Khi phe nổi dậy tràn vào thủ đô, chiếm đại bản doanh của Tổng thống Muammar Gaddafi hồi cuối tháng 8, nhiều người đã nghĩ rằng cuộc chiến ở Libya rồi cũng kết thúc và người dân nước này cũng sẽ được quay trở lại một cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, khi thời gian trôi đi, tình hình Libya vẫn tiếp tục bất ổn và tình cảnh người dân ngày càng trở nên khốn khổ….
Lịch sử đã cho thấy, trong cuộc chiến nào cũng vậy, người dân luôn là nạn nhân phải gánh chịu nhiều nhất. Họ luôn phải đối mặt với nguy cơ thương vong bất kỳ lúc nào trong mưa bom đạn nổ. Không chỉ sống trong tình trạng nơm nớp lo âu cho mạng sống của bản thân, người dân còn phải đối mặt với một cuộc sống khốn khổ cùng cực vì thiếu những vật phẩm thiết yếu như lương thực, thuốc men, nước uống…. Đây chính là tình cảnh mà người dân Libya đã, đang và sẽ phải hứng chịu trong cuộc nội chiến ở đất nước này.
Dù phe nổi dậy đã giành được quyền kiểm soát gần như toàn bộ đất nước Libya nhưng cuộc sống của người dân ở nơi đây chưa có bất kỳ sự thay đổi nào mà có nguy cơ còn rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Khắp nơi, người dân phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực, nước uống, nhiên liệu, điện. Nhiều người miêu tả, tình hình đất nước Libya hiện nay gần giống như đang trải qua một thảm hoạ. Ngay giữa thủ đô Tripoli, người dân không có nước, điện, xăng dầu và thuốc men để dùng. Các dịch vụ công cộng bị tê liệt, đường phố ngập tràn rác rưởi và những đống đổ nát.
Lương thực chính là một trong những vấn đề lớn nhất ở Libya. Không chỉ thiếu, người dân còn quá sợ hãi để đi ra ngoài đường mua lương thực. Họ sợ, với bom rơi đạn nổ khắp nơi, họ có thể thiệt mạng bất kỳ lúc nào.
Tình cảnh thảm thương nhất là ở các bệnh viện. Rất nhiều bệnh nhân đang nằm lay lắt trong bệnh viện mà không hề được cứu chữa bởi lý do rất đơn giản, bệnh viện đang quá tải và nguồn thuốc men thì đang cạn kiệt. Chưa kể, nhiều cơ sở hạ tầng của bệnh viện đã bị phá huỷ trong những cuộc đánh bom của NATO hay các cuộc giao tranh dữ dội giữa phe nổi dậy và quân của Tổng thống Muammar Gaddafi.
Tình trạng thiếu điện, thiếu nhiên liệu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cứu chữa bệnh nhân của các bệnh viện.
Nhiều người dân phải rời bỏ nhà cửa, chạy trốn các cuộc giao tranh giữa phe nổi dậy và quân Gaddafi. |
Sau cuộc nội chiến căng thẳng kéo dài 7 tháng qua, hệ thống cơ sở hạ tầng ở đất nước Libya đã bị phá hoại nghiêm trọng với hệ thống điện và viễn thông nhiều nơi bị cắt đứt hoàn toàn. Tình trạng này đã làm cho cuộc sống của người dân Libya càng trở nên “đen tối” hơn.
Thiếu thốn về mặt vật chất, người dân Libya còn phải sống trong nỗi lo sợ về mặt tinh thần: sợ bị thương vong trong các cuộc xung đột, sợ bị mất đi những người thân yêu, sợ phải đối mặt với cảnh gia đình ly tán… Không có cảnh sát, không có lực lượng an ninh, người dân Libya còn phải tự lo bảo vệ bản thân mình trong một xã hội thiếu luật pháp và trật tự như hiện nay.
Theo VnMedia
0 nhận xét