Mặc dù còn 3 tháng nữa mới tới thời điểm áp dụng Luật Viên chức (1-1-2012), song thời gian qua, một số đơn vị sự nghiệp công lập ở TPHCM đã rục rịch sắp xếp bộ máy tổ chức, bố trí nhân sự và lập danh sách các đối tượng theo quy định của luật. Động thái này đã phát sinh tình trạng “chạy” viên chức, làm ảnh hưởng đến tư tưởng của một bộ phận cán bộ, công chức và người lao động.
Việc Luật Viên chức chuẩn bị đưa vào áp dụng làm nhiều cán bộ, nhân viên các đơn vị, trong đó có các cơ sở giáo dục lo lắng cho tương lai của mình. Ảnh: CAO THĂNG |
Thiếu thông tin
Hơn 1 tháng qua, tại một cơ sở y tế của quận Tân Bình, nhiều nhân viên nháo nhào chuyện đi ở vì có một thông báo của lãnh đạo yêu cầu các đơn vị lập danh sách ai là công chức, ai là nhân viên diện hợp đồng lao động để bố trí lại việc làm khi Luật Viên chức có hiệu lực thi hành. Chị T., một nhân viên hợp đồng, nói: “Tôi lo quá, sợ tới đây bị gạt khỏi danh sách vì nghe đâu bệnh viện chỉ tiếp nhận những nhân viên trong biên chế vào diện viên chức để tiếp tục bố trí làm việc”. Chị T. cũng cho biết, mặc dù Luật Viên chức đã được công bố từ đầu năm nhưng đến nay, tại cơ quan rất ít người biết để hiểu rõ xem mình nằm trong diện nào, quyền lợi ra sao và có bị thay đổi công việc, hoặc cho nghỉ việc hay không?
Tại Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3), thời gian qua cũng có nhiều nhân viên diện hợp đồng do nhà trường trả lương tỏ ra lo lắng không biết tới đây khi thực hiện Luật Viên chức, có được tiếp tục làm việc không? Chị H., giáo viên khối lớp 5, băn khoăn: “Hiện trường có hàng chục nhân viên và giáo viên hợp đồng, tới đây không biết sẽ xếp vào diện gì? Nghe nói chỉ có những người trong diện công chức mới được chuyển sang viên chức, còn lại nếu không đủ tiêu chuẩn và nhà trường không có nhu cầu sẽ phải nghỉ việc. Chính vì vậy, nhiều người đã chạy đôn chạy đáo để được tuyển vào công chức trước khi Luật Viên chức có hiệu lực”.
Tại các đơn vị sự nghiệp công lập khối cơ quan Đảng, đoàn thể, do hiện đang trong đợt xem xét tuyển công chức theo chỉ tiêu năm 2011, nên cũng xảy ra tình trạng “chạy” viên chức. Nhiều nhân viên cho rằng, dịp này là cơ hội tốt để được bố trí làm việc lâu dài trong biên chế Nhà nước nên tìm cách “chạy” cho bằng được một suất công chức. H., cán bộ Đoàn đang công tác tại một đơn vị thuộc Khối cơ sở Đoàn Trung ương tại TPHCM, tỏ ra khá tự tin khi anh đã có tên trong danh sách thi tuyển công chức đợt tháng 10 này. H. tâm sự: “Chỉ có trúng tuyển công chức trong đợt này, tôi mới có cơ hội tìm được một vị trí làm việc tốt khi Luật Viên chức có hiệu lực thi hành và khi kết thúc nhiệm kỳ công tác Đoàn”.
Xử nghiêm
Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, trong cuộc trao đổi với chúng tôi về tình trạng “chạy” viên chức hiện nay. Ông Trung nói: “Tôi cũng đã nghe phản ánh tại một số đơn vị sự nghiệp công lập xôn xao chuyện đi ở khi áp dụng Luật Viên chức. Sở Nội vụ sẽ kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng này. Nếu phát hiện có tiêu cực trong việc xét tuyển và thi tuyển công chức để “chạy” được một suất viên chức, sẽ kiến nghị xử lý nghiêm”.
Ông Trung cũng cho biết, tới thời điểm hiện nay, Sở Nội vụ và UBND TPHCM chưa ban hành thông báo hay hướng dẫn về thực hiện Luật Viên chức. Nhằm thông tin đầy đủ nội dung của Luật Viên chức đến cán bộ, công chức và người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, vừa qua, Sở Nội vụ đã tổ chức tập huấn thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Nghị định 06/CP ngày 25-1-2010 của Chính phủ quy định những người là công chức và Thông tư 08 ngày 2-6-2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định 06/CP của Chính phủ. Sau đợt tập huấn này, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thông tin một cách đầy đủ nhất các văn bản pháp luật trên đến cán bộ, công chức và người lao động biết để thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành.
Trong khi đó, theo nguồn tin từ Văn phòng Bộ Nội vụ, tính đến nay, Chính phủ và Bộ Nội vụ cũng chưa ban hành văn bản nào hướng dẫn thực hiện Luật Viên chức. Bộ Nội vụ đang tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương để soạn thảo nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Viên chức trình Chính phủ. Sau khi Chính phủ ban hành nghị định, Bộ Nội vụ mới có thông tư hướng dẫn thực hiện. Chính vì vậy, những cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập nào “xé rào” làm trước, đều được cho là bất hợp pháp và phải bị xử lý nghiêm.
Hoài Nam
SGGP
0 nhận xét