Nếu nói thiếu kỹ năng sống thì hơi oan nhưng quả thực là đội ngũ giáo viên đang rất cần bổ sung kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống sư phạm.
Chương trình Nhịp bước hành quân - một khóa học kỹ năng sống do Tổng đội Thanh niên Xung phong Trường Sơn (TPHCM) tổ chức cho học sinh
Sau khi Báo Người Lao Động ngày 25-4 nêu việc học sinh quá thiếu kỹ năng sống, nhiều chuyên gia giáo dục cho biết: Giáo viên đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục học sinh nhưng chính đội ngũ này tại TPHCM cũng có nhiều người mù mờ về kỹ năng sống, lỗi do khiếm khuyết từ chương trình đào tạo sư phạm.
Không vô tâm nhưng lúng túng
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3 cho rằng trẻ em bây giờ phát triển sớm, từ lớp 3 đã có em phổng phao như người lớn. Tuy nhiên, trước giờ học buổi chiều, nhiều nữ sinh bán trú vẫn vô tư mở cửa thay áo quần, giáo viên phụ trách thấy mà không hề nhắc nhở. Nếu giáo viên không kịp thời khuyên nhủ dễ dẫn đến tình trạng các em bị nam sinh tò mò, chọc ghẹo. Hậu quả xa hơn nữa thì chưa dám nghĩ tới.
Theo ThS Phan Tấn Chí, Phó trưởng Khoa Quản lý giáo dục Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TPHCM, thực tế chương trình đào tạo giáo viên lâu nay nặng về khoa học cơ bản hơn là khoa học sư phạm. Sinh viên sư phạm chủ yếu được rèn luyện về phương pháp học tập mà ít được dạy về kỹ năng sống. Nhiều giáo viên tâm sự thật ra họ không phải vô tâm mà do lúng túng, bất lực trong nhiều tình huống ứng xử với học sinh.
Ông Huỳnh Vĩnh Đỗ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bình Trị Đông (quận Bình Tân), phân tích rằng nếu nói thiếu kỹ năng sống thì hơi oan nhưng quả thực là đội ngũ giáo viên đang rất cần bổ sung kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống sư phạm. Cuộc sống vất vả khiến giáo viên hầu như hết giờ làm là phải tất tả về lo việc nhà hoặc làm thêm nên không có thời gian quan tâm đến học sinh. Khi bị ức chế, nhiều giáo viên lại thiếu kiềm chế, có khi dùng những lời lẽ mang tính mạt sát, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.
Cũng theo ông Đỗ, có tới 3/4 giáo viên chủ nhiệm không hiểu hết hoàn cảnh của học sinh. Mới đây, một nhóm học sinh lớp 9 đánh nhau khiến phụ huynh hai bên kéo đến gây hấn nhưng giáo viên chủ nhiệm không biết phải giải quyết tình huống này như thế nào.
“Trăm sự nhờ thầy”
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), bộc bạch: “Không ít phụ huynh có tư tưởng khoán trắng con cho nhà trường theo kiểu “trăm sự nhờ thầy”, trong khi giáo viên đang chịu quá nhiều áp lực. Mặt khác, khi trẻ về nhà, sự quản lý đã vượt tầm tay giáo viên nên gia đình cần phối hợp với nhà trường để dạy kỹ năng sống cho trẻ”.
Quan điểm của bà Hà là nhà trường rất cần có những buổi nói chuyện với phụ huynh để tìm tiếng nói chung trong việc giáo dục trẻ. Kỹ năng sống không phải là những điều quá cao siêu, phức tạp nhưng nếu ở trường giáo viên dạy một đằng, về nhà phụ huynh dạy một nẻo thì phản tác dụng.
Ở một góc độ khác, ThS Phan Tấn Chí nói giáo viên cần có ý thức cập nhật các kiến thức về kỹ năng sống, đồng thời các cơ quan quản lý nên thường xuyên tổ chức những chương trình tập huấn có nội dung phù hợp, hình thức phong phú, thời gian bồi dưỡng hợp lý để tạo điều kiện cho giáo viên tiếp thu hiệu quả các chương trình bổ ích này.
Không sa đà vào tổ chức trò chơi Theo ông Vũ Quang Thọ, Tổ trưởng Tổ Phổ thông Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, việc đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các giờ sinh hoạt chủ yếu nhằm tăng tính chủ động của học sinh trong lớp, nhấn mạnh đến vai trò của tập thể. Các trường không nên sa đà vào việc tổ chức trò chơi mang tính giải trí đơn thuần vì sẽ làm sai lệch mục đích của việc lồng ghép. Cần có những tiết thao giảng, dạy mẫu; những giờ trao đổi, rút kinh nghiệm trong bộ môn. Ban giám hiệu nên nhắc nhở giáo viên đưa nội dung kỹ năng sống lồng ghép một cách tự nhiên, không gượng ép. |
Bài và ảnh: Đặng Trinh
Theo NLĐ
0 nhận xét