Ít ai ngờ ngay tại thủ đô, học sinh phải học ở nhiều điểm lẻ, cơ sở vật chất thiếu chuẩn
Có chuyện khó quên với nhiều người là vào năm 2007, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lúc ấy còn là bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng lãnh đạo Bộ GD-ĐT đến dự giờ tại Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội).
Nhưng vì lớp học quá chật nên chỉ có bộ trưởng, thứ trưởng và một phó giám đốc Sở GD-ĐT là được ngồi trong lớp, các quan chức khác kê ghế ngồi ngoài hành lang để… dự giờ! Không chỉ ở Trường Tiểu học Bà Triệu, rất nhiều trường khác ở Hà Nội phải tổ chức cho học sinh học ở các điểm lẻ vì trường học quá chât chội.
“Xuống đường” khai giảng
Là trường tiểu học duy nhất của phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Trường Tiểu học Bà Triệu có một trụ sở chính (31 Tô Hiến Thành, vốn là một biệt thự cũ 3 tầng xây trên diện tích chưa đến 350 m2) và 4 phòng học đặt tại các điểm lẻ 37 Tô Hiến Thành, 173 Bà Triệu, 294 Bà Triệu. Trong các điểm lẻ này, chỉ duy nhất ở 173 Bà Triệu là có 2 phòng học và sân chơi.
Để có đủ chỗ học cho học sinh, trường phải mượn một phòng học ở địa điểm 118 Triệu Việt Vương. Học sinh phải học trong những phòng chật hẹp. Mỗi năm đến ngày khai giảng, chính quyền địa phương phải làm thủ tục gửi các cơ quan ban ngành xin phép ngăn đường, phân tuyến giao thông để trường có nơi tổ chức lễ khai giảng. Mỗi khi các lớp tổ chức hoạt động cho học sinh, thậm chí là giờ thể dục, cô trò phải dắt nhau ra học ở... vỉa hè.
Hà Nội còn ít trường có cơ sở vật chất khang trang như Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm
Giấc mơ có một ngôi trường đúng nghĩa đã được ấp ủ qua nhiều thế hệ hiệu trưởng của Trường Tiểu học Bà Triệu. Năm 2003, cơ quan chức năng đã giới thiệu mặt bằng ở địa điểm 191 Bà Triệu (Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo đã di dời) để xây dựng một trường mới. Thế nhưng, qua gần chục năm và chắc chắn còn lâu hơn nữa, học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu vẫn phải khai giảng dưới lòng đường.
Theo đánh giá của ngành giáo dục Hà Nội, tình trạng trường học khu vực nội thành có số học sinh/lớp, số lớp/trường cao hơn nhiều so với quy định khá phổ biến. Điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là quỹ đất để xây dựng phòng, trường học đạt chuẩn ở nhiều quận, thậm chí cả ở một số huyện còn thiếu nhiều.
Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm, cho biết dù địa bàn của huyện có nhiều thuận lợi về quỹ đất hơn các quận nội thành nhưng với nhu cầu phát triển đến năm 2020 thì toàn huyện còn thiếu 12 trường và đến năm 2030 cần xây mới 6 trường. “Hiện toàn huyện có 70 trường học nhưng có tới 26 trường đang thiếu phòng học, thiếu diện tích đất, 8 trường có số lớp và số học sinh/lớp vượt quá quy định, 7 trường mầm non còn nhiều điểm lẻ, có trường phân tán ở 7 điểm lẻ” - ông Nguyễn Văn Quý nói.
Đất quy hoạch cho trường học “biến mất”!
Quy hoạch thì có nhưng giữ đất để chuyển đổi thành trường học theo đúng quy hoạch không phải là chuyện đơn giản. Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho biết qua kiểm tra việc thực hiện quy hoạch từ năm 2003 đến 2008 đã phát hiện nhiều điểm theo quy hoạch dành cho trường học nhưng đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Bà Phạm Thị Hòa, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông, nói quận này đã từng dành vốn đầu tư xây mới trường học nhưng 2 năm vẫn chưa thể giải ngân vì tắc ở khâu chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất được quy hoạch để xây trường.
Trước nỗi lo này, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định ngành GD-ĐT đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, lộ trình triển khai, giải pháp thực hiện cũng như trách nhiệm, kinh phí đầu tư. Việc xây dựng trường học từ nay được thực hiện từ việc sử dụng quỹ đất 5% của các xã dành cho phục vụ công cộng, tận dụng quỹ đất còn trống, nâng thêm tầng các trường học hiện có trong khu vực nội thành.
Đặc biệt, hạn chế xây dựng chung cư cao tầng tại 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Thế nhưng, tất cả vẫn là… lý thuyết, còn trên thực tế liệu có làm được những gì như ông giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra hay không lại là câu hỏi khó trả lời.
Sẽ xây mới 1.215 trường học
Hà Nội lại vừa chính thức công bố quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với dự kiến xây mới 1.215 trường học. Diện tích đất dành cho việc xây dựng trường là hơn 12 triệu m2; tổng kinh phí dự kiến hơn 71.000 tỉ đồng, trong đó có tới 60% kinh phí từ ngân sách, phần còn lại vận động từ xã hội hóa.
|
Bài và ảnh: YẾN ANH
Theo NLĐ
0 nhận xét