Kiểm soát bằng được chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức một con số trong năm 2012 để nâng cao lòng tin của xã hội
Chương trình bình ổn giá góp phần kìm giữ giá các mặt hàng thiết yếu. Ảnh: Tấn Thạnh
Ngày 20-10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, QH nghe báo cáo của Chính phủ về các vấn đề kinh tế - xã hội năm 2011 – 2012 và giai đoạn 5 năm 2011 - 2015; báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012.
Kéo lạm phát xuống dưới 10%
Trình bày trước QH báo cáo về vấn đề kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch năm 2012 và giai đoạn 5 năm 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý, điều hành nhưng năm 2011, tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 6% là mức khá cao trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ, tài khóa. Lạm phát tuy ở mức cao, dự kiến cả năm khoảng 18%, nhưng đang có dấu hiệu giảm dần. Trong điều kiện giá cả thị trường tăng cao, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.
Về các chỉ tiêu phát triển kinh tế trong năm 2012 và giai đoạn 5 năm tiếp theo, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô khi đề xuất kéo lạm phát xuống mức một con số ngay trong năm 2012, giảm dần trong những năm sau để dừng ở mức 5% - 7% vào năm 2015. Tăng trưởng GDP năm 2012 đạt mức khoảng 6% và phấn đấu tăng lên mức 6,5% khi có điều kiện thuận lợi. Tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn 5 năm chỉ đặt ở mức 6,5% - 7%.
Đồng tình với Chính phủ ở các chỉ tiêu nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị phải kiểm soát bằng được chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức một con số trong năm 2012 để nâng cao lòng tin của xã hội, tạo cơ sở để ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Ủy ban Kinh tế cũng cảnh báo những con số về giảm điện năng tiêu thụ, tăng lượng hàng tồn kho là những tín hiệu đầu tiên cho thấy nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với ổn định vĩ mô chưa vững chắc, nếu kéo dài sẽ tác động xấu đến phục hồi tăng trưởng.
Nợ công chỉ nên dưới 40% GDP
Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công của Việt Nam tính đến hết năm nay sẽ tương đương 54,6% GDP. Tính đến hết năm 2012 sẽ là 58,4% và năm 2015 là 60% - 65% GDP.
Trước tình hình cả thế giới “nóng” với nợ công, ông Nguyễn Văn Giàu nhắc nhở: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã cảnh báo các nước cần tăng cường quản lý trần nợ công dưới 60% GDP và dưới 40% đối với các nước đang phát triển. Nợ công của Việt Nam đã tăng đến ngưỡng an toàn trong khi hiệu quả đầu tư công thấp, đặt ra những lo ngại về quản lý và trả nợ trong trung hạn và dài hạn. Đối với Việt Nam, nợ công chỉ nên kiểm soát ở mức dưới 40% song chưa thể giảm ngay do phải thực hiện các mục tiêu phát triển và đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, hộ nghèo và các vùng thường xuyên bị thiên tai. Do đó, Ủy ban Kinh tế vẫn nhất trí với chỉ tiêu Chính phủ đề ra nhưng lưu ý cần tính toán sử dụng vốn vay hết sức chặt chẽ, bảo đảm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rộng lớn. Đồng thời, Chính phủ phải xây dựng phương án giảm nợ công từ năm 2016.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cũng lưu ý Chính phủ phải xử lý tốt mối quan hệ giữa lạm phát, tỉ giá và lãi suất. Trong đó, đặc biệt ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định tỉ giá, tiếp tục kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức thấp và điều chỉnh cơ cấu tín dụng phục vụ sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu.
Lương tối thiểu tăng lên 1,05 triệu đồng/tháng Trong báo cáo về dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012 trình bày trước QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã thống nhất điều chỉnh lương tối thiểu của công chức lên mức 1,05 triệu đồng/tháng và phụ cấp công vụ ở mức 25% từ ngày 1-5-2012. Như vậy, lương tối thiểu của công chức sẽ tăng 220.000 đồng (tương đương 26,5%). Mức tăng này cũng được áp dụng cho lương hưu và trợ cấp. P.Anh |
Vẫn giữ 3,81 triệu ha đất lúa Chiều 20-10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trình bày trước QH kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020. Ủy ban Kinh tế của QH cho biết một số địa phương vẫn lấy đất chuyên trồng lúa nước có năng suất cao để phát triển công nghiệp, đô thị. Đất khu công nghiệp đạt 100% song đầu tư còn dàn trải, một số khu công nghiệp triển khai quá chậm, nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính... Trước thực tế trên, Chính phủ kiến nghị cần đặc biệt lưu ý việc giữ diện tích đất lúa và điều chỉnh diện tích đất khu công nghiệp. Đồng thời kiến nghị QH giữ nguyên 3,81 triệu ha đất lúa trong kế hoạch 5 năm (2011 - 2015). T.Dũng |
Tô Hà
NLĐ
0 nhận xét