Do gặp nhiều khó khăn nên hàng loạt doanh nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2011 giảm 50%-60%, thậm chí từ lời nhiều tỉ đồng sang lỗ hàng chục tỉ đồng
Nhà đầu tư “đau đầu” vì thị trường chứng khoán liên tục suy giảm Ảnh: Hồng Thúy
Trong lúc một số ít doanh nghiệp (DN) hồ hởi công bố kết quả kinh doanh quý III/2011 với con số khả quan thì rất nhiều DN lo không hoàn thành kế hoạch như cam kết trong kỳ đại hội cổ đông đầu năm nên phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch; đặc biệt là DN ngành bất động sản, vật liệu xây dựng, tài chính, chứng khoán… Việc điều chỉnh này được coi là biện pháp đối phó với nguy cơ căng thẳng trong mùa đại hội cổ đông sắp tới…
Giảm gần 50% kế hoạch
Ngày 10-10, Công ty CP Logogi 16 (LCG) đã công bố nghị quyết HĐQT thông báo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, đồng thời điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2011. Điều đáng chú ý là LCG đã điều chỉnh tăng nhẹ về doanh thu nhưng lại giảm mạnh về lợi nhuận. Theo đó, doanh thu tăng l.238 tỉ đồng (tương đương 17%) nhưng lợi nhuận sau thuế giảm từ 250 tỉ đồng xuống còn 134 tỉ đồng (giảm khoảng 46,5%). Đặc biệt, tỉ lệ chia cổ tức cũng điều chỉnh giảm từ 25% xuống còn 17%.
Quyết định điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận của Công ty CP Viglacera Thăng Long (TLT) còn gây sốc hơn. Từ mức kế hoạch lợi nhuận 6 tỉ đồng được công bố trong đại hội cổ đông, DN này điều chỉnh xuống chỉ còn 525 triệu đồng (giảm hơn 90%)…
Trước đó, hàng loạt đơn vị cũng đã thông báo giảm kế hoạch lợi nhuận với mức điều chỉnh giảm từ 30% - 50% so với mức cũ. Thậm chí như Công ty CP Chứng khoán Tràng An (TAS) đã phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận từ lãi 6 tỉ đồng trong năm 2011 xuống mức lỗ 40 tỉ đồng...
Điều dễ dàng nhận thấy nhất trong các DN công bố giảm chỉ tiêu trong thời điểm này hầu hết là các DN có liên quan đến ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, chứng khoán… Ông Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kim Eng Việt Nam, cho rằng: Tình hình kinh tế khó khăn chung đã kéo nhiều DN đi xuống, trong đó, ngành chứng khoán, bất động sản là dễ nhận thấy nhất. Ông Tâm thừa nhận: “Đến thời điểm này, Kim Eng cũng chỉ mới đạt khoảng 60% kế hoạch đặt ra. Kết quả này cũng đã tốt so với toàn thị trường bởi thực tế nhiều công ty chứng khoán đang rất “thê thảm”...
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết có đến 80 công ty chứng khoán báo cáo lỗ trong 9 tháng đầu năm...
Biện pháp bất khả kháng
Theo nhiều chuyên gia tài chính, chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là hết năm 2011. Trong khi đó, tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, lãi suất vay vốn cao, dòng tiền vẫn đang thiếu…, chắc chắn các DN sẽ không thể nào về đích nổi.
Thạc sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng khi HĐQT đặt ra kế hoạch, chỉ tiêu cho năm tới, họ thường không lường trước được khó khăn. Nay trước áp lực của thực tế đầy bất ổn, việc phải điều chỉnh kế hoạch là phương án bất khả kháng mà HĐQT phải đưa ra. Bởi nếu không điều chỉnh thì với kết quả đạt được chênh lệch quá lớn so với kế hoạch sẽ làm nhà đầu tư, cổ đông hụt hẫng.
Tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT của một tập đoàn có cổ phiếu đang niêm yết cho rằng việc đưa ra mục tiêu hay điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cũng là áp lực đối với lãnh đạo DN. Bởi nếu đưa ra quá thấp cũng sẽ bị các cổ đông nghi ngờ về năng lực, hoạt động của công ty. Nhưng đặt ra cao mà lại không hoàn thành, phải hạ chỉ tiêu cũng là điều làm cổ đông nắm giữ cổ phiếu của công ty bất mãn. Tuy vậy, để giảm căng thẳng vào mùa đại hội tới, các DN không đạt chỉ tiêu đều phải lên tiếng giảm mục tiêu.
Tuần lễ ảm đạm Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, dù cả VN- Index và HNX-Index tăng điểm nhẹ (VN-Index lên 414,49 điểm và HNX-Inddex lên 69,19 điểm) nhưng tính chung cả tuần, cả 2 chỉ số này vẫn tiếp tục mất điểm. VN-Index giảm 0,83%, còn HNX-Index cũng mất 3,21% so với tuần trước. Điều đáng nói hơn là thị trường tiếp tục trạng thái trầm lắng, thanh khoản rất thấp. Tại sàn TPHCM, tuần qua, giá trị giao dịch chỉ đạt trung bình 456,47 tỉ đồng/phiên, giảm tiếp khoảng 18% so với tuần trước. Sàn Hà Nội cũng giảm khá mạnh... Theo giới phân tích, ngoài kết quả kinh doanh quý III của nhiều DN không khả quan, tình hình tỉ giá đang biến động theo chiều hướng tăng dần; lãi suất đầu ra còn quá cao… đã ảnh hưởng đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Ngoài ra, theo công bố của 2 sở giao dịch, đã có đến 153 mã chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ, trong đó nhiều mã có thanh khoản cao như: SSI, HQC, BVS, KLS,VCG, VND… cũng tác động xấu đến thị trường chứng khoán. |
Sơn Nhung
NLĐ
0 nhận xét