Sau gần 45 năm đi bộ đội rồi lưu lạc, 10 năm được công nhận là liệt sĩ, ngày 6-8, bà Nguyễn Thị Ngọc bất ngờ trở về quê hương. Chuyện xảy ra ở thôn 3, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh - Quảng Nam
Cả tuần vừa qua, chuyện liệt sĩ Nguyễn Thị Ngọc trở về lan khắp huyện Phú Ninh - Quảng Nam. Chúng tôi đã đến huyện Phú Ninh để tìm hiểu câu chuyện ly kỳ này.
Lưu lạc tìm về
Ông Trần Hưng Hoàng, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Ninh và ông Nguyễn Khắc Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Vinh, dẫn chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Vận ở thôn 3, xã Tam Vinh, em ruột của “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ngọc.
Bà Nguyễn Thị Ngọc cho biết bà sinh năm 1948, tại xã Kỳ Thịnh, huyện Tam Kỳ cũ; nay là thôn 3, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh. Năm 1964, lúc 16 tuổi, bà đã trốn ba mẹ để tham gia lực lượng du kích xã Kỳ Quý. Năm 1966, tại căn cứ Ao Lầy, xã Tam Vinh, trong một trận đánh oanh liệt, bà bị trúng pháo kích của địch và bị thương nặng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc bên tấm bằng liệt sĩ do Nhà nước công nhận và tấm ảnh của bà thời thiếu nữ Ảnh: THÚY PHƯƠNG
Do yêu cầu bảo mật, bà được cán bộ điều về Trung đội 2, Đại đội 4, thuộc đơn vị cơ động khu 5 làm cán bộ y tế. Ngày 16-8-1967, trong lúc đơn vị bà tập kích vào Pleiku, bà lại bị thương do bom. Đồng đội khiêng bà vượt qua lửa đạn về điều trị tại bệnh xá Quân khu 5 đóng tại huyện Trà My - Quảng Nam. Tuy qua cơn nguy kịch nhưng bà đã vĩnh viễn mất đi lá phổi bên trái và bị nhiều mảnh đạn găm vào cổ trái.
Vào cuối năm 1969, sau khi sức khỏe ổn định, bà quyết tâm xin được trở lại chiến trường cũ. Tại đây, bà quen và kết duyên cùng ông Bùi Văn Bé Hùng (cũng là thương binh), quê Cai Lậy - Tiền Giang. Đến năm 1982, do vết thương cũ tái phát, sức khỏe suy giảm, bà xin rời đơn vị, theo chồng về huyện Cái Bè - Tiền Giang ở luôn đến nay, có cả thảy 5 người con.
Nước mắt ngày đoàn tụ
45 năm qua kể từ ngày bà Ngọc bị thương ở căn cứ Ao Lầy, những đồng đội cũ cứ nghĩ bà đã hy sinh. Điều khó hiểu là vì sao sau ngày giải phóng, bà không tìm về lại quê hương mà phải đợi đến ngày hôm nay? Bà Ngọc nói trong nước mắt: “Quê hương, cha mẹ ai mà không nhớ, không muốn về nhưng vì bệnh tình nên sau giải phóng, tôi theo chồng về Tiền Giang luôn. Rồi cuộc sống quá khó khăn, phải lo từng bữa ăn nên không có điều kiện mà về. Mươi ngày trước, mấy đứa con cho ít tiền, rồi vay mượn thêm, tôi mới về được đến đây…”. Bà lại khóc: “Vậy mà đã 45 năm rồi!”.
Ông Nguyễn Văn Vận cho biết từ sau giải phóng, cứ đến ngày 5-11 hằng năm là gia đình tổ chức đám giỗ cho bà Ngọc. Gia đình thờ cúng bà đã được 36 năm. Sáng 6-8, thấy có người phụ nữ xách ba lô vào nhà, ông cứ tưởng là khách lạ hỏi thăm đường, sau đó mới nhận ra người chị lưu lạc của mình.
Khi vừa bước vào nhà, nhìn lên bàn thờ, nước mắt bà Ngọc chảy dài: “Cha ơi, mẹ ơi”. Rồi bà vô cùng bối rối khi nhìn thấy tấm ảnh của mình để cạnh bên tấm bằng liệt sĩ mang tên Nguyễn Thị Ngọc. Ông Vận giải thích trong nỗi mừng khôn tả: “Sau giải phóng, gia đình nhận được giấy báo tử, xác nhận chị Ngọc đã hy sinh, không tìm được xác. Đến năm 1997, gia đình mới khai báo, sau đó đến năm 2001, Nhà nước mới công nhận liệt sĩ cho chị. Đến giờ, tôi và gia đình không ai tin nổi chị tôi còn sống, trở về bằng xương bằng thịt”.
Sẽ xóa tên “liệt sĩ” cho bà Ngọc Vì được công nhận là liệt sĩ, hiện nay, tên bà Nguyễn Thị Ngọc đã được khắc ghi trên tấm bia ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh. Ông Trần Hưng Hoàng cho biết Phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Ninh sẽ làm thủ tục để rút lại bằng liệt sĩ của bà Ngọc, sau đó đề xuất chế độ thương binh cho bà. |
THÚY PHƯƠNG - XUÂN HIẾU
Theo NLĐ
0 nhận xét