Nếu không sớm có quy định hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản sẽ không nhập được nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất
ng Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết đơn hàng thủy hải sản chế biến từ các thị trường EU và Mỹ tăng cao, các doanh nghiệp (DN) đang gấp rút thực hiện hợp đồng đã ký. Theo yêu cầu của khách hàng, DN Việt Nam buộc phải nhập khẩu một số nguyên liệu, phụ liệu như phụ gia thực phẩm, bột, nước xốt, rượu... để phối trộn, tẩm hàng khi sản xuất các sản phẩm đúng khẩu vị theo đơn đặt hàng. Đây là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Vướng luật
Tuy nhiên, hiện nhiều lô hàng nguyên phụ liệu nhập khẩu của các DN đang bị ách tại cảng do những quy định mới của Luật An toàn thực phẩm. Theo luật, một số loại nguyên phụ liệu thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế, một số thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương khiến DN lúng túng, không biết làm thủ tục tại cơ quan nào để giải tỏa các lô hàng.
Sản xuất cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty Vạn Đức (TPHCM)
Trước đây, khi Luật An toàn thực phẩm chưa có hiệu lực thi hành, việc nhập khẩu các loại sản phẩm trên được tiến hành theo Quyết định số 42/2005/QĐ-BYT của Bộ Y tế về “Quy chế về công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm” và Quyết định số 23/2007/QĐ-BYT (cũng của Bộ Y tế) về “Quy chế kiểm tra Nhà nước về chất lượng an toàn vệ sinh đối với thực phẩm nhập khẩu”. Từ ngày 1-7-2011, Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, các cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Y tế từ chối cấp phép vì theo quy định của luật, những mặt hàng nhập khẩu này không còn thuộc phạm vi quản lý của bộ này. Do đó, việc nhập khẩu các loại sản phẩm trên gặp nhiều vướng mắc, khó thực hiện hoặc không thể thực hiện được.
“Không có những nguyên phụ liệu bắt buộc thì DN không sản xuất được, không đáp ứng tiến độ đơn hàng và có thể bị phạt. Chưa kể hàng nhập về không được cấp phép và giấy tờ chứng nhận nên phải nằm ở cảng tốn thêm chi phí lưu kho” – đại diện một DN chế biến thủy hải sản xuất khẩu bức xúc.
Nguyên liệu giảm 50%
Thông tin từ VASEP cho biết từ đầu tháng 9, nhiều nhà nhập khẩu đã đặt hàng cá tra phi lê, chuẩn bị cho dịp Giáng sinh, năm mới nên sẵn sàng chào mua với giá cao hơn 20% so với mùa hè. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu cá tra trong nước lại đang thiếu hụt, nhiều DN săn lùng khắp nơi nhưng vẫn không đủ cá nguyên liệu để đáp ứng đơn hàng. Dự báo trong quý IV/2011, sản lượng cá thiếu 50% so với những tháng trước và không đủ nguồn cá cho các đơn hàng dịp Giáng sinh, năm mới.
Lý giải nguyên nhân thiếu hụt nguyên liệu cá tra, các DN chế biến thủy hải sản cho biết do cá tra có thời gian bị ép giá quá thấp, lãi suất ngân hàng quá cao nên người nuôi bỏ ao, dẫn đến tình trạng thiếu cá nguyên liệu. Ông Lê Việt Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (TPHCM), cho biết cách đây hơn một tháng, giá cá tra chỉ 20.000 đồng - 22.000 đồng/kg, hiện tại đã lên đến 27.000 đồng - 28.000 đồng/kg nhưng cũng không có nguồn cung. Với mức giá cá tra cao như thế này, các DN thủy hải sản xuất khẩu khó có lời. Hiện nhiều nhà máy thủy hải sản đông lạnh phải tạm ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Giá tôm nguyên liệu cũng tăng trở lại. Từ nay đến Tết thì trái vụ nên giá tôm chắc chắn sẽ còn tăng. Song song đó, nước xuất khẩu tôm lớn nhất Đông Nam Á là Thái Lan đang mất mùa nặng vì lũ lụt nên sản lượng tôm chắc chắn giảm, đẩy giá tôm tăng cao.
Nhiều DN chế biến thủy hải sản xuất khẩu cho biết chi phí đầu vào tăng cao nhưng rất khó thương lượng tăng giá với nhà nhập khẩu khi đã ký hợp đồng; xuất khẩu thời gian này chủ yếu dựa vào lợi nhuận từ chênh lệch tỉ giá.
Kiến nghị giải tỏa các lô hàng bị kẹt Trước thực trạng trên, VASEP đã làm việc với Bộ Y tế kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ để giải tỏa các lô hàng, giảm bớt chi phí lưu kho bãi bằng cách tiếp tục cấp phép nhập khẩu những mặt hàng thực phẩm trong danh mục trước đây trong thời gian chờ đợi nghị định hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm và thông tư hướng dẫn của các bộ. Một số DN nhập khẩu nguyên phụ liệu, bao bì sản xuất thủy hải sản chế biến cũng kiến nghị Bộ Y tế, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục cấp phép để DN có thể giải phóng các lô hàng nguyên phụ liệu đang còn nằm ở cảng. |
Bài và ảnh: Thanh Nhân
Theo NLĐ
0 nhận xét