24 thành viên hội “Triệu phú yêu nước” xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ yêu cầu được đóng thêm thuế để cắt giảm thâm hụt ngân sách theo tinh thần công bằng xã hội
Ông Warren Buffett. Ảnh: Reuters
Trong khi phong trào “Chiếm phố Wall” lan rộng khắp nước Mỹ phản đối sự bất công về thu nhập và thuế khóa thì sự kiện nói trên cũng phản ánh một cuộc phản đối khác hết sức kỳ lạ và bất thường.
Cuộc đột nhập diễn ra ngày 16-11, tức 5 ngày trước phiên họp lịch sử của siêu ủy ban, tên gọi tắt của Ủy ban Hỗn hợp Lưỡng viện Quốc hội Mỹ về cắt giảm thâm hụt ngân sách. Ủy ban này gồm có 12 ủy viên bao gồm 6 thượng nghị sĩ và 6 hạ nghị sĩ đại diện Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Nhiệm vụ của ủy ban là tìm một giải pháp cắt giảm 1.200 tỉ USD trong vòng 10 năm tới trong số 14.000 tỉ USD tiền nợ công hiện nay.
Hạt muối bỏ biển
Siêu ủy ban nói trên ra đời theo đạo Luật Kiểm soát ngân sách năm 2011 vì hai đảng có quan điểm rất khác nhau về chính sách thuế đối với những người giàu có. Trong khi Đảng Dân chủ cầm quyền muốn tăng thuế thu nhập đối với những người có trên 1 triệu USD thì Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm thêm nữa và tiếp tục duy trì sự ưu đãi về thuế đối với tầng lớp này với lập luận tăng thuế sẽ khiến giới chủ giàu có cắt giảm lao động, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao.
Theo đài CNN, các vị “triệu phú yêu nước vì một nền tài chính hùng mạnh” (tên đầy đủ của hội) đi xe buýt thay vì lái xe hơi hạng sang thường ngày đến trụ sở quốc hội để chứng tỏ lòng thành của mình. Họ vận động các ủy viên trong siêu ủy ban tán thành chủ trương đánh thuế họ nhiều hơn mức họ đang đóng.
Hành động nói trên của những người đại diện cho 220 thành viên hội “Triệu phú yêu nước” đã làm nhiều ông nghị Cộng hòa bối rối. Chỉ có hạ nghị sĩ Jim Clyburn tiếp xúc với họ. Một số vị khác như hạ nghị sĩ Howard Coble và Louie Gohmert từ chối, mặc dù đã hẹn trước.
Phóng viên AP đã chứng kiến một cuộc đấu khẩu nảy lửa giữa các nhà “triệu phú yêu nước” và Grover Norquist, thủ lĩnh nhóm Người Mỹ vì cải cách thuế, chủ trương chống tăng thuế người giàu kịch liệt nhất. Ông Norquist đưa ra lời khuyên: “Hôm nay, quý vị có thể viết ngân phiếu gửi thẳng vào quỹ “Quà tặng cho nước Mỹ” của Bộ Tài chính nếu quý vị cảm thấy đóng thuế thấp quá”. Lập tức, một vị triệu phú yêu nước “đập” lại ngay: “Ông hãy từ bỏ quốc tịch Mỹ rồi đi mà sống ở Somalia vì ở đó không ai thu thuế”.
Giờ đây thì mọi người đều biết cuộc họp của siêu ủy ban thất bại hoàn toàn. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều giữ vững lập trường của mình. Nỗ lực của các nhà “triệu phú yêu nước” giống như hạt muối bỏ biển mà thôi. Bởi có đến 288.780 triệu phú ở Mỹ gọi họ là “phản quốc” (theo Newsday).
Ông Buffett tự mâu thuẫn?
Ông Warren Buffett, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành (CEO) tổ hợp Công ty Đầu tư Berkshire Hathaway, là tỉ phú Mỹ đầu tiên mạnh mẽ bày tỏ ý kiến nên tăng thuế nhà giàu sau khi tiết lộ năm 2006, ông chỉ phải trả thuế liên bang 19% trên tổng thu nhập của ông, trong khi nhân viên của ông phải trả đến 33% tổng thu nhập rất nhỏ so với ông. Như vậy là bất công và ông sẵn sàng đóng góp nhiều hơn cho nước Mỹ.
Các “triệu phú yêu nước” trình bày nguyện vọng tại trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 16-11. Ảnh: AP
Ông Buffett, năm nay 81 tuổi, cố vấn của Tổng thống Obama, là một huyền thoại sống trong giới tỉ phú thế giới. Năm 2008, ông là người giàu nhất thế giới; còn năm nay, ông tụt xuống hạng ba với tài sản cá nhân là 50 tỉ USD (theo Forbes).
Ông không chỉ nổi tiếng là một trong những nhà đầu tư giỏi nhất mà còn là nhà từ thiện hào phóng nhất vì ông quyết định tặng 99% tài sản cho công tác từ thiện, trong đó 83% sung vào Quỹ Bill & Melinda Gates, quỹ từ thiện của cặp vợ chồng nhà tỉ phú Mỹ lừng danh. Tuy nhiên, mới đây xảy ra một chuyện khiến dư luận băn khoăn về “nhà hiền triết ở Ohama”, biệt danh của ông.
Theo Fox Nation, ngày 19-11 vừa qua, ông đã gián tiếp khiếu nại IRS (Tổng cục Thuế nội địa Mỹ) về số thuế 643 triệu USD của NetJets Large Aircarft Inc., công ty cho thuê máy bay thương mại cá nhân, một chi nhánh của Berkshire Hathaway. Theo IRS, đó là số tiền mà NetJets nợ nhà nước vì không thu thuế tiền vé của khách hàng (trong đó có ông Buffett).
Đứng đơn kiện là Công ty NetJets chứ không phải ông Buffett nhưng ông này là CEO và cổ đông lớn nhất của Berkshire Hathaway, công ty mẹ của NetJets, cho nên dư luận hiểu chính ông – người than phiền chính phủ “quá nuông chiều những người siêu giàu” – đã tự mâu thuẫn.
Có nhiều tờ báo và hãng thông tấn lớn như nhật báo The Wall Street Journal và hãng thông tấn Bloomberg đều không bình luận gì về sự kiện nói trên. Nhà báo Kenneth Schortgen Jr., trên trang web Examiner.com, nhận xét rằng sự kiện vừa kể cho thấy ông Buffett tách bạch rõ ràng các hoạt động xã hội với các hoạt động kinh doanh của ông.
Theo Schortgen, nhà từ thiện, nhà “triệu phú yêu nước” (ông Buffett cũng có chân trong hội), Warren Buffet đáng kính bao nhiêu thì nhà doanh nghiệp Buffett lại gây thất vọng bấy nhiêu. Có thể trong vụ kiện cáo của Công ty NetJets có nhiều uẩn khúc bên trong và người ta hy vọng ông Buffett không phải là người trước sau bất nhất.
Nguyễn Cao
Theo NLĐ
0 nhận xét