"Lãi suất nhất định sẽ phải giảm, bởi khi lạm phát xuống rồi, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng gần đây cộng lại chưa đến 3%, cộng thêm dự phòng thì lãi suất huy động hiện nay quá cao. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải xem xét hạ lãi suất. Tuy nhiên mức giảm bao nhiêu, giảm vào thời điểm nào do NHNN quyết định".
Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 1/12 tại Hà Nội. Bộ trưởng cho biết, trong hai ngày 30/11 và 1/12 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 11/2011 để thảo luận và cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2011; về các đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.
Giá tiêu dùng giảm, lãi suất phải giảm theo
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô từng bước ổn định hơn vào những tháng cuối năm, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm đáng kể, tháng 11 tăng 0,39% là tháng thứ tư liên tiếp mức tăng giá dưới 1%; thu ngân sách tăng khá, chính sách tiền tệ đạt kết quả tích cực, nhập siêu giảm mạnh, dự trữ ngoại hối tăng so với đầu năm...
Tuy nhiên, Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế xã hội còn rất khó khăn, lạm phát tuy đã giảm trong những tháng gần đây nhưng tính chung cả năm vẫn rất cao; lãi suất chưa giảm nhiều và còn bất hợp lý trong xu hướng lạm phát giảm; nhu cầu ngoại tệ và sức ép tỷ giá cuối năm rất lớn; thị trường bất động sản và chứng khoán trầm lắng, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn....
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có hạ mặt bằng lãi suất và xem xét miễn giảm thuế.
"Chính phủ nhận thấy mặt bằng lãi suất cao, doanh nghiệp khó tiếp cận và nếu có tiếp cận được cũng khó sản xuất. Vì thế Chính phủ yêu cầu NHNN trong thẩm quyền của mình xem xét phương án hạ lãi suất, vẫn đảm bảo lãi suất thực dương nhưng linh hoạt. Từ tháng 8/2011 trở lại đây, chỉ số giá tiêu dùng đều tăng dưới 1%, nếu tháng 12 chỉ số giá dưới 1% thì mặt bằng chỉ số giá ở mức một con số. Vậy lãi suất huy động và cho vay phải được điều chỉnh thích hợp"- Bộ trưởng nói.
Về thuế, trước đây có các biện pháp về kéo dài thời hạn nộp thuế thì ở lần này, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính xem xét các phương án thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát triển, đặc biệt khuyến khích không chỉ doanh nghiệp đang làm ăn tốt mà còn doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
2 "trọng bệnh" phải chữa ngay
Trả lời báo chí về các vấn đề xoay quanh tái cấu trúc ngân hàng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, mục đích tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại là làm sao cho hệ thống NHTM, tổ chức tài chính nói chung lành mạnh, an toàn, minh bạch. Suốt mấy chục năm qua, hệ thống các ngân hàng nói riêng và hệ thống các thiết chế tài chính nói chung đã có bước lớn mạnh rất lớn cả về số lượng, quy mô lẫn sự đóng góp vào nền kinh tế. Tuy nhiên những hệ thống này còn bộc lộ nhiều yếu kém, trong đó có yếu kém là do chủ quan, điều hành...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (phải) và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son chủ trì buổi họp báo. ảnh QT |
"Có hai điểm yếu dễ thấy nhất là chúng ta chưa có NHTM hoặc thiết chế tài chính nào đủ mạnh ở tầm cỡ khu vực, chưa nói tầm cỡ quốc tế; nguy cơ hoạt động khó khăn, lúc về thanh khoản, lúc các yếu tố khác, gần như thường trực, cách mấy năm lại rộ lên. Vậy nên lần này chúng ta phải làm căn bản hơn, để sao để giai đoạn 2015 sẽ có một số ít NHTM nhà nước sẽ được cổ phần hoá, NN vẫn giữ quyền chi phối để ổn định kinh tế vĩ mô, cố gắng có ít nhất 1 ngân hàng có uy tín quy mô đủ sức cạnh tranh trong khu vực" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với nhóm NH ngoài quốc doanh, Bộ trưởng cho biết sẽ tiến hành sắp xếp từng bước, NH tốt thì tạo điều kiện tốt hơn và đặc biệt Chính phủ không ngại NH ngoài quốc doanh lớn chiếm thị phần của NHTM Nhà nước. Với NH nào đang tạm thời khó khăn thì chúng ta trợ giúp cho bớt khó; sau đó các ngân hàng có cổ phần hoá, có sáp nhập thì trên cơ sở tự nguyện, đúng luật pháp và trên hết đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền. Theo Bộ trưởng, ngân hàng có "bệnh" phải trị xong "bệnh" thì mới sắp xếp. Chủ trương cổ phần hoá rộng rãi, các NH cổ phần là cổ phần đại chúng chứ không chỉ là một nhóm nhỏ chi phối tác động chéo tới nhau...
"Tôi cũng muốn nói thêm là bấy lâu nay chúng ta chỉ nói tới tái cơ cấu ngân hàng nhưng còn cái "đuôi" rất quan trọng là các tổ chức tín dụng, các định chế tài chính như: công ty tài chính chứng khoán, bảo hiểm, cho thuê tài chính..., gắn với nhau thành một đề án để triển khai thực hiện từ nay tới 2015 và tiếp đến 2020"- Bộ trưởng nói thêm.
Sớm quyết định vấn đề chuyển vốn nhà nước tại Jetstar Pacific
Xung quanh đề xuất nghỉ 9 ngày trong dịp Tết Nguyên đán của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết đề xuất này đang được Thủ tướng xem xét nhưng nguyên tắc chung là phải thực hiện đúng luật, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Về thông tin chuyển phần vốn Nhà nước trong hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, chủ trương chung của Chính là đẩy nhanh hơn nữa tiến trình CPH DNNN trong đó có những DN hoạt động lỗ liên tục nhiều năm cần phải có phương án sắp xếp lại. Kết quả kinh doanh của Jetstar Pacific nhiều năm không tốt, nên để cho việc quản lý vốn hiệu quả hơn, các cơ quan chức năng đang đề xuất chuyển vốn từ SCIC - đơn vị đang đại diện vốn Nhà nước tại đây - sang doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác. Hiện Chính phủ đang được xem xét, sẽ quyết định sớm theo nguyên tắc bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước.
Theo VnMedia
0 nhận xét