Ngân hàng Nhà nước đã và đang có những điều chỉnh kỹ thuật để hỗ trợ cho thông điệp hạ lãi suất hiện thực hơn - Ảnh: Reuters.
Hồi thứ 21 của bộ tiểu thuyết cổ điển “Tam quốc diễn nghĩa” có chi tiết đã thành điển tích.
Chuyện là, trong lần uống rượu luận anh hùng, Tào Tháo cầm tay Huyền Đức đi dạo vườn nhà và tiết lộ: “Vừa rồi thấy trên cành mai đã có quả xanh, sực nhớ khi trước đi đánh Trương Tú, đi đường không có nước, tướng sĩ khát cào cuống họng. Bấy giờ ta nghĩ được một kế, cầm roi trỏ hão nói rằng: “Trước mặt có rừng mơ”. Quân sĩ nghe nói đến mơ, ai cũng ứa nước dãi, đỡ được khát nước. Nay có mơ thật, nên hái xuống mà thưởng”.
Giữa cây và rừng…
Ngày 3/8/2011, ông Nguyễn Văn Bình chính thức được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thông điệp đầu tiên mà ông đưa đến công chúng là sẽ giảm lãi suất cho vay về 17% - 19% trong tháng 9.
Thông điệp này nhanh chóng trở thành một “rừng mơ” với doanh nghiệp, người dân vay vốn. Bởi lãi vay thời gian qua quá cao, định hướng giảm lãi suất theo đó là một động lực được mong chờ. Không kiểm chứng được độ “giải khát” của thông điệp đó ở mỗi người đi vay, nhưng một biểu hiện tham khảo là sự phản ứng tích cực của thị trường chứng khoán...
Nay, “rừng mơ” đó không phải là trỏ hão như trong kế của Tào, mà như đang có thực trong hệ thống của các ngân hàng thương mại.
Từ cuối tháng 8, thị trường bắt đầu đón nhận các gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ một số nhà băng. Đó là Techcombank với cơ chế hỗ trợ từ 19,5%/năm, Eximbank “mềm” hơn với từ 17%/năm… Rồi dồn dập các chương trình của ACB, HDBank, ABBank, SHB. Mới nhất là từ hôm nay (6/9) với BIDV, VPBank. Và dự kiến sắp tới sẽ có thêm nhiều thành viên nhập cuộc.
Nhưng, vẫn có những hoài nghi. Nhìn những cây riêng lẻ chưa thể tả rừng. Hoài nghi bởi trước đây đã có rất nhiều gói tín dụng ưu đãi được công bố trong bối cảnh tương đồng, nhưng rốt cuộc thông tin kiểm chứng về khả năng tiếp cận của khách hàng, về thực tế giải ngân như thế nào gần như là không được công bố; và dĩ nhiên ở đây không phải là yêu cầu kiểm tra. Mặt khác, những cây riêng lẻ đó có đại diện được cho cả khu rừng, những gói 2.000 - 3.000 tỷ đồng đó có đủ để che cho con số hàng trăm nghìn tỷ đồng, thậm chí có thể cả triệu tỷ đồng, đang chịu lãi suất rất cao?
Ở góc nhìn tích cực, đó lại được xem là những tín hiệu đầu tiên. Và khi những chương trình ưu đãi được mở rộng có thể sẽ tạo thành xu hướng. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước đã và đang có những điều chỉnh kỹ thuật để hỗ trợ cho thông điệp hạ lãi suất hiện thực hơn. Bên cạnh đó, còn sớm để khẳng định nhưng sự cải thiện của tăng trưởng huy động vốn trong tháng 8 vừa công bố cũng là một hậu thuẫn.
Và theo nguồn tin của VnEconomy, trong tuần này dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ có cuộc họp mở rộng với các ngân hàng thương mại. Có thể qua cuộc họp này chủ trương hạ lãi suất sẽ tiếp tục được chỉ đạo triển khai quyết liệt hơn (?).
Vẫn còn nặng gánh…
Ngày 5/9, thông tin Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra chương trình giảm lãi suất về 18% - 19% cho các doanh nghiệp được chú ý. Khi nhận thông tin này, lãnh đạo một ngân hàng khác trầm tư rằng: “Họ là ngân hàng nhà nước, có những điều kiện thuận lợi hơn. Còn chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn về chi phí…”.
