Chiều 5/8, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp 6 tháng cuối năm. Tuy hầu hết đại biểu đồng tình với tờ trình của Chính phủ, nhưng vẫn băn khoăn, lo lắng trước tình hình lạm phát, giá cả tăng cao ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân…
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nói rằng, tính bình quân, 6 tháng đầu năm 2011, hàng loạt các hàng hóa như điện, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu lần lượt tăng giá đã làm cho đời sống của nhân dân, đặc biệt là nông dân và những đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, làm người dân đang rất khó khăn. Theo ông, qua tiếp xúc cử tri ở tại địa phương thì đa số các cử tri cho rằng chất lượng đời sống của nhân dân chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát, giá cả tăng cao là những điều khiến đại biểu Quốc hội quan tâm - ảnh: Tuệ Khanh |
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng cũng cho rằng, thu ngân sách đạt cao nhưng chất lượng cuộc sống của người dân lại đang đi xuống. Nguyên nhân được đại biểu này chỉ ra là, không phải do sản xuất phát triển dẫn đến thu được ngân sách cao, mà do lạm phát tăng cao nên chúng ta thu được ngân sách cao cho nên chất lượng cuộc sống của người dân đi xuống. “Cho nên nhân dân rất băn khoăn và lo lắng. Tôi đề nghị Chính phủ cần phải sớm nghiên cứu vấn đề này” – đại biểu Bá Thuyền nói.
Đại biểu Đào Tấn Lộc (Phú Yên) thì băn khoăn về khó khăn của nông, ngư dân. Theo ông, hiện nay hầu như các ngân hàng ít muốn cho vay trong khu vực nông, ngư nghiệp vì sợ độ rủi ro cao, do đó nhiều hộ nông, ngư dân phải vay nóng với lãi suất cao và làm tăng chi phí đầu vào hiệu quả thấp. “Tôi đơn cử là nhiều hộ ngư dân đánh bắt xa bờ ở Phú Yên hiện nay phải vay nóng là 6 - 7%/tháng của các chủ nợ và như vậy thì mặc dù trong chủ trương đánh bắt xa bờ là một chủ trương rất ưu tiên của chúng ta, gắn với bảo vệ chủ quyền đất nước, Chính phủ cũng đã có những quyết định hỗ trợ ngư dân, nhưng về chính sách liên quan đến tiền tệ, tín dụng cũng chưa có, cho nên hiện nay nó cũng chưa có tác dụng” – đại biểu Phú Yên phát biểu.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) nhận xét, về công tác xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội, trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng tỷ lệ hộ nghèo đang có xu hướng tăng trở lại do sản xuất và đời sống của người dân phải chịu tác động nặng nề của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh và lạm phát.
Đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai đánh giá, chủ trương kiềm chế lạm phát thông qua bình ổn giá là đúng đắn, là kịp thời, nhưng ông cho rằng “nó chưa thiết thực”. Theo phân tích của đại biểu này thì bởi lẽ, vừa qua Chính phủ chủ trương hỗ trợ đối với doanh nghiệp, đối với người dân, trong đó có nông dân, nhưng bình ổn giá thực sự thì chưa thực sự đến với nông dân, đến với vùng nông thôn. Đại biểu Trương Văn Vở đề nghị Chính phủ quan tâm có chủ trương sớm bình ổn giá từ gốc, có nghĩa là bình ổn giá đầu vào hỗ trợ cho người nông dân về phân bón, về con giống, về thức ăn chăn nuôi…
Theo ông, thực hiện được chủ trương này sẽ giúp nông dân sản xuất nông sản hàng hóa có giá thấp để bán ra giá thấp. Đây là biện pháp căn cơ để thực hiện bình ổn giá, tôi nghĩ ở đây cũng mong muốn nguyện vọng của cử tri cả nước để vừa có lợi cho nông dân mà về sâu xa là có lợi cho người tiêu dùng.
Đại biểu phát biểu tại hội trường - ảnh: Chinhphu.vn |
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cũng đề nghị, Chính phủ cần có chủ trương để bảo vệ và hỗ trợ nông dân và nền nông nghiệp nước nhà trước những tác động tiêu cực của thị trường hàng hóa và nước ngoài vì nông dân đang là đối tượng chịu nhiều tác động lớn nhất của lạm phát kinh tế.
Lo lắng về an ninh lương thực, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) đề nghị Chính phủ cầnduy trì quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp và phải xác định đây là một chiến lược kinh tế bảo đảm an ninh lương thực nhằm tăng năng suất lao động và thu nhập ổn định cho nông dân. Chính phủ cần ban hành chế tài cụ thể, chặt chẽ và xử lý nghiêm tình trạng vi phạm Quỹ đất nông nghiệp, đồng thời tăng đầu tư cho giao thông, thủy lợi, kết cấu hạ tầng nông thôn.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng bày tỏ vui mừng trước những thành tựu đạt được trong 6 tháng đầu năm 2011, nhưng vẫn lo lắng trước đời sống khó khăn của người lao động. Ồng nói: “Chỉ trong vài tháng vừa qua các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng, rau đã tăng giá gấp đôi. Sự tăng giá như vậy đồng nghĩa với việc người lao động phải ăn ở kham khổ, khó khăn hơn trước. Chúng ta cần có thêm những chương trình hỗ trợ tích cực cho người lao động thu nhập thấp”
Tuy có nhiều lo lắng, nhưng các đại biểu cũng tỏ ý tin tưởng vào nhiệm kỳ mới của Chính phủ sẽ hoạt động hiệu quả hơn, tháo gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm - Thái Bình bày tỏ, cử tri rất hoan nghênh và rất kỳ vọng vào tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ đã chọn rất đúng 3 giải pháp đột phá. Đặc biệt, ông nhấn mạnh: “những vấn đề nêu lên của các đồng chí tân Bộ trưởng vừa được Quốc hội bầu phát biểu với báo chí, chúng tôi theo dõi có rất nhiều điểm mới, có rất nhiều ý tưởng mà chúng tôi thấy nếu triển khai nhanh, có hệ thống thì sẽ giúp ngay được những giải pháp tình thế năm nay và tạo tiền đề cho lâu dài. Tôi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng cũng như các Bộ trưởng nên cụ thể hóa theo lời hứa nêu ra của mình bằng các chương trình dài hạn và bằng các lộ trình cụ thể, trước mắt ưu tiên giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay trong đời sống, trong sản sản xuất, kinh doanh và mọi hoạt động mà cử tri đã nêu và các đại biểu đã phát biểu. Chúng tôi rất hy vọng và đồng tình Thủ tướng cũng như Chính phủ thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XI là biến Chính phủ từ cơ quan điều hành cụ thể chuyển dần sang cơ quan kiến tạo phát triển, giúp cho đất nước chúng ta phát triển nhanh, vượt qua khó khăn và phát triển bền vững”.
Ngày 6/8 các đại biểu QH tiếp tục đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp 6 tháng cuối năm. Chiều 6/8, QH sẽ họp phiên bế mạc.
Ngày 6/8 các đại biểu QH tiếp tục đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp 6 tháng cuối năm. Chiều 6/8, QH sẽ họp phiên bế mạc.
Theo VnMedia
0 nhận xét