Tình trạng sao chép chương trình tour du lịch đang rất phổ biến nhưng chưa có chế tài cụ thể để xử lý
Mới đây, Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ TPHCM (Thế Hệ Trẻ) đã khởi đơn khiếu nại lên Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Hiệp hội Du lịch TPHCM về việc một công ty du lịch có chi nhánh ở TPHCM sao chép tour của hãng này.
Hai năm khảo sát để rồi…bị chôm
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Thế Hệ Trẻ, cho biết tour “Khám phá Đông Bắc trên thủy lộ sông Gâm và sông Năng” từ gần một năm nay đã trở thành đặc sản bởi Thế Hệ Trẻ là đơn vị duy nhất đi khảo sát, thiết kế tour này. Tour được thiết kế nối liền 4 tỉnh Hà Giang – Tuyên Quang – Bắc Kạn và Phú Thọ. Trong suốt 2 năm 2008-2009, Thế Hệ Trẻ đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát tuyển điểm thuộc các tỉnh trên nhằm phát triển tour mới, khai thác kinh doanh nội địa.
Du khách dừng chân trên bờ sông Gâm - một điểm trong tour Khám phá Đông Bắc
của Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ. Ảnh: THẾ DŨNG
của Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ. Ảnh: THẾ DŨNG
Trước nay, các địa danh nổi tiếng như cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn)… đã được nhiều công ty lữ hành thiết kế tour đưa khách đến nhưng để có một tour hoàn chỉnh kết nối từ Hà Giang xuống Bắc Kạn (cách nhau hơn 300 km) là điều không đơn giản và chưa hãng lữ hành nào làm. Vì vậy, trong quá trình làm tour, Thế Hệ Trẻ phải tự thiết kế lộ trình theo đường sông, đường rừng rất công phu và vất vả. “Chẳng hạn, lộ trình trên sông Gâm – sông Năng dài 120 km, thuyền được thuê từ công trình thủy điện Tuyên Quang, xe phải băng rừng trong đêm để sáng ra đón khách dưới bến thuyền… Chúng tôi còn tự liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp trong khu vực vốn là những vùng đất nguyên sơ chưa phát triển” – ông Dũng dẫn chứng.
Hành trình khám phá Đông Bắc trải qua 6 ngày, 5 đêm (được thực hiện từ tháng 9-2010) và sử dụng nhiều loại hình vận chuyển như máy bay, xe du lịch, tàu cao tốc, thuyền máy… Thế nhưng đến mùa hè vừa qua, lượng khách đăng ký tour giảm đáng kể. Tìm hiểu nguyên nhân, Thế Hệ Trẻ “tá hỏa” khi phát hiện công ty du lịch H. có chi nhánh tại TPHCM cũng khai thác tour này với giá tour thấp hơn. “Đáng nói, công ty này đã “đạo” từ hành trình, địa điểm, nơi ăn chốn ở… đến lời giới thiệu cũng được bê nguyên văn chương trình tour của Thế Hệ Trẻ. Sản phẩm du lịch luôn mang tính kế thừa, khó mà độc quyền nhưng “đạo” tour trắng trợn như thế là không thể chấp nhận được” – ông Dũng bức xúc.
Căn bệnh đáng lo ngại
Chuyện sao chép tour du lịch lẫn nhau đang trở thành căn bệnh phổ biến của một số hãng lữ hành khiến nhiều công ty lữ hành bức xúc. Một doanh nghiệp lữ hành khi được hỏi liền thốt lên: “Bệnh này đang rất trầm kha nhưng vẫn không thấy ai chữa được”. Vị này cho biết thông thường một chương trình mới ra mắt để thu hút khách cần có thời gian khảo sát hành trình, địa điểm, tìm đối tác rồi kiểm tra dịch vụ có phù hợp với nhu cầu của khách hay không...
Thế nhưng tour mới vừa được giới thiệu lên mạng là ngay lập tức bị một số đơn vị khác biến thành của họ rồi phá giá để kéo khách… Thậm chí, có đơn vị chỉ cần ngồi một chỗ gọi điện thoại dựa vào chương trình tour của hãng khác là có thể có ngay tour mới. Vì vậy mới xảy ra tình trạng các tour đi đến những địa danh có tiếng như Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết… thường giống hệt nhau giữa nhiều hãng lữ hành.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Phòng Truyền thông Công ty Vietravel, than thở: Nếu không có biện pháp giải quyết, sẽ không có sự sáng tạo từ các đơn vị lữ hành. Chương trình tour khi đó chỉ là sự na ná nhau giữa các đơn vị - người này chờ người kia có tour mới là “chép” rồi bán sản phẩm giá thấp hơn để giành khách.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, thừa nhận thực trạng sao chép tour giữa các đơn vị lữ hành là điều bất cập của ngành. “Trên cùng một địa danh du lịch, các đơn vị được quyền khai thác nhưng nếu chép nguyên xi chương trình của đơn vị khác là điều tối kỵ trong ngành du lịch” – bà Khánh nói.
Đăng ký bản quyền tour? Theo ông Vũ Đức Chí, Phó Phòng Lữ hành Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ là trường hợp đầu tiên khiếu nại lên cơ quan chức năng về việc bị “đạo” tour du lịch. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến nhưng do các quy định hiện hành chưa có chế tài cụ thể nên khó xử lý nghiêm. Hiện sở đang tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành về những bất cập, thiếu sót trong các quy định để kiến nghị lên Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Trong khi đó, các công ty du lịch cho rằng cơ quan quản lý nên có quy chế để doanh nghiệp đăng ký bản quyền. Dù các điểm du lịch là tài sản chung của xã hội nhưng chương trình tour do các công ty sáng tạo ra. Do đó, nên có một cơ chế để đơn vị khai sinh tour mới được “độc quyền” trong thời gian đầu nhằm bù đắp chi phí khảo sát, tìm hiểu… |
Thái Phương
Theo NLĐ
0 nhận xét