Từ cuối tháng 8/2011, Ngân hàng An Bình (ABBank) đã triển khai chương trình giảm 1,5% lãi suất đối với cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân vay vốn sản xuất kinh doanh. Ngân hàng này đang có kế hoạch dành hơn 1.000 tỷ đồng tài trợ doanh nghiệp xuất khẩu với lãi suất 18,5% - 19%/năm, hay 2.000 tỷ đồng có riêng tại Sở Giao dịch…
Nhưng bà Trần Thanh Hoa, Tổng giám đốc ABBank, cũng thận trọng khi nhận định rằng sẽ khó để giảm nhanh lãi suất.
“Việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hạ dần lãi suất cho vay là một tín hiệu đáng mừng. Theo tôi, việc giảm lãi suất có thuận lợi là được sự đồng thuận và quyết tâm của tất cả các ngân hàng, đồng thời nhiều ngân hàng cũng đang sở hữu nguồn vốn dồi dào, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Tuy nhiên, việc thực hiện giảm lãi suất vẫn gặp phải một số khó khăn như mức lạm phát cao khiến lãi suất huy động vẫn còn khá cao và một số biến động khác trên thị trường như giá vàng, giá USD tăng cao cũng ảnh hưởng đến việc điều tiết lãi suất… Vì vậy việc giảm lãi suất cho vay chỉ có thể thực hiện dần dần và phải mất một thời gian để đạt mức lãi suất 17% - 19% như mong muốn”, bà Hoa nói.
Và như đề cập ở bài viết trước, bên cạnh chi phí huy động cao, các ngân hàng vẫn phải dự phòng cho khả năng biến động những tháng cuối năm và gối đầu cho năm tới. Đó là mùa cao điểm của lạm phát, cao điểm nhu cầu thanh toán và cầu vốn, thanh khoản và lãi suất có thể lại chịu sức ép khiến định hướng giảm lãi suất hiện nay khó bền vững.
Ở một mối liên hệ khác, nếu lãi suất cho vay giảm về 17% - 19% từ giữa tháng 9, tiếp tục giảm thêm sau đó, cơ hội vay vốn có mở rộng hay không? Ở đây lại vướng rào cản 20% tăng trưởng tín dụng. Lãi suất giảm sẽ kích thích nhu cầu vay tăng lên trong khi cung vốn có giới hạn, hoặc còn vướng những nút thắt. “Rừng mơ” theo đó cũng khó để sai quả.
Tại khá nhiều ngân hàng thương mại, giới hạn 20% tín dụng đang là một gánh nặng. Ngân hàng Bảo Việt (BaoVietBank) là một điển hình.
Trả lời VnEconomy tại cuộc họp báo tuần qua, ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc BaoVietBank, cho biết đó thực sự là một khó khăn khiến ngân hàng này không thể đẩy mạnh cho vay dù lãi suất theo chủ trương có giảm.
Hiện tăng trưởng tín dụng của BaoVietBank đã đạt khoảng 16%, tức từ nay đến cuối năm còn gần 4% theo chỉ tiêu. Trước đó, BaoVietBank đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép được tăng trưởng 100%, chí ít cũng cần 50% nhưng không được chấp nhận.
Không chỉ riêng BaoVietBank, ngay từ đầu tháng 6, thông tin tại cuộc họp giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng phía Nam cũng đã cho biết tại thời điểm đó đã có trên chục ngân hàng lớn nhỏ cận “room” tăng trưởng tín dụng 20%, cá biệt một số đã vượt giới hạn. Ngược lại, đến nay nhiều ngân hàng lớn khác tăng trưởng tín dụng vẫn chỉ ở mức thấp.
Thế nên, điều mà thị trường chờ đợi là Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể như thế nào để điều hòa vốn từ chỗ thừa sang chỗ thiếu, tạo những nguồn nước cần thiết để chăm sóc “rừng mơ” cho đủ quả…
Theo VnEconomy
0 nhận xét