Cuộc khủng hoảng nợ công gây sóng gió trên thế giới khiến vấn đề quản lý nợ công được quan tâm đặc biệt. Tại Việt Nam, nợ công cũng là vấn đề nóng hổi với những nhận định rất khác nhau. Nhiều quan điểm cho rằng nợ công Việt Nam vẫn ở mức an toàn, nhưng cũng có nhiều người cho rằng Việt Nam đã đến lúc báo động về nợ công.
Chưa có ngưỡng an toàn chuẩn
Chưa có ngưỡng an toàn chuẩn
Theo số liệu từ báo cáo của Bộ Tài chính và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nợ công Việt Nam năm 2010 ở mức 56,6% GDP. Trong đó nợ nước ngoài bằng 42,2% GDP, nợ công nước ngoài bằng 30,5% GDP. Dự kiến tổng nợ công năm 2011 còn tăng cao hơn, ở mức 58%.
Nếu chỉ nhìn qua những số liệu này, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với nhiều nước. Tuy nhiên, không có ngưỡng an toàn nợ công chuẩn nào có thể áp dụng cho tất cả các quốc gia trên thế giới, một phần do có nhiều cách tính và hạch toán rất khác nhau. Một số nước ở châu Mỹ - Latinh, nếu mức nợ vượt 40% GDP đã là khủng hoảng trong khi các nước như Singapore, Đức, mức nợ đến 80% hay thậm chí trên 100% GDP vẫn được xếp hạng tín dụng an toàn bậc nhất.
Lý do là trên thực tế, nợ công của nhiều nước phát triển thường cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển do tính cả nợ lương hưu tiềm ẩn vào nợ của chính phủ. Công thức tính nợ công của Việt Nam chưa tính đến các khoản tự vay tự trả của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước mà Chính phủ có nghĩa vụ trả nợ dự phòng và các khoản nợ lương hưu tiềm ẩn.
Lý do là trên thực tế, nợ công của nhiều nước phát triển thường cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển do tính cả nợ lương hưu tiềm ẩn vào nợ của chính phủ. Công thức tính nợ công của Việt Nam chưa tính đến các khoản tự vay tự trả của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước mà Chính phủ có nghĩa vụ trả nợ dự phòng và các khoản nợ lương hưu tiềm ẩn.
Việt Nam hiện mới chỉ có giới hạn ngưỡng an toàn cho nợ chính phủ, nợ nước ngoài do Thủ tướng quy định là mức 50%/GDP. Mức nợ công chung chưa được xác định ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính cho rằng, theo hệ số chỉ số giám sát nợ mà Bộ tính toán và theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như WB, IMF… hiện nay tình trạng nợ công Việt Nam vẫn trong giới hạn an toàn và thực tế thì Việt Nam chưa gặp khó khăn nhiều trong vấn đề thực hiện các nghĩa vụ trả nợ.
Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ chỉ có 3,4% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong khi đó tại một số nước phải trên 20% thì mới gặp khó khăn. Đa số các khoản vay thời gian qua của chúng ta là ODA, với thời gian dài và lãi suất thấp trung bình dưới 2%. Vì vậy gánh nặng lãi suất là không lớn. Tuy nhiên, ông Đô cũng cho biết thời gian tới sẽ khó khăn hơn, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, các khoản vay lãi suất thấp sẽ ít đi, đặc biệt khi chúng ta đang thực hiện nhiều dự án lớn như Metro ở TP.HCM, Hà Nội, hệ thống đường cao tốc … Điều này sẽ là áp lực trong vòng 10 năm tới.
Những rủi ro tiềm ẩn
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Phạm Thế Anh, thâm hụt ngân sách và nợ công cao trong một số trường hợp là cần thiết đối với một quốc gia, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển khi mà nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn, hoặc khi nền kinh tế cần những gói kích thích để chống lại chu kỳ suy thoái do những cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên nếu thâm hụt ngân sách kéo dài sẽ khiến nợ công tăng cao có nguy cơ gây ra khủng hoảng nợ, thậm chí khiến lạm phát tăng cao, đặc biệt khi ngân hàng trung ương không có sự độc lập.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), cho biết, mặc dù đa số các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam có mức lãi suất thấp, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro về tỷ giá. Sự mất giá của đồng nội tệ sẽ khiến cho gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ tăng lên. Theo tính toán của UBGSTCQG dựa trên tỷ giá danh nghĩa đa phương, kể từ năm 2000 đến năm 2010, tiền Việt Nam đã mất giá khoảng 57,7% so với 19 đồng tiền dùng để vay nợ. Như vậy, ngoài phần lãi suất phải trả, khi trả nợ, Chính phủ phải trả một khoản tiền lớn hơn tính theo giá trị nội tệ. Mặc dù do lạm phát cao (giai đoạn này lên tới 116,3%) nên giá trị thực của các khoản nợ giảm đi rất nhiều, nhưng điều này cho thấy gánh nặng nợ công của Chính phủ đang được người dân gánh chịu một phần lớn.
Theo UBGSTCQG, khả năng thanh toán nợ của VIệt Nam đang giảm rất nhanh kể từ năm 2008, xét theo chỉ tiêu “quy mô khoản nợ so với GDP”. Theo kịch bản tính toán của Ủy ban này, tỷ lệ nợ công sẽ vượt quá mức 70% GDP vào năm 2020. Còn theo Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam, nợ công Việt Nam năm 2020 sẽ vượt 80%, với kịch bản giả định là thâm hụt ngân sách ở mức 2,5% GDP (giai đoạn gần đây ở mức 5,6% GDP), tăng trưởng và lạm phát đều ở mức 6%/năm. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Văn Giàu cho biết, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF gần đây đã cảnh báo các nước cần tăng cường quản lý trần nợ công dưới 60%GDP, thậm chí các nước đang phát triển phải dưới 40%GDP.
UBGSTCQG đã đề xuất, để tránh được những rủi ro về khủng hoảng nợ công, cần giảm dần tỷ lệ thâm hụt ngân sách mỗi năm và nợ công. Về lý thuyết, những biện pháp sau có thể áp dụng: tạo lạm phát cao, tăng nguồn thu bằng tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu và đầu tư công. Tuy nhiên, việc tạo ra lạm phát cao khó khả thi vì sẽ ảnh hưởng đến các chính sách cân bằng vĩ mô khác. Mặc khác, khó có thể tăng thuế trong khi tỷ lệ thu thuế/GDP của Việt Nam ở mức cao nhất nhì trong khu vực (21 – 23% GDP). Như vậy để giảm dần tỷ lệ thâm hụt ngân sách và nợ công thì biện pháp giảm chi tiêu và đầu tư công là điều cần phải làm và có tính khả thi cao nhất.
Theo VnMedia
0 nhận xét