Từ nay đến năm 2015 sẽ cổ phần hóa nhiều tập đoàn lớn
Sau cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp làm ăn phát triển. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến. Ảnh: Tấn Thạnh
Hai năm nay, tiến độ cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp (DN) Nhà nước đang chậm lại. Đây là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam vì số lượng DN cần CPH còn khá nhiều và DN dễ thì đã tiến hành rồi, còn lại đều là những DN khó CPH.
Chứng khoán ngóng hàng “khủng”
Theo đề án tái cơ cấu DN Nhà nước của Bộ Tài chính, đến năm 2015, sẽ tiến hành CPH 27 tập đoàn, tổng công ty lớn, trong đó có những tập đoàn tầm cỡ khu vực và có tính chất dẫn dắt nền kinh tế như Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy, Bưu chính Viễn thông, Dầu khí, Hàng hải, Hàng không, Điện lực, Than – Khoáng sản… theo hướng Nhà nước nắm cổ phần chi phối trên 65% - 75%.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho rằng khó khăn lớn nhất trong quá trình CPH là cơ chế, chính sách đã quá lâu, khi làm được thì thực tế lại thay đổi nên khó thực hiện. Năm 2011, một số nút thắt trong CPH đã được tháo gỡ khi Chính phủ ban hành Nghị định 59/2011 thay thế Nghị định 109 về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Theo đó, những vướng mắc về việc xác định giá trị của DN và chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược khi CPH DN đã được tháo gỡ. Đặc biệt là nghị định cho phép căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế theo thị trường để DN trả tiền thuê đất mà không phải xác định lợi thế vị trí địa lý đối với diện tích đất DN chọn hình thức thuê, vì khái niệm này gây nhiều vướng mắc cho xác định giá trị DN trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, vào năm 2012 tiến độ CPH sẽ chưa mấy khả quan vì tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn, muốn bán cổ phần cũng khó kiếm người mua. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng không dễ… Như vậy, tình trạng chứng khoán ngóng hàng “khủng”, hàng có thương hiệu tốt còn kéo dài.
Rút kinh nghiệm việc thuê tổng giám đốc
Thủ tướng Chính phủ từng cho phép 5 tập đoàn Nhà nước thí điểm thuê tổng giám đốc điều hành để tạo đột phá trong tư duy phát triển, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới DN Nhà nước. Nhưng chỉ có 2 tập đoàn thực hiện thí điểm và cũng không đạt được hiệu quả rõ rệt do có quá nhiều cơ chế ràng buộc, không phát huy được năng lực của tổng giám đốc làm thuê. Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết một trong số hai DN đi đầu thực hiện thí điểm cơ chế thuê tổng giám đốc là Tập đoàn Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor). Triển khai chưa được bao lâu, tổng giám đốc đã đề nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Rút kinh nghiệm từ thực tế này, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất trong giai đoạn tới chỉ thí điểm thuê tổng giám đốc đối với DN có quy mô vừa phải để tổng kết, rút kinh nghiệm triển khai tiếp trong thời gian tới.
Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến đóng góp để xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 59 với tinh thần thúc đẩy quá trình CPH bảo đảm về chất lượng, tạo ra hàng hóa có chất lượng cao cho thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính cũng đã giao Cục Tài chính DN đẩy mạnh nghiên cứu các cơ chế, chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình CPH để tăng tốc thực hiện chương trình này.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, cả nước sẽ tiến hành sắp xếp, đổi mới 1.309 DN Nhà nước hiện có. Trong đó chỉ duy trì 100% vốn Nhà nước tại 692 DN. Còn lại CPH 573 DN; giải thể, phá sản 13 DN, tái cơ cấu 31 DN... |
Bích Ngân
NLĐ
0 nhận xét