Bất chấp kết quả tồi tệ của các thị trường chứng khoán thế giới từ đầu năm đến nay, hầu hết các chiến lược gia cổ phiếu tham gia cuộc thăm dò vẫn dự báo về đà tăng mạnh trong năm tới, dù nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với các rủi ro có thật.
Có nhiều yếu tố ủng hộ cho khả năng thị trường bắt đầu tăng điểm trở lại ngoài sự lạc quan của các chuyên gia phân tích chứng khoán.
Trước hết, các thị trường chứng khoán toàn cầu đang bị định giá thấp hơn so với các mức bình quân từ trước đến nay. Chỉ số MSCI thế giới đang được giao dịch với P/E forward chỉ hơn 10 lần, thấp nhất kể từ tháng 12/2008 và thấp hơn đáng kể so với mức 14.3 lần trong thập kỷ qua.
Bên cạnh đó, kết quả cuộc thăm dò của Reuters cho thấy nhà đầu tư sắp bước vào quý 4 với lượng cổ phiếu và tiền mặt nắm giữ cao hơn. Điều này có thể tiếp thêm đà phục hồi cho thị trường chứng khoán.
Một lần nữa, chỉ số RTS của Nga lại đứng đầu danh sách các chỉ số được kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao nhất. Theo dự báo, chỉ số này có thể tăng 32% từ nay đến giữa năm 2012.
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc cũng sẽ tăng mạnh vào năm tới sau hai năm sụt giảm trong khi chỉ số Bovespa của Brazil được dự báo tăng mạnh tương tự như chỉ số RTS của Nga.
Nhà phân tích Paulo Esteves từ Gradual Investimentos cho biết: “Dù cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu ngày càng trầm trọng và các số liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ, chúng tôi nhận thấy kinh tế Brazil rất linh hoạt”.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy thị trường chứng khoán các nước phát triển như Mỹ, Australia, Pháp, Đức và Nhật Bản có thể đạt được mức tăng hai con số từ nay cho đến giữa năm 2012.
Dù vậy, triển vọng trung hạn vẫn còn rất bất ổn. Theo kỳ vọng của giới phân tích, Dow Jones là chỉ số duy nhất của thế giới phát triển khởi sắc trong năm 2011 với mức tăng khoảng 2%.
Về thị trường chứng khoán trong nước, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chính sách tiền tệ tiếp tục được thắt chặt. Nếu điều này xảy ra, cộng với những ảnh hưởng từ thị trường thế giới, chứng khoán trong nước cũng sẽ chịu tác động.
Thị trường trong nước đã liên thông khá chặt chẽ với thế giới qua nhiều kênh. Chẳng hạn diễn biến vĩ mô Việt Nam cũng liên hệ với thế giới do độ mở của nền kinh tế. Trên thị trường cũng có những tổ chức tài chính nước ngoài. Cái nhìn của họ mang tính khu vực hoặc toàn cầu nên chắc chắn sẽ có những điều chỉnh.
Những điều chỉnh đó tốt hay xấu còn phải chờ xem. Nhưng trước mắt thấy cho thấy xu hướng tháo chạy của nhiều nhà đầu tư khỏi các thị trường châu Á, chẳng hạn như Hàn Quốc vừa rồi sau những dấu hiệu xấu của eurozone.
Thị trường Việt Nam hiện không chịu nhiều tác động từ các nhà đầu tư nước ngoài như vài ba năm trước. Vai trò của các yếu tố kinh tế vĩ mô đóng vai trò quan trọng hơn. Câu hỏi bây giờ là Việt Nam có ổn định được hay không.
Thứ nữa là các nhà đầu tư nước ngoài nhìn ở tầm khu vực và thế giới. Thị trường Việt Nam nhỏ nên cũng có thể là họ chạy. Nhưng nếu ổn định được thì với một thị trường nhỏ, chỉ cần một lượng tiền không lớn chảy vào cũng đủ để kích thích.
Do vậy, vấn đề bây giờ là cần ổn định vĩ mô, tăng cường tính khả đoán của các chính sách. Như vậy, các nhà đầu tư sẽ trở lại và thị trường chứng khoán sẽ phục hồi
Theo Tiến sĩ Alan T.Pham, Trưởng kinh tế gia Công ty chứng khoán Vina, lãi suất huy động trước đây 18-19% nay xuống 14%, nên một số nhà đầu tư sẽ chuyển qua các kênh khác, trong đó có chứng khoán.
Thêm vào đó, GDP 9 tháng ở mức khả quan, tăng 5,76% cho thấy tăng trưởng kinh tế có chiều hướng đi lên. Quý IV thường đạt tốc độ tăng mạnh nhất trong năm, có thể 6% hoặc hơn nữa, chứng tỏ kinh tế sẽ khởi sắc trở lại. Hai điều này tác động tích cực đến chứng khoán.
Tuy nhiên, sóng ngắn thời gian qua khó tiếp diễn. Vn-Index có thể lui về 450-430 điểm. Nhất là khi đầu tháng 10, kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp sẽ công bố, dự báo kém lạc quan vì doanh nghiệp trong các quý vừa qua hoạt động đình trệ do lãi suất cao, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Kết quả công bố có thể khiến thị trường mất tự tin. Mặc khác, Ngân hàng Nhà nước có lộ trình giảm lãi suất nhưng việc cho vay với lãi suất 17-19% chưa thật sự trải rộng. Thị trường chờ đợi chiến dịch hạ lãi suất liệu có triển khai thành công.
Tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thị trường ngoại hối ổn định trở lại thì đến đầu năm 2012, nhà đầu tư mới vững tin với bức tranh tổng thể và sẽ tham gia thị trường mạnh hơn.
(tamnhin.net)
0 nhận xét