Một người đã chết hơn 11 năm, một người cũng đã làm giấy khai tử trước thời điểm được cấp chủ quyền nhà hơn 6 tháng
Khoản 3 điều 14 Bộ luật Dân sự quy định một người được xác định đã chết thì mọi quan hệ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người đó đều chấm dứt. Thế nhưng, chuyện kỳ quặc là UBND quận 1 - TPHCM đã thụ lý hồ sơ, lập thủ tục trình UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (gọi tắt là giấy chủ quyền) cho hai cụ bà đã chết từ lâu.
Chết 11 năm vẫn được... cấp chủ quyền
Dự kiến hôm nay, 10-8, TAND TPHCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ kiện liên quan đến việc “tranh chấp lối đi chung” của các chủ sở hữu nhà và sử dụng đất tại số nhà 91 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1 – TPHCM. Sẽ không có gì đáng nói bởi vụ việc cũng giống như hàng ngàn vụ kiện tranh chấp khác, tuy nhiên nó trở nên rắc rối do chứng cứ quan trọng ảnh hưởng đến vụ kiện là giấy chủ quyền của một phần căn nhà này có dấu hiệu bị cấp sai.
Theo tài liệu chúng tôi có được, nhà số 91 do bà Phạm Thị Bênh và Phạm Thị Thái cùng đứng tên sở hữu theo bằng khoán số 2046 sổ điền thổ Sài Gòn, do Ty Điền địa chế độ cũ cấp với quy mô cho phép xây dựng gồm một trệt, 2 lầu, chiều rộng 4,2 m, chiều dài 21,85 m, tổng diện tích sử dụng là 282,8 m2. Tháng 8-1986, bà Bênh và bà Thái bán toàn bộ tầng trệt cùng lầu 2 và sân thượng cho người khác, họ chỉ giữ lại lầu 1 có diện tích 82,5 m2 để sử dụng.
Một phần căn nhà số 91 Lý Tự Trọng đã được cấp chủ quyền cho hai cụ bà đã chết từ lâu
Cuối năm 1989, bà Bênh chết; đến tháng 4-2001, bà Thái cũng qua đời. Thế nhưng đến ngày 2-10-2001, hai cụ bà này vẫn được cấp giấy chủ quyền (số 70101072290) cho phần diện tích nhà như trên, còn khuôn viên đất của toàn bộ căn nhà lại được ghi nhận là sử dụng chung. Nghĩa là giấy chủ quyền căn nhà này được ký ban hành vào thời điểm bà Bênh đã qua đời hơn 11 năm và bà Thái đã làm giấy khai tử trước đó hơn 6 tháng. Điều kỳ lạ là nội dung trong giấy chủ quyền thể hiện chỉ có mình cụ Bênh chết, còn cụ Thái vẫn còn sống… (!?).
Cấp... “lụi”
Sao lục toàn bộ hồ sơ cấp giấy chủ quyền cho căn nhà 91 Lý Tự Trọng cũng như làm việc với lãnh đạo Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất TPHCM, chúng tôi nhận thấy việc cấp giấy chủ quyền cho căn nhà này không đúng quy trình. Cụ thể, theo các quy định và quy trình cấp giấy chủ quyền trước đây của TPHCM và sau đó được cụ thể hóa hơn tại điều 12 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ thì trường hợp cá nhân sử dụng đất đã chết trước khi trao giấy chứng nhận thì không được cấp giấy chứng nhận mà những người thừa kế của người đã chết làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận… Điều đáng nói, trong số hồ sơ lưu tại cơ quan cấp giấy chủ quyền có cả giấy chứng tử của hai cụ bà thì không thể cho rằng cán bộ thụ lý hồ sơ… cấp nhầm!
Điều đáng lưu ý nữa là chữ ký của bà Thái ở trên đơn xin cấp giấy chủ quyền và tờ đăng ký nhà ở và đất ở khác xa với chữ ký trên những giấy tờ như: di chúc, văn tự mua bán nhà, tờ khai trước bạ, bản vẽ nhà đất… có liên quan đến phần sở hữu nhà của bà. Ngoài ra, một số giấy tờ liên quan đến việc xét cấp giấy chủ quyền nhà lưu tại cơ quan cấp giấy như: văn tự mua bán nhà, tờ khai chuyển dịch tài sản nộp lệ phí trước bạ... được các cơ quan chứng thực sao đúng với bản chính lại rơi vào thời điểm... tháng 4-2003, tức sau thời gian căn nhà được cấp giấy chủ quyền gần 2 năm. Cơ quan cấp giấy chủ quyền sẽ giải thích thế nào về việc giấy chủ quyền được cấp trước những hồ sơ được xem là căn cứ để xét cấp giấy?
Qua xem xét hồ sơ vụ việc, một lãnh đạo Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đất Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM nhìn nhận: “Quy trình cấp chủ quyền cho nhà 91 Lý Tự Trọng có vấn đề về trình tự, thủ tục. Do đó, cơ quan đã cấp giấy phải thu hồi để xem xét cấp lại theo đúng quy định pháp luật”.
“Treo” việc kiểm tra gần 8 năm Liên quan đến những khiếu nại xung quanh việc cấp giấy chủ quyền cho căn nhà nói trên, ngày 14-9-2004, Sở Xây dựng TPHCM đã có công văn gửi UBND quận 1 với nội dung: Nhà số 91 Lý Tự Trọng trong quá trình cấp đổi giấy chủ quyền có phần diện tích trùng lắp tại tầng 1. Sở Xây dựng đề nghị UBND quận 1 kiểm tra hồ sơ, xem xét giải quyết khiếu nại đúng quy định của pháp luật… Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần 8 năm nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. |
Bài và ảnh: Tường Nguyên
NLĐ online
0 nhận xét