“Những vụ vỡ nợ như thế này sẽ để lại hậu quả về mặt kinh tế và xã hội rất khủng khiếp. Tôi biết có trường hợp có những người nông dân bị thu hồi đất được bồi thường một khoản tiền thì đem nướng hết vào cho vay tín dụng đen và bây giờ mất hết”, Ts Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp trao đổi với VnMedia.
- Thời gian gần đây trên địa bàn Hà Nội và một số thành phố liên tục xảy ra các vụ vỡ nợ lớn. Tiến sỹ bình luận gì về những sự việc đáng tiếc này?
Những vụ vỡ nợ mới bộc lộ ra chỉ là những vụ đã biết chứ chưa phải là tất cả. Có thể nói đây chỉ là tảng băng mới nổi lên trên mặt nước, còn phần chìm lớn bao nhiêu thì hiện nay chưa biết được. Đây không phải là hiện tượng gì mới vì trước kia đã có vụ Nguyễn Văn Mười Hai khá nổi tiếng và đã có một số vụ vỡ hụi lớn trong những năm trước của thế kỷ 20.
Sở dĩ, hiện nay nó bộc lộ ra nhiều vì tình hình kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán giảm điểm, bất động sản im ắng, thị trường vàng biến động rất lớn… cho nên những người tham lam muốn kiếm lời lớn, muốn đánh quả thì bây giờ đã thất bại. Với những người cho vay, qua các vụ vỡ nợ này chứng tỏ họ rất thiếu hiểu biết về kinh tế, pháp luật.
Đối với hệ thống ngân hàng, tài chính thì bộc lộ rõ là các ngân hàng không muốn cho vay hoặc không thể cho vay với các hộ kinh doanh nhỏ vì họ không có thế chấp, vốn để chứng minh nên họ đứng ngoài rìa thị trường tín dụng công khai của ngân hàng cho nên chỉ có cách họ thực hiện tín dụng phi hình thức, từ đó nảy sinh các hụi, họ… nhưng tất cả các thị trường đó đều huy động vốn vượt trần ngân hàng cho nên đứng về mặt nào đó thì đây là những thị trường không hợp pháp.
Cần phải thấy rõ hệ thống tài chính Việt Nam có rất nhiều ngân hàng nhưng mức độ thâm nhập đang còn thấp, vì vậy cần triển khai các hệ thống ngân hàng vi mô hoặc siêu nhỏ để đáp ứng những khoản vốn đó. Ví dụ như phụ nữ có Quỹ tín dụng xóa đói giảm nghèo hoạt động rất tốt, người ta có thể cho vay 5-10 triệu mà Hội Phụ nữ xã họ nắm rất rõ hội viên nên họ biết tiền cho vay được tiêu vào việc gì: mua con bò hay nuôi vịt… nên đỡ hơn rất nhiều.
Ts Lê Đăng Doanh nhận định, các vụ vỡ nợ sẽ để lại hậu quả lớn về kinh tế và xã hội. |
Tôi cho rằng, những vụ vỡ nợ như thế này sẽ để lại hệ quả về mặt kinh tế và xã hội rất khủng khiếp. Tôi biết có trường hợp có những người nông dân bị thu hồi đất được bồi thường một khoản tiền thì đem nướng hết khoản tiền đó vào cho vay tín dụng đen để lấy lãi và bây giờ mất hết.
Đáng tiếc, những người này thường là không có việc làm, không có tiền, hoàn cảnh rất khó khăn. Tôi nghĩ là cần phải xem xét thêm và có biện pháp trợ giúp họ. Điều quan trọng nhất là phải bắt các thủ phạm đó bán hết tài sản trả lại tiền cho những người bị nạn.
Tôi rất ngạc nhiên, ở khắp mọi nơi chúng ta đều có tổ chức đoàn thể, tổ dân phố, Hội Phụ nữ, Mặt trận tổ quốc… nhưng một hộ kinh doanh như vậy, người dân kéo đến ầm ầm, xe cộ thế nào, tiêu sài thế nào, mọi người đều phải hỏi tiền ở đâu ra, tại sao tất cả cơ quan địa phương không biết và vô can?.
Đến bây giờ mọi người bị nạn mới ớ ra, đến tập trung ở đó, lúc đó mới biết thì trước đó những ông tổ dân phố, những người ở Hội Phụ nữ, cảnh sát khu vực ở đâu, tại sao không có ý kiến, không thăm hỏi, không đặt vấn đề?...
- Như vậy, theo quan điểm của Tiến sỹ thì phải quy trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương trong các vụ việc trên?
Không phải quy trách nhiệm nhưng phải xem xét, hỏi xem trách nhiệm đến đâu, hoạt động của các tổ chức này thế nào và tại sao lại không phát hiện được một sự việc diễn ra sờ sờ công khai như thế, hoành hành suốt nhiều ngày, người ra vào tấp nập…
Tôi ngạc nhiên khi thấy một nhân vật như thế, huy động vốn của cả trăm người như vậy nhưng không thấy ai có hành động gì. Đây là việc hết sức sơ hở.
Các biên bản vay tiền của các chủ nợ. |
Ngay cả một người không cần biết về kinh tế cũng có thể biết làm như vậy là phi pháp… cho nên tôi nghĩ rằng, việc này không thể nào chỉ đổ tại người dân mà các cơ quan có liên quan của nhà nước cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
- Cơ quan công an điều tra Hà Nội cho biết, với các vụ vỡ nợ như thế này, số tiền thu được về rất ít nên chắc chắn người dân sẽ phải chịu thiệt. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Bây giờ phải tịch thu nhà đem bán, mua xe ô tô phải tịch ký đem bán chứ không thể để yên như vậy được. Tôi không nghĩ như thế là chuyện bình thường mà phải tìm mọi biện pháp nỗ lực để lấy lại tiền trả lại cho người dân.
Nếu như vậy thì cơ quan an ninh phải điều tra xem còn có thể tìm được tài sản đang cất giấu ở đâu không. Tôi cho rằng, cần phải có sự nỗ lực nghiêm túc để có thể đáp ứng được tình hình như hiện nay.
- Trước những vụ vỡ nợ lớn liên tiếp xảy ra, theo ông, cần phải triển khai biện pháp gì để hạn chế tình trạng trên?
Trước hết bây giờ phải có thông tin, thông báo rộng rãi để người dân biết. Thứ hai, phải phát triển những hệ thống tín dụng siêu nhỏ để đáp ứng những nhu cầu chính đáng; đồng thời phải nêu cao cảnh giác của các hội và các cơ quan chính quyền địa phương. Khi thấy có hoạt động khả nghi như vậy thì cần phải vào cuộc ngay.
- Xin cảm ơn ông!
VnMedia
0 nhận xét