Từng là lính chống Mỹ, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm chọn chiến tranh làm đề tài quen thuộc cho quá trình sáng tác của mình.
Trong tiểu thuyết Đường đen nước đỏ của anh, chiến tranh thêm lần nữa được tái hiện bằng vốn sống và sự tri ân của người lính - nhà văn đối với mảnh đất Khu Năm từng là chiến trường rất khốc liệt, nơi số phận của những người trong cuộc dù là lính ở bên này hoặc bên kia hay là dân thường đều phải gồng mình chịu đựng muôn vàn va đập, nhào trộn dữ dội, nghiệt ngã của thời thế và thường gánh chịu nhiều bi kịch đau thương ghê gớm.
Đỗ Viết Nghiệm lấy mốc thời gian cho cuốn tiểu thuyết bắt đầu từ Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968 đến sau chiến dịch xuân hè năm 1972. Theo anh, đó là giai đoạn bi hùng nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Tiểu thuyết Đường đen nước đỏ của Đỗ Viết Nghiệm bổ sung cho văn học viết về chiến tranh chống Mỹ một phần hiện thực mà theo tôi là còn khá mờ nhạt trước đó. Việc mở thêm những cửa khẩu xuống đồng bằng, tổ chức lực lượng vận tải len lỏi qua hệ thống đồn bốt canh phòng khám xét dày đặc của đối phương để mang gạo muối và nhiều hàng hóa khác lên núi hoặc tổ chức những đơn vị trồng trọt chăn nuôi chuyên nghiệp để giải quyết cái đói trước mắt và chủ động bảo đảm lương thực lâu dài là một kỳ công của quân dân Khu Năm.
Tiểu thuyết cho ta một hình dung về mạng lưới hậu cần giăng ra khắp nơi mọi chốn trong lòng địch, “gạo muối hàng hóa nhiều khi được chôn xuống đất y chang một nấm mồ sâu độ một mét, ngang tám chục phân, chiều dài hai mét rưỡi, lớp đáy lót ni lông cách đất để chống ẩm”… Phải sử dụng cả chiêu thức mỹ nhân kế lừa địch rút gạo ra từ những thành phố lớn, để vượt qua hàng rào kiểm soát của chúng… Ta có trăm mưu ngàn kế để thực thi nhiệm vụ hậu cần, nhưng mưu kế nào cũng phải dựa vào dân. Dân tin, dân yêu và hết lòng với cách mạng; đó chính là nguyên nhân quan trọng đảm bảo sự thắng lợi của công tác hậu cần trong thời chiến.
Với thể loại tiểu thuyết sử thi, Đỗ Viết Nghiệm dựa trên nhiều dữ liệu, tư liệu lịch sử và một số nhân vật có thật. Đằng sau những nhân vật, những cảnh huống trong tiểu thuyết là những suy ngẫm, gửi gắm của người cầm bút về số phận con người, số phận dân tộc trong cơn bão lốc lịch sử. Chiến tranh, con người bị dồn đến tận cùng, buộc phải bộc lộ rõ ràng bản chất của mình. Thế mới có những Trần Kiên, Huỳnh Độ, Huỳnh Tính, Ba Tuân, Việt, Út Liễu, Hà… hết mực trung thành với cách mạng, chịu nhiều thử thách, hy sinh để làm tròn nhiệm vụ. Thế mới có Lý, vốn là người của ta dùng súng bắn chết một lúc 7 đồng đội mình và Bồn trở thành hàng binh của địch… Sự tàn khốc của chiến tranh đã được tạo dựng khá ấn tượng trong tiểu thuyết của Đỗ Viết Nghiệm. Người ta có thể chết bất cứ lúc nào vì bom đạn, đói rét, bệnh tật. Ranh giới giữa cái cao cả và thấp hèn, dũng cảm và hèn nhát, trung thành và phản bội vô cùng mong manh.
Và, nhân vật của cả hai phía đều đã được miêu tả như những con người có thật trong cuộc sống. Sự tô hồng hay bóp méo một chiều hình như đã trở nên xa lạ với tiểu thuyết viết về chiến tranh ở nước ta. Kiểu viết cái gì của ta cũng tốt đẹp, cái gì của đối phương cũng xấu xa đã lỗi thời. Nói đúng ra, thì đó là sự ấu trĩ đến buồn cười của không ít tác phẩm viết về chiến tranh ở nước ta trước đây.
Đỗ Viết Nghiệm tiếp nối Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Đức, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bảo, Khuất Quang Thụy… viết về đối phương bằng thái độ công bằng, sòng phẳng. Hình tượng “con người kẻ thù” trở thành một xu hướng không thể cưỡng được trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh gần đây.
Tiểu thuyết Đường đen nước đỏ của Đỗ Viết Nghiệm được triển khai mạch lạc, sáng rõ. Anh rất ít bê vào tác phẩm của mình những tư liệu lịch sử, điều khác với một số tiểu thuyết sử thi gần đây. Tôi thấy có tác giả trích dẫn quá nhiều tư liệu lịch sử trong tiểu thuyết của mình và nó như một chất độn cho tác phẩm. Đỗ Viết Nghiệm tránh được điều đó nên Đường đen nước đỏ của anh khá thoáng đạt, cuốn hút. Tuy nhiên, điều tôi hy vọng nhất ở các tác giả tiểu thuyết là “ném” được vào đời những nhân vật điển hình ám ảnh thì lại chưa có ở Đường đen nước đỏ.
Tiểu thuyết của Đỗ Viết Nghiệm có chuyện, có vấn đề nhưng vẫn thiếu nhân vật làm cho ta nhớ lâu. Sự bằng bặn, đều đều là cảm giác chung khi đọc tiểu thuyết này. Lớp lang chỉn chu, nền tảng vững chải, câu chữ chân chất mộc mạc nhưng hình như còn vắng lắm những chi tiết “độc”, những cuộn xoáy, những đỉnh triều cao hay những vệt sóng lừng. Tôi nghĩ vốn sống của một người lính chống Mỹ, gắn bó máu thịt với mảnh đất Khu Năm, trong đó có Quảng Nam, Đà Nẵng đã giúp Đỗ Viết Nghiệm rất nhiều khi viết tiểu thuyết này. Vốn sống là chất liệu thô, muốn biến nó, luyện nó thành sản phẩm tinh túy còn đòi hỏi vào những cái trời cho khác. Trong tiểu thuyết này tôi chưa gặp những trang văn tác giả viết như lên đồng, hay nói cách khác còn thiếu sự thăng hoa mạnh mẽ của cảm xúc.
Vẫn biết đòi hỏi như thế là nhiều nhưng với tư cách là một người đọc tôi muốn thổ lộ cảm nhận và hy vọng của mình vào nhà văn quân đội Đỗ Viết Nghiệm. Dù sao thì Đường đen nước đỏ của Đỗ Viết Nghiệm rất đáng trân trọng bởi như tâm sự của anh tác phẩm như “một nén nhang thơm kính viếng hương hồn những người đã mất. Những người mà chúng ta đều biết, công lao của họ muôn đời sau mãi mãi không bao giờ ta được phép quên”.
THANH KHÊ
(*) Tiểu thuyết của Đỗ Viết Nghiệm, NXB Quân đội Nhân dân, 2010.
Theo SGGP
0 nhận xét