Các cửa hàng này như những cánh tay nối dài của nhà phân phối, nhà cung cấp để tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng
Cuối tháng 8-2011, Liên hiệp HTX TPHCM (Saigon Co.op) đã đưa vào hoạt động thêm một cửa hàng tiện lợi Co.opFood trên địa bàn quận Bình Thạnh, nâng tổng số cửa hàng Co.opFood lên 22, tính từ cuối năm 2008 đến nay.
Tươi, ngon và thuận lợi
Tiếp nối sau thành công của chuỗi cửa hàng Co.opFood, gần đây, các doanh nghiệp (DN) khác cũng lần lượt nhảy vào khai thác loại hình kinh doanh này. Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – Satra đã khai trương cửa hàng thực phẩm tiện lợi SatraFoods; Công ty CP Thực phẩm Thương mại Dịch vụ Sài Gòn đưa vào hoạt động cửa hàng Minimart; Công ty Bách Hóa Mới mở một số cửa hàng New Chợ… Bên cạnh đó, còn có hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Vissan, Sagrifood, Phú An Sinh, CP…
Khách hàng mua sắm tại cửa hàng tiện lợi SatraFoods, quận 5 - TPHCM. Ảnh: Hồng Thúy
Về hình thức hoạt động, các cửa hàng tiện lợi này không khác nhau là mấy. Trong đó, Co.opFood, SatraFoods, Minimart chủ yếu kinh doanh thực phẩm tươi sống (chiếm 30% - 40% tổng lượng hàng), kế đến là một số mặt hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, đồ dùng thiết yếu… Cách thức bán hàng gần giống cửa hàng tạp hóa truyền thống: Thực phẩm tươi sống (thịt, cá, rau củ quả, trái cây) được bày bán xá cho khách hàng lựa chọn.
Tại các cửa hàng New Chợ, ngoài các mặt hàng hóa phẩm và đồ dùng, còn có các mặt hàng tươi sống được đóng vỉ sẵn. Các cửa hàng của Công ty Mỹ Đức – Bình Điền (đường Cống Quỳnh - quận 1) bày bán các loại thủy hải sản lấy từ chợ Bình Điền, thịt heo của Vissan và một số loại rau an toàn đóng gói, thực phẩm chế biến. Các cửa hàng của Vissan, Sagrifood tận dụng lợi thế là bán thịt heo của đơn vị…
Khách hàng chính của những cửa hàng này là những người có thu nhập khá trở lên, chấp nhận mua hàng với giá cao hơn so với giá bán ở chợ nhưng bảo đảm chất lượng, nguồn gốc và việc mua bán tiện lợi, nhanh chóng hơn so với vào siêu thị phải gửi xe, chờ tính tiền…
Nhiều lợi thế phát triển
Theo ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Masso Group, mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi đang có nhiều điều kiện cơ bản để phát triển. Theo dự báo của AT Kearney, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ 25% (năm 2010) và dự kiến đạt 88 tỉ USD vào năm 2012. Song song đó là sự dịch chuyển xu hướng mua sắm theo hướng hiện đại của người tiêu dùng trong nước.
Điểm qua danh sách các cửa hàng thực phẩm tươi sống tiện lợi kể trên, có thể thấy những cửa hàng này chính là cánh tay nối dài của nhà phân phối, nhà cung cấp để tiếp cận gần hơn, sâu hơn với người tiêu dùng. Với Co.opFood, Saigon Co.op cho biết mục tiêu đến năm 2015 sẽ mở 150 cửa hàng. Satra đặt kế hoạch mở 10 cửa hàng SatraFoods trong năm nay. Riêng New Chợ, mặc dù BigC không chính thức thừa nhận đây là mô hình mới của đơn vị này để vươn dài hơn độ bao phủ nhưng New Chợ cũng đang ráo riết chuẩn bị đưa vào hoạt động 2-3 cửa hàng mới...
Theo đại diện các DN, mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi đang phát huy nhiều lợi thế. Bà Trần Thị Tuyết Hoa, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: Tại nhiều nước, mỗi tuần, người dân chỉ đi siêu thị 1-2 lần, những ngày trong tuần chủ yếu mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi. Việt Nam cũng sẽ phát triển theo xu hướng đó. Hiện cửa hàng tiện lợi đã được người tiêu dùng chấp nhận vì hàng hóa đa dạng, giá cả phù hợp, chất lượng bảo đảm... Về phía DN, cửa hàng thực phẩm tiện lợi cũng là một kênh đầu tư hấp dẫn trong điều kiện kinh tế khó khăn, giá cả mặt bằng cao thì so với đầu tư siêu thị, đầu tư vào cửa hàng tiện lợi dễ tìm mặt bằng hơn, chi phí thấp hơn…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để mô hình cửa hàng tiện lợi phát triển tốt, các DN cần có chiến lược định vị thương hiệu và bảo đảm các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, giá cả…
Cạnh tranh với chợ Với ưu điểm diện tích nhỏ (trung bình từ 100 đến 300 m2, có cửa hàng chỉ vài chục mét vuông), các cửa hàng này “tấn công” vào các khu dân cư, KCX-KCN và cả các chợ tự phát. Một bộ phận người tiêu dùng quan tâm nhiều đến sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm, chấp nhận bỏ thêm tiền để mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi khiến tiểu thương các chợ đang bị “chia” khách. Về lâu dài, cửa hàng tiện lợi sẽ xuất hiện dày đặc hơn, tiểu thương ở chợ nếu không thay đổi phương thức kinh doanh sẽ khó cạnh tranh. |
THANH NHÂN
Theo NLĐ
0 nhận xét