Theo Thông tư 11/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), từ ngày 1-5-2011, các tổ chức tín dụng phải chấm dứt việc huy động vàng. Nhưng thực tế, sau thời điểm trên, nhiều ngân hàng vẫn “lách” bằng cách thực hiện các dịch vụ giữ hộ vàng có chia cổ tức cho khách hàng.
Từ 1-5, các ngân hàng không được huy động vàng. Ảnh: Kim Ngân |
Khách hàng nhiều lựa chọn
Ông Tuấn Minh (quận 5) đang gửi 60 chỉ vàng dưới hình thức “Chứng chỉ huy động vàng” tại một ngân hàng, còn khoảng 1 tuần nữa đáo hạn. Khi nghe thông tin tất cả các ngân hàng đều phải ngưng huy động vàng từ ngày 1-5, ông Tuấn đã đến ngân hàng này tìm hiểu.
Có mặt tại hội sở ngân hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày 2-5, ông Tuấn được nhân viên giải thích: Mặc dù báo chí đưa thông tin trên, nhưng do ngân hàng chưa nhận được công văn chính thức từ NHNN nên vẫn thực hiện nhận vàng gửi từ khách hàng. Tuy nhiên, để không làm trái quy định trong trường hợp nhận được công văn của NHNN, từ hôm nay (ngày 2-5 – PV) khi khách hàng gửi vàng sẽ được phát hành Chứng chỉ huy động vàng kèm quyền chọn thay vì Chứng chỉ huy động vàng như trước đây.
Để ông Tuấn rõ hơn, nhân viên này cho biết thêm, quyền chọn là khách hàng có thể chọn gửi 1, 2, 3 tháng cho kỳ hạn 9, 10 và 11 tháng với lãi suất 2,6% – 3%/năm tùy số lượng vàng và thời gian gửi. Tức khách hàng có thể chọn gửi 1 tháng cho kỳ hạn 9 tháng và tương ứng là 2, 3 tháng cho kỳ hạn 10, 11 tháng và không được rút trước hạn trong kỳ gửi đầu tiên. “Hình thức này chỉ áp dụng đối với thời gian hiện tại, đến khi NHNN có quy định nào mới, ngân hàng sẽ báo khách hàng biết” - nhân viên này giải thích.
Từ ngày 1-5, một số ngân hàng khác cũng chuyển từ hình thức huy động vàng sang hình thức giữ hộ vàng với lợi tức được chia 3,5% - 3,6%/năm tùy kỳ hạn.
Ngày 2-5, nhân viên một ngân hàng cho biết: Từ ngày 1-5, NHNN không cho huy động vàng nữa nên ngân hàng sẽ phát hành Chứng chỉ giữ hộ vàng cho khách nhưng kèm theo đó, ngân hàng và khách hàng phải ký một hợp đồng “Giữ hộ vàng”. Trong hợp đồng ghi rõ phần trăm lợi tức được chia. Vì trong hợp đồng “Giữ hộ vàng” chưa có mục tự đáo hạn cho khách hàng nên đến thời gian đáo hạn, khách hàng phải đến ngân hàng để làm hợp đồng mới” - cô nhân viên này giải thích thêm. Sau khi tư vấn khách hàng xong, cô nhân viên đon đả mời: “Chị cứ gửi vàng bên em, lãi suất cũng khá cao, chị có thể rút vàng trước hạn mà chỉ không được tính lãi suất thôi chứ không phạt hay gì hết”.
Tương tự, khách hàng của một ngân hàng khác trong ngày 2-5 cũng được tư vấn làm hợp đồng giữ hộ vàng với lợi tức được trả cao nhất lên đến 4,6%/năm kỳ hạn 18 tháng. “Vì không được huy động vàng nữa nên ngân hàng phải làm hợp đồng giữ hộ vàng nhưng khách hàng vẫn nhận được lãi suất dưới hình thức lợi tức, nghĩa là không khác gì trước đây” - nhân viên tư vấn khách hàng cho biết.
Không chỉ 3 ngân hàng trên, hiện có hơn 10 ngân hàng triển khai dịch vụ giữ hộ vàng cho rút trước hạn không tính lãi suất hoặc tính phí rút vàng khoảng 0,05%.
Giao dịch vàng vẫn biến động khó lường. Ảnh: Kim Ngân |
Thị trường èo uột trước giờ G
Trong khi đó, thị trường vàng diễn biến khá èo uột. Theo giới kinh doanh, giao dịch chủ yếu chỉ xảy ra giữa các doanh nghiệp cùng ngành với nhau. Tại Sacombank, quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, nhiều khách hàng mang vàng đến gửi đã được nhân viên ngân hàng từ chối nhận và khéo léo tư vấn khách hàng chuyển vốn từ vàng sang tiền đồng.
Theo nhân viên giao dịch Agribank chi nhánh Bến Thành, nếu trước đây 100 khách hàng có 60 khách hàng gửi tiết kiệm bằng tiền đồng, 10 khách hàng gửi tiết kiệm bằng USD và 30 khách hàng gửi tiết kiệm bằng vàng thì vừa qua số khách hàng gửi tiết kiệm bằng vàng đã giảm hẳn. Hầu hết họ đều biết Thông tư 11 về việc chấm dứt huy động vàng dưới mọi hình thức đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-5 nên đã rút vàng về.
Tương tự trong 2 tháng qua, giao dịch vàng vật chất tại các doanh nghiệp vàng cũng giảm mạnh. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ) cùng thời điểm này năm ngoái, một ngày khối lượng vàng giao dịch lên đến vài ngàn lượng, nhưng gần cả tháng qua chỉ còn trên dưới 300 lượng/ngày. Tại tiệm vàng Ngọc Tuyết đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, trong 3 phiên gần đây hầu như chẳng có giao dịch gì.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), từ đầu tháng 4 đến nay sau khi có thông tin về Nghị định 24 bảo vệ quyền giữ vàng hợp pháp của người dân thì mãi lực vàng miếng có tăng nhẹ, tuy nhiên so với cùng kỳ thì lượng vàng miếng giao dịch qua hệ thống cửa hàng PNJ hiện vẫn thấp hơn đến 50%.
Ngay tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), cả tháng qua nhu cầu mua bán vàng miếng không nhiều, trung bình chỉ đạt khoảng 1.500 lượng/ngày, giảm 7 - 8 lần so với trước đây.
Hạnh Nhung - Mai Thi
Theo SGGP
0 nhận xét