Hàng chục ngàn hecta lúa, rau màu bị ngập; lo vỡ đê bao vùng nguyên liệu mía
Vụ thu đông này, toàn vùng ĐBSCL đã gieo sạ khoảng 600.000 ha lúa, tăng 100.000 ha so với cùng kỳ. Nước lũ lên nhanh cộng với mưa lớn kéo dài trong mấy ngày qua đã có hàng ngàn hecta lúa bị chìm, diện tích lúa đang trong giai đoạn mạ cũng bị nước lũ đe dọa.
Lo lúa, mía bị ngập
Tại Đồng Tháp, nhiều diện tích lúa vụ 3 sớm phải thu hoạch trong điều kiện chạy lũ nên phát sinh chi phí sản xuất. Tuy nhiên, lúc chuẩn bị thu hoạch rộ thì những cơn mưa kéo dài ập đến gây ngập trên diện rộng. Bà con phải tranh thủ thuê máy cắt và vận chuyển lúa về nhà để phơi sấy. Do bị ngập nhiều ngày, lúa thu hoạch bị ngả màu dẫn đến giá bán thấp, trừ đi các khoản chi phí thì hầu như không còn đồng lãi nào.
Nông dân ĐBSCL hối hả thu hoạch lúa chạy lũ. Ảnh: THỐT NỐT
Còn trên địa bàn tỉnh An Giang, nước lũ dâng cao đã gây ngập úng trên 10.000 ha lúa ở các xã Bình Thành, Mỹ Phú Đông, Thoại Giang, Định Mỹ thuộc huyện Thoại Sơn. Tại huyện đầu nguồn An Phú, nước lũ chảy xiết đã phá hỏng một con đập do dân tự đắp để sản xuất rau màu ở ấp Phú Hòa, xã Phú Hữu, gây ngập úng khoảng 117 ha.
Tại tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, thống kê toàn huyện có hơn 6.600 ha lúa thu đông bị ảnh hưởng do lũ, tập trung tại các xã: Tân Phước Hưng, Hòa Mỹ, Tân Long, Long Thạnh, Phụng Hiệp… Riêng thị trấn Kinh Cùng, ước tính có khoảng 30% diện tích lúa bị thiệt hại. Hiện tại, ở huyện Phụng Hiệp, một số vùng có đê bao nhưng xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị nước lũ tràn vào, kéo theo mối lo vùng nguyên liệu mía lớn nhất tỉnh có nguy cơ bị ngập. Tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ có 246 ha lúa bị thiệt hại từ 30%-40%
Kịp thời hỗ trợ dân
Bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp cần thiết để bảo vệ lúa thu đông. Riêng số diện tích hơn 10.000 ha lúa mới gieo sạ bị ngập úng ở các xã của huyện Thoại Sơn, tỉnh đang tiến hành điều tra nắm lại cụ thể về diện tích đất, giống cây trồng của từng hộ dân bị thiệt hại để tổng hợp và tham mưu với UBND tỉnh đề nghị mức hỗ trợ theo Quyết định số 142/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh đã chi trên 200 tỉ đồng để phục vụ công tác bảo vệ lúa thu đông năm nay. Ngành nông nghiệp cũng đang khẩn trương phối hợp cùng với các địa phương tập trung gia cố đê bao, ứng trực và xử lý kịp thời những sự cố có thể xảy ra trên những tuyến đê xung yếu để bảo vệ lúa trước sự đe dọa của nước lũ.
Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, lũ đang lên và sẽ đạt đỉnh vào đầu tháng 10. Người dân cần chú ý phòng tránh tai nạn trong mùa lũ, đồng thời lúa vụ 3 cần có đê bao vững chắc để không bị thiệt hại. |
THỐT NỐT - CA LINH
Theo NLĐ
0 nhận xét