Đã từng có thời điểm, thị trường di động Việt được đánh giá là miền đất hứa cho các hãng viễn thông nước ngoài tham gia kinh doanh thông qua các hình thức như liên doanh, góp vốn mua cổ phần… Và giờ, đã có nhiều tên tuổi phải thoái lui.
Ngày 23/4, GTel đã tuyên bố mua lại 49% cổ phần của VimpelCom để sở hữu 100% mạng Beeline Việt Nam. Với thương vụ này, trong vòng 6 tháng nữa, thương hiệu Beeline sẽ không còn được sử dụng tại thị trường Việt Nam. Gtel sẽ phải phát triển một thương hiệu mới cho mạng di động giờ 100% vốn “nội” của mình.
Thị trường di động Việt đã từng chứng kiến loạt các mạng di động được ra đời nhờ sự hợp tác của một doanh nghiệp nội cùng đối tác ngoại như Sfone, Vietnamobile và Beeline. Với Sfone, lúc ra mắt, đây vốn là kết quả của sự hợp tác giữa SK Telecom với Công ty Cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT).
Còn Vietnamobile là "đứa con chung" của công ty cổ phần Hanoi Telecom và Tập đoàn Hutchison. “Sinh sau, đẻ muộn” nhất chính là sự hợp tác giữa Tập đoàn Vinpelcom và Tổng công ty Tổng công ty Viễn thông Di động Toàn cầu với thương hiệu mạng di động quốc tế duy nhất tại Việt Nam: Beeline. Mạng được đánh giá “hoành tráng” nhất khi được mang thương hiệu Beeline vốn đã được Vinpelcom triển khai thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Thế nhưng, tính đến thời điểm này, tại Việt Nam, chỉ còn Hutchison - đối tác của Hanoi Telecom là thương hiệu ngoại còn lại vẫn đang cùng tham gia xây dựng và cung cấp dịch vụ mạng Vietnamobile.
Mạng di động Beeline VN sẽ có thương hiệu mới. |
Đưa ra quan điểm về việc Gtel mua lại cổ phần của Vinpelcom tại thị trường Việt, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, câu chuyện mua lại hay sáp nhập trên toàn cầu là hoàn toàn bình thường, nó phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, khi mở cửa thị trường, nhiều doanh nghiệp cùng tham gia kinh doanh thì lẽ tất yếu trong quá trình cạnh tranh sẽ phải có sự chọn lọc. Đây là kết quả hoàn toàn mang tính tự nhiên.
Rất có thể trong thời gian tới, khi VimpelCom rút ra không còn đầu tư vào Gtel Mobile nữa, thì lại có doanh nghiệp khác quyết định đầu tư vào. Tất cả những động thái này đều hoàn toàn là chuyện kinh doanh rất lành mạnh. Sự thanh lọc, lựa chọn hoàn toàn được diễn ra tự nhiên, theo đúng xu hướng phát triển sẽ khiến thị trường dần dần đi đến sự ổn định. Doanh nghiệp nào mạnh, có thực lực cạnh tranh tốt thì sẽ ở lại, khẳng định được vị thế trên thị trường.
Trước câu hỏi, việc “tháo chạy” của đối tác ngoại này liệu có gây bất lợi cho các doanh nghiệp di động khác khi kêu gọi đầu tư nước ngoài? Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, đâu phải cứ có yếu tố nước ngoài mới thành công. Bản thân doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia kinh doanh, nếu không nắm được văn hóa điều kiện kinh doanh, không hoạt động một cách bền vững lâu dài mà ăn xổi ở thì khó có thể tồn tại được.
Theo phía Gtel, khi đối tác có ý định nhượng lại cổ phần, họ cho rằng đây là cơ hội tốt cho Gtel. Dù không còn cùng “chung sức” với đối tác để đưa ra những chính sách phát triển như trước đây, song việc kế thừa những thành quả Beeline đạt được trong thời gian qua theo đại diện của Gtel sẽ tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh mới cho GTel Mobile.
“Dù cho có hoạt động dưới bất kỳ thương hiệu nào, điều quan trọng là mọi sản phẩm đã và sẽ cung cấp cho khách hàng vẫn đều là sản phẩm của Công ty GTel Mobile” - đây có lẽ là lời khẳng định khiến các thuê bao của Beeline yên tâm nhất ở thời điểm này, khi mà nhiều thông tin lo lắng cho rằng, khi Vinpelcom thoái vốn khỏi liên doanh, không chỉ thương hiệu Beeline mà mạng này sẽ biến mất khỏi thị trường.
Theo VnMedia
0 nhận xét