Không chỉ có buổi biểu diễn chính thức chương trình Piano & Voice (do Nhạc viện TPHCM và Công ty MFC tổ chức), nghệ sĩ piano Nguyễn Bích Trà đã được mời trò chuyện trước đó về đề tài khá thú vị “Âm nhạc cổ điển với giới trẻ”, tại Cà phê thứ Bảy.
NSND Trà Giang, nghệ sĩ Bích Trà, nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Hải Đăng (từ trái sang phải) trong buổi giao lưu. Ảnh: K.Ư. |
Khác với không khí trang trọng của một đêm biểu diễn, buổi gặp gỡ ở đây thân mật, ấm áp, giữa nghệ sĩ piano Bích Trà cùng nhạc sĩ Dương Thụ, Duy Linh, ca sĩ Hải Đăng và khán giả trẻ. Các nhạc sĩ đặt lại vấn đề nhạc cổ điển hiện nay đang ở đâu; phải chăng nó quá “hàn lâm” và xa xưa vì cách nay hàng trăm năm? Nhạc cổ điển chắc chắn không dễ dàng gì để giới trẻ yêu thích, so với dòng nhạc pop, rock.
Theo nhạc sĩ Dương Thụ, khi tìm đến thế giới âm nhạc cổ điển, người thưởng thức khó có thể cắt nghĩa vì sao nó đã làm tâm hồn người ta đẹp hơn, tình cảm sâu lắng hơn. Nhạc cổ điển là nền tảng văn hóa; nó làm nội tâm con người phong phú. Sức lan tỏa của nó thật diệu kỳ! Lời bộc bạch suy nghĩ của một bạn trẻ yêu nhạc trong buổi giao lưu cũng cho thấy một hiện tượng không hề ngẫu nhiên: nhạc cổ điển không xa lạ đối với lớp trẻ qua hình thức nhạc phim, nhạc chuông điện thoại trong đời sống hiện nay. Vấn đề là họ có biết ngọn nguồn của nó xuất phát từ đâu.
Chia sẻ cùng bạn bè, khán giả từ những trải nghiệm nghệ thuật, nghệ sĩ piano Bích Trà cho biết ở các nước phương Tây, trẻ em đã được giáo dục âm nhạc cổ điển rất sớm. Ở Việt Nam, vấn đề này chưa được chú trọng dù có thể hồn nhiên, không phải tự gò ép mình khi đến với âm nhạc cổ điển.
Theo nghệ sĩ Bích Trà, lúc nào cần nghe thì nghe, đừng bắt ép, hoán chuyển thể loại một cách tùy thích. Chẳng hạn, đừng “cải biên” cho trống xập xình vào nhạc Beethoven; muốn nhảy, chúng ta có thể nghe nhạc pop. Cô lý giải việc thưởng thức các dòng nhạc thời kỳ lãng mạn, cổ điển hay ấn tượng là tùy thuộc vào tâm trạng, sở thích của mỗi người. Ngày nay, chúng ta có quá nhiều phương tiện để tìm hiểu thông tin và dễ dàng lựa chọn dòng nhạc mình yêu thích.
Đam mê và gặt hái nhiều thành công trên con đường nghệ thuật ở nước ngoài, được các hãng đĩa danh tiếng thế giới đánh giá cao tài năng và mời thu âm CD là trường hợp vinh dự, hiếm hoi của hai nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn và Nguyễn Bích Trà. Đây cũng là điều khán giả ngưỡng mộ và muốn biết những cảm xúc, kinh nghiệm thu âm của một nghệ sĩ piano.
Được hỏi về điều này, Bích Trà cho biết cô đã có thời gian tập luyện đầy nỗ lực, làm việc 16 giờ trong một ngày. Việc thu âm những tác giả, tác phẩm quen thuộc tuy không chịu áp lực về thời gian nghiên cứu cuộc đời, thời đại của họ, hay dẫu gọi là đã chuyển tải nhuần nhuyễn tư duy của tác giả qua tác phẩm, nhưng nghệ sĩ đánh đàn phải tạo được nét riêng. Nét riêng ấy chính là tâm hồn, là sự rung cảm thực sự của mình cùng tác giả.
Với nghệ sĩ piano Bích Trà, âm nhạc cổ điển đã giúp cô phát huy được tài năng qua nhiều cuộc thi, được ghi nhận qua các giải thưởng âm nhạc quốc tế. Nhưng, điều lớn lao, nhờ âm nhạc, Bích Trà đã làm rung động hàng trăm, hàng ngàn trái tim khán giả yêu nhạc. Nội tâm phong phú và sức quyến rũ mãnh liệt của âm nhạc đã vang lên từ những đầu ngón tay của một nghệ sĩ. Bích Trà khẳng định âm nhạc sẽ mở ra những chân trời mới cho những người yêu thích nó thực sự.
* NSND Trà Giang: Khi nhìn Bích Trà nghiên cứu một tác giả, tác phẩm, tìm đọc những quyển sách liên quan đến thời đại nhà soạn nhạc đã sống, điều đó làm tôi rất vui, rất đồng cảm với con gái. Công việc nghiên cứu một vai diễn điện ảnh, đôi khi cũng tương tự như vậy. Càng gian nan với công việc, người ta càng tìm thấy nhiều hạnh phúc. * Ca sĩ Hải Đăng: Là ca sĩ trẻ nhưng được nghệ sĩ Bích Trà đệm đàn, hỗ trợ trong chương trình Piano & Voice, tôi rất hân hạnh. Chị ấy là một nghệ sĩ tài năng nhưng rất khiêm tốn; là một người có tinh thần làm việc nghiêm túc nhưng khá tinh tế; luôn khích lệ người ta tự tin để tiến bộ. |
Kim Ửng
Theo SGGP
0 nhận xét