Nợ nước ngoài của Việt Nam hiện tương đương 50 tỉ USD, lớn gấp 3 lần so với dự trữ ngoại hối (dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay khoảng 14-15 tỉ USD)
Trong phiên thảo luận ở tổ về tình hình dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011 - 2012 và phân bổ ngân sách Trung ương diễn ra ngày 24-10, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) rất lo ngại về tình hình nợ công và đầu tư lãng phí của Việt Nam.
Bên lạc quan, bên lo ngại
Mở đầu phiên thảo luận tại đoàn TPHCM, ĐB Trần Du Lịch dẫn số liệu nợ công tăng nhanh hằng năm: “Năm nay, dự kiến trả nợ 86.000 tỉ đồng, chiếm 12,5% nguồn thu; năm 2012 trả 100.000 tỉ đồng, chiếm 13,5%”. ĐB Trần Du Lịch cho rằng điều quan trọng là phải xem xét số nợ phải trả so với nguồn thu tăng hay giảm; đánh giá việc vay nợ để đầu tư có đem lại hiệu quả hay không, chứ không phải chỉ báo cáo chung chung là nợ công của Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm GDP rồi so sánh với thế giới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận ở Quốc hội về tình hình
dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011 – 2012 và phân bổ ngân sách Trung ương. Ảnh: TÔ HÀ
dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011 – 2012 và phân bổ ngân sách Trung ương. Ảnh: TÔ HÀ
Trước lo ngại của nhiều ĐB về nợ công, ĐB Vương Đình Huệ (Bình Định - Bộ trưởng Bộ Tài chính) giãi bày: “Nợ công có 7 mặt tốt, đặc biệt là tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Nhờ có vay nợ, GDP tăng bình quân 7,2%. Việc trả nợ vẫn được kiểm soát tốt, nước ngoài không có ý kiến gì về khả năng trả nợ của Việt Nam”. Để các ĐB yên tâm, ĐB Vương Đình Huệ nói thêm: “Nợ công từ năm 2010 đến nay tăng nhanh còn do điều chỉnh tỉ giá, do tốc độ tăng trưởng GDP không như mong muốn. Nước ngoài theo dõi nợ công của Việt Nam từng ngày còn sát hơn mình tự theo dõi và họ đánh giá Việt Nam là một trong những nước sử dụng vốn vay ODA tốt nhất thế giới”.
Nhưng quan điểm của ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) lại không lạc quan như Bộ trưởng Bộ Tài chính. ĐB Trần Hoàng Ngân quả quyết rằng nợ công của Việt Nam đã ở mức nguy hiểm, đáng báo động chứ không phải ở ngưỡng an toàn. Vì nợ nước ngoài của Việt Nam hiện tương đương 50 tỉ USD, lớn gấp 3 lần so với dự trữ ngoại hối (dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay khoảng 14-15 tỉ USD).
ĐB này dẫn chứng: “Nợ công của Thái Lan chỉ có 44,1% GDP trong khi dự trữ ngoại hối là 176 tỉ USD; Indonesia, Malaysia nợ công chỉ có 26,9% GDP, Philippines 47,3%... So với các nước trong khu vực, nợ công của Việt Nam cao về tỉ trọng trong GDP, lại triền miên nhập siêu, dự trữ ngoại hối mỏng, bội chi ngân sách liên tục kéo dài, lấy đâu tiền để trả nợ nước ngoài?” - ĐB Ngân lo lắng.
Rà soát đầu tư, tránh thất thu thuế
Con số 333 dự án mới sai đối tượng vẫn được khởi công, không thuộc danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách được nhiều ĐBQH quan tâm thảo luận.
ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng đó là hệ quả của việc “ai cũng muốn tăng đầu tư cho ngành mình, sao tránh được đầu tư dàn trải”. Cùng đoàn ĐBQH Hà Nội, ĐB Phạm Quang Nghị thẳng thắn: Các ĐB ai cũng kêu ca đầu tư dàn trải nhưng khi họp QH có vị nào trong số 500 ĐB dám đứng lên nhận trách nhiệm về ngành mình và tình nguyện xin cắt giảm đầu tư không. Chắc là khó!”.
ĐB Trần Du Lịch than phiền rằng cắt giảm đầu tư được làm rất cơ học, máy móc, đem lại hiệu quả giảm chi nhưng lại làm dang dở nhiều công trình quan trọng mà hậu quả của việc dang dở đó không đánh giá hết được. Cùng quan điểm, ĐB Đặng Công Lý (Bình Định) dẫn trường hợp sân bay Phù Cát hình thành từ sân bay quân sự, chuyển sang phục vụ dân sự cần được đầu tư để đáp ứng nhu cầu du lịch, phát triển kinh tế.
Khác với thông lệ hằng năm đều vượt thu, dự toán thu ngân sách năm 2011 được Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá là “chưa năm nào khả năng tăng thu căng thẳng như năm nay và có dấu hiệu chững lại từ tháng 7-2011”. Trong bối cảnh ấy, ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM) đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm đến nguồn thu thuế từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vì thu thuế từ khu vực này trong quý II/2011 giảm 83% so với quý I, quý III dự kiến giảm 40% so với 6 tháng đầu năm. “Việc chống thất thu thuế trong doanh nghiệp FDI cần hết sức lưu tâm vì kế hoạch năm 2012, thu thuế từ khu vực tư nhân dự kiến tăng 25,1%, trong khi thuế từ doanh nghiệp FDI chỉ tăng 20,5%” - ĐB Trần Thanh Hải nói.
Làm rõ khái niệm khiếu nại đông người Chiều 24-10, QH cho ý kiến về dự án Luật Khiếu nại. Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khiếu nại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết dự thảo luật đã làm rõ khái niệm “khiếu nại đông người” nhằm phân biệt với khiếu nại của nhiều người về những vụ việc khác nhau; nhiều người đi khiếu nại tập hợp với nhau. Theo ông Lý, dự luật cũng bổ sung quy định về việc thụ lý các trường hợp khiếu nại đông người (thông qua đơn tập thể có nhiều người ký hoặc cùng một lúc đến khiếu nại trực tiếp); địa điểm để công dân thực hiện khiếu nại đông người. Trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại đông người được giao cho Chính phủ quy định. Đáng lưu ý, người khiếu nại được nhờ luật sư giúp đỡ; được quyền khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết ở cơ quan hành chính (để giải quyết theo trình tự tư pháp). Góp ý dự luật, ĐB Hà Công Long (Gia Lai) băn khoăn: Về quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ có thẩm quyền tiếp dân, cơ quan tiếp dân đến đâu vẫn còn chưa rõ. ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cũng đề nghị bổ sung quy định về trường hợp được từ chối tiếp công dân sau khi đã giải quyết sự việc thỏa đáng. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị đưa vào luật quy định việc thừa kế quyền khiếu nại của những vụ việc kéo dài khi người khiếu nại đầu tiên đã qua đời… T.Dũng |
Tô Hà - Thế Dũng
Theo NLĐ
0 nhận xét