Dù rất vất vả để duy trì những lớp học quá ít sinh viên nhưng các trường ĐH vẫn phải gồng gánh để tránh hệ lụy của việc phải đóng cửa ngành học
Sinh viên năm thứ nhất ngành Nhật Bản học của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng trong giờ học
Nhiều ngành học của một số trường ĐH tại TPHCM phải chịu hậu quả của một mùa tuyển sinh khó khăn khi số sinh viên trúng tuyển quá ít. Không ít ngành học đã đóng cửa nhưng một số ngành vì nhiều lý do khác nhau vẫn phải duy trì.
Tương tác tốt hơn
Có mặt tại Khoa châu Á - Thái Bình Dương của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều lớp học vắng hoe. Một số lớp chỉ có trên dưới 10 sinh viên đang học. Lớp Nhật Bản học năm thứ nhất trong giờ học ngữ pháp chỉ có 14 sinh viên ngồi dồn lên phía trên, để lại khoảng trống lớn phía sau.
Bà Điều Thị Bích Hải, Phó trưởng Khoa châu Á - Thái Bình Dương, Trưởng ngành Nhật Bản học, cho biết đây là năm tuyển được ít sinh viên nhất. “Năm 2006, ngành học này tuyển được 70 sinh viên; năm 2007, tuyển được 40; các năm tiếp theo tuyển được hơn 20 đã thấy vắng thế mà năm nay chỉ có 14 sinh viên”- bà Hải chạnh lòng. Bi đát hơn là ngành Trung Quốc học năm nay chỉ tuyển được 7 sinh viên nhưng vẫn phải mở lớp. Riêng ngành Hàn Quốc học tuyển được 16 sinh viên và còn duy trì một lớp tuyển năm 2010 với 7 sinh viên.
Bà Hải cho biết sở dĩ những ngành học này tuyển được ít sinh viên là do khối ngành C, D ngày càng ít thu hút. Hơn nữa, việc tư vấn hướng nghiệp chưa thật sự hiệu quả nên thí sinh chưa hiểu hết về các ngành học. Sinh viên ít thì có thuận lợi là thầy và trò tương tác tốt hơn bằng phương pháp trực tiếp, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến không khí, tinh thần dạy-học.
Tại Trường ĐH Hùng Vương, ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng tuyển sinh năm 2011 chỉ được 11 sinh viên, ngành Nhật Bản học đang duy trì một lớp năm thứ nhất với số lượng 11 sinh viên. Các lớp này vẫn dạy và học bình thường. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Mai Bình, trưởng phòng đào tạo của trường, nhiều giảng viên thổ lộ sự chán nản khi dạy lớp học quá ít sinh viên...
Chật vật bài toán kinh phí
Bài toán kinh phí đang trở thành gánh nặng đối với các trường khi phải duy trì những lớp học dạng này. Bà Nguyễn Thị Mai Bình cho biết Trường ĐH Hùng Vương đầu tư rất nhiều tiền mua sắm thiết bị cho ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng. Tuy nhiên, số sinh viên quá ít đang khiến trường lỗ rất nặng. Bà Hải cũng cho biết hiện khoa đang kiến nghị trường xin phép Bộ GD-ĐT tuyển sinh viên hệ liên thông từ CĐ lên ĐH để đào tạo, tránh lãng phí cơ sở vật chất, giảng viên; tăng cường công tác hướng nghiệp, trao học bổng, tổ chức các chương trình hợp tác với các nước để tăng sức hấp dẫn cho chương trình đào tạo.
Ông Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến, cho biết năm 2011, trường phải đóng cửa 2 ngành học là văn học và xã hội học vì mỗi lớp chỉ tuyển được trên dưới 10 sinh viên. Lý do không thể duy trì ngành học bởi trường không đủ tài chính để cân đối thu chi. Hơn nữa, hàng năm số lượng sinh viên còn “rơi rụng” thêm khoảng 10% nữa nên đối với lớp quá ít sinh viên thì đành phải đóng cửa.
Ông Nguyễn Thế Lực, Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp, cũng cho biết năm 2011, trường phải đóng cửa ngành cơ - điện tử vì chỉ tuyển được khoảng 10 sinh viên. Là ngành công nghệ đòi hỏi chi phí thực hành, thí nghiệm rất lớn, bên cạnh đó còn phải tính đến việc mỗi khóa sinh viên tốt nghiệp chỉ đạt 60% - 70%, nếu số lượng sinh viên ít mà mở lớp thì trường “chịu không nổi”.
Lớp đông bù lớp ít Bà Điều Thị Bích Hải cho biết dù số lượng sinh viên ít nhưng các lớp vẫn hoạt động bình thường theo chương trình đào tạo đã đề ra. Các ngành học này không thể ghép lại thành một lớp vì mỗi ngành có sự riêng biệt. “Duy trì những lớp học này là cố gắng lớn của trường. Vì nếu đóng cửa ngành học thì bao nhiêu công sức lâu nay của lãnh đạo bộ môn, của giảng viên sẽ đổ sông, đổ biển”- bà Bùi Phan Anh Thư, Trưởng ngành Hàn Quốc học - Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, bộc bạch và nói thêm rằng nếu không duy trì được ngành học thì cơ sở vật chất, tài liệu, giáo trình, các dự án đang thực hiện… phải bỏ dở. Do vậy, có lúc trường đã yêu cầu xem xét đóng cửa ngành học nhưng lãnh đạo ngành đã làm đơn xin được duy trì. |
Bài và ảnh: Thùy Vinh
NLĐ
0 nhận xét