin là Triều Tiên chưa đủ khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp lên tên lửa tầm xa mà nước này vừa phóng thành công.
Triều Tiên có thể đe dọa trực tiếp Mỹ. Ảnh: BBC
Nhưng đa phần giới phân tích thừa nhận vụ phóng tên lửa là bằng chứng cho thấy khả năng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã đạt bước tiến mới quan trọng và có khả năng trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ.
Ông James Schoff, cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện làm việc tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói: "Vụ phóng này chắc chắn sẽ làm tăng sức nặng cho câu nói: “Chúng tôi có tên lửa có thể tấn công nước Mỹ”. Sau ngày 12-12, người ta khó có thể phủ định câu nói này".
Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên Masao Okonogi của Đại học Keio (Nhật Bản) cho rằng vụ phóng sẽ nâng Triều Tiên lên gần hơn vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự an ninh quốc gia của Washington. “Đưa được vệ tinh lên quỹ đạo đồng nghĩa với việc có công nghệ để đưa đầu đạn tới mục tiêu định sẵn. Câu hỏi đặt ra hiện nay là vệ tinh đó có được đặt đúng vào nơi đã định trên quỹ đạo hay bị chệch mục tiêu" – ông Okonogi nói.
Ông Ham Hyeong-Pil, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết kho plutoni hiện có của Triều Tiên ước tính đủ để sản xuất 6-8 quả bom nguyên tử và e ngại Triều Tiên sẽ nhanh chóng cải thiện độ chính xác của loại tên lửa vừa phóng và hoàn thiện công nghệ thu nhỏ đầu đạn “sau 2 – 3 vụ phóng nữa”.
Người dân Bình Nhưỡng nâng ly chúc mừng phóng tên lửa thành công. Ảnh: AP
Ngoài ra, Triều Tiên có thể bán công nghệ tên lửa này cho các đối tác, bao gồm Iran và Pakistan, theo cảnh báo của ông Victor Cha, thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế.
Giữa làn sóng chỉ trích vụ phóng, chỉ riêng Iran lên tiếng khen ngợi Triều Tiên. Tướng Masoud Jazaeri tỏ ra vui mừng khi phát biểu với hãng thông tấn Fars: “Những quốc gia độc lập, bằng sự tự tin và kiên nhẫn, có thể nhanh chóng đạt được đỉnh cao khoa học và công nghệ. Dù là cường quốc như Mỹ cũng không thể ngăn chặn sự vươn lên của những quốc gia này”.
Triều Tiên quyết tiếp tục chương trình không gian
Ngày 12-12, Triều Tiên khẳng định sẽ tiếp tục chương trình không gian của mình bất chấp phản ứng quyết liệt của quốc tế, đồng thời nhán mạnh đây không phải là vấn đề để tranh luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
"Dù các bên có nói gì thì chúng tôi vẫn tiếp tục thực thi quyền hợp pháp của mình về việc phóng vệ tinh" - hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này.
"Các lực lượng thù địch đang cho thấy những dấu hiệu thâm độc khi gọi việc phóng rocket vì mục đích hòa bình là vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Quyền sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình được luật pháp quốc tế công nhận. Vì thế đây không phải là điều mà Hội đồng Bảo an có thể can thiệp" - ông này nói.
|
Hải Ngọc (Theo CNN, BBC)
Theo NLĐ
0 nhận xét