Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tuyến vừa có chuyến khảo sát tình trạng quá tải các bệnh viện ở TPHCM và đã thấy tận mắt cảnh bệnh nhân “nằm dưới đất, dưới gầm giường”. Vì sao có tình trạng đó, giải pháp nào để giải quyết là những vấn đề đặt ra trong loạt bài này…
Không còn chỗ trống
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn tại TPHCM cũng như tình trạng ùn tắc giao thông, ngày càng trầm kha
Một góc của phòng có 8 giường bệnh nhưng có đến 30 bệnh nhi ở Bệnh viện Ung Bướu (TPHCM). Ảnh: Phạm Dũng
Đến các bệnh viện lớn ở TPHCM, hình ảnh bệnh nhân nằm, ngồi la liệt hoặc thân nhân trải chiếu ngồi dọc các hành lang, lối vào bệnh viện không còn lạ. Một giường có 3 - 4 bệnh nhi nằm là bình thường; chưa kể, 2 - 3 bệnh nhi nằm dưới gầm giường. Khái niệm nằm viện giờ được đổi thành… “ngồi viện”!
8 giường cho 30 bệnh nhi
Đến Bệnh viện Ung Bướu (TPHCM), điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cảnh dòng người đông đúc liên tục ra vào, không bao giờ ngớt. Họ tất bật, hối hả, vội vã hơn bao giờ hết. Hơn 8 giờ, tại phòng lấy máu xét nghiệm và nhận bệnh phẩm, bệnh nhân ngồi chờ la liệt, chiếm cả lối đi dẫn lên cầu thang. Dù số thứ tự mới 400 nhưng số được lấy đã hơn 500. Dọc lối đi dẫn vào khu D, khu C, người nhà bệnh nhân trải chiếu ngồi chờ đến giờ nuôi bệnh, có người mệt lả, nằm bệt xuống đất. Gương mặt bơ phờ, bà Nguyễn Thị Đầm (Trà Vinh) mệt mỏi, nói: “Tám bữa nay, tôi cùng người cháu vào bệnh viện nuôi mẹ nó bị mổ đa nang buồng trứng. Không ngờ bệnh viện đông quá nên ngay cả việc nằm dưới sàn cũng không có chỗ, tôi đành bấm bụng qua hẻm đối diện bệnh viện để thuê chỗ ngủ với giá 35.000 đồng/người/đêm. Dù khó khăn nhưng không còn cách nào khác”. Chính vì tình trạng đông đúc, chen lấn nên kẻ gian dễ đột nhập trộm, cắp tài sản - bà Đầm cho biết.
Lên khu B, nơi dành cho bệnh nhi bị ung thư, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng trăm bệnh nhi không có giường nằm phải chen chúc bên ngoài hành lang. Đầu trọc lóc, cậu bé Bùi Văn T. (2 tuổi) mặt luôn nhăn nhó vì cơn đau đang hành hạ cơ thể. Con mắt còn lại của bé đang lim dim nhưng khi nghe bước chân người lại giật mình mở ra, rồi khóc thét. Vừa dỗ con, chị Võ Thị Kim Xuyến (Hậu Giang) buồn bã nói: “Cháu bị ung thư giác mạc, đã múc bỏ một mắt, lên bệnh viện 4 ngày nhưng không có chỗ nằm, chỉ được nằm mỗi khi vô hóa chất”. Thương con, chị đành trải chiếu bên ngoài hành lang khu B, lầu 2, dù nằm cạnh nhà vệ sinh và thùng rác nhưng vẫn phải chịu.
Bước vào phòng 5 khu B, chúng tôi choáng ngộp khi thấy hơn 30 bệnh nhi phải nằm chen chúc từ trên giường đến dưới sàn, mọi không gian đều được tận dụng để treo đồ đạc, treo dây truyền dịch, truyền hóa chất. Một ít khoảng không nhỏ dưới gầm giường chỉ đủ cho 2 bệnh nhi nằm cũng được tận dụng treo vài con thú nhồi bông nhỏ xíu để đỡ buồn mắt. Thứ đồ chơi xa xỉ của những bệnh nhi này chỉ đơn giản là kẹo, bánh, là keo thổi bong bóng. Bó gối ngồi ôm con, chị Nguyễn Thị Thu Trang (Bình Định) nói: “Hơn một năm điều trị tại đây, lần nào cho con vô bệnh viện truyền hóa chất, tôi cũng chịu tình cảnh này”. Trong căn phòng này, chị và bé được vọn vẻn 1 m2 để nằm và ngồi, khi thằng bé nằm, chị không dám duỗi chân vì sợ vướng víu bệnh nhi khác. Gầm giường kế bên là 2 bệnh nhi - đang nằm thiêm thiếp. anh Tú, người nhà của một bệnh nhi, lắc đầu nói: “Chỉ mong con mình được nằm thoải mái hơn vì mỗi lần vô hóa chất, bé khó chịu trong người, thấy cảnh đông đúc, nó bứt rứt, khóc nhè hoài”. Căn phòng 25 m2 này chúng tôi nhẩm đếm có đến 30 bệnh nhi nằm, cứ mỗi diện tích giường là có 3 bệnh nhi cả trên giường lẫn dưới gầm giường, 8 giường tương đương 24 bệnh nhi, chưa kể có 6 đến 10 bệnh nhi nằm dưới sàn. Thật khó khăn khi chúng tôi len lỏi giữa những bệnh nhi nằm la liệt dưới sàn để ra khỏi phòng, bởi chỉ cần sơ suất, có thể giẫm trúng tay, chân các em.
Ngồi và đứng!
Đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM tình trạng cũng tương tự. Tại các khoa nhiễm, sốt xuất huyết, thận luôn quá tải, một giường 2 - 3 bệnh nhi nằm. tại Khoa Sốt xuất huyết, hầu như phòng nào cũng vậy, cứ một giường có 2 bệnh nhi thì kèm một bé lớn hoặc 4 bé nhỏ nằm chung với nhau. Tội cho người nhà, không có chỗ ngồi, cứ đứng nửa giờ lại chạy ra hành lang ngồi bệt trên chiếu được trải sẵn.
Ngồi ngay lối dẫn lên cầu thang Khoa Nhiễm - Thần kinh, chị Trần Thị Thùy Trang (TPHCM) ôm con vào lòng, cho biết: “Chín ngày vô đây điều trị bệnh viêm não cấp cho con là 9 ngày ngồi ngoài hành lang, chỉ khi nào truyền thuốc thì cháu mới được lên giường”. Mỗi ngày 2 lần, cứ nắng lên là chị cuốn chiếu đi nơi khác trốn nắng, mưa thì thê thảm hơn, không có chỗ núp phải đứng bồng con ở cửa phòng chờ mưa tạnh. Lên lầu 3 Khoa Sốt xuất huyết càng tệ hơn. Dù ngay trong phòng cấp cứu dành cho những bệnh nhi nặng phải thở máy, truyền dịch liên tục hoặc truyền máu nhưng cảnh một giường 2 – 3 bệnh nhi nằm vẫn diễn ra, có bé ngồi hoài không chịu nằm vì sợ duỗi trúng tay bạn.
Kỳ tới: khổ như đi viện!
Thu Hồng - Phạm Dũng
NLĐ online
0 nhận xét