Hãng tin Reuters nhận định đây được xem là một thất bại về ngoại giao đối với Mỹ và Israel
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) gồm
193 quốc gia ngày 29-11 đã thông qua việc công nhận nhà nước Palestine
có chủ quyền với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng. Có 3
quốc gia không tham gia bỏ phiếu. Cuộc bỏ phiếu được tổ chức vào dịp kỷ
niệm lần thứ 65 LHQ thông qua Nghị quyết 181 khai sinh ra nhà nước Do
Thái.
Người dân Palestine vui mừng sau cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 29-11. Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters nhận định đây được xem là một thất bại về ngoại giao
đối với Mỹ và Israel, hai quốc gia nằm trong số một nhóm nhỏ các nước
bỏ phiếu chống lại động thái nâng cấp chính quyền Palestine từ vị trí
thực thể quan sát viên tại LHQ lên thành nhà nước quan sát viên phi
thành viên. Đại hội đồng LHQ thông qua việc nâng cấp như trên bất chấp
Mỹ và Israel đe dọa trừng phạt Palestine bằng cách ngăn cản việc cung
cấp nguồn tài chính cho chính phủ Bờ Tây. Trong khi đó, đại sứ các nước tại LHQ cho rằng Israel có thể sẽ không trả đũa Palestine một cách cay nghiệt liên quan đến cuộc bỏ phiếu trên miễn là người Palestine không tìm cách tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Bởi nếu Palestine gia nhập ICC, họ có thể nộp đơn cáo buộc Israel phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và các tội ác nghiêm trọng khác.
Cuộc bỏ phiếu có thể đoán trước được kết quả nói trên diễn ra sau khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas từ trên khán đài LHQ đã lên án Israel vì chính sách gây hấn và hành vi phạm tội ác chiến tranh của nước này - lời nhận xét đã khiến quốc gia Do Thái giận dữ. Tổng thống Abbas tuyên bố: “Vào ngày này cách đây 65 năm, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết 181, phân chia vùng đất Palestine lịch sử thành hai nhà nước và khai sinh ra Israel. Đại hội đồng đã chọn ngày hôm nay để cấp giấy khai sinh cho nhà nước Palestine”.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gọi cuộc bỏ phiếu trên là một
trường hợp đáng tiếc và không hữu ích. Thế nhưng, Vatican khen ngợi động
thái này và kêu gọi dành cho Jerusalem một vị trí đặc biệt được bảo đảm
về mặt quốc tế - điều chắc chắn sẽ chọc giận Israel. Trong khi đó, một
số phái đoàn phương Tây cho rằng cuộc bỏ phiếu trên không nên được hiểu
là sự chính thức công nhận nhà nước Palestine về mặt pháp lý.
Theo NLĐ
0 nhận xét