Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng ở Trung Quốc hiện bình quân là 18%, so với mức 2,2% của Mỹ. Vì những lý do này, nhiều công ty phương Tây đã nỗ lực xâm nhập vào thị trường Trung Quốc, nhưng thực tế cho thấy, việc này nói dễ hơn làm. Nhiều thương hiệu lớn của Mỹ như Home Depot và Best Buy đã phải rút khỏi thị trường Trung Quốc sau một thời gian chật vật, đế chế bán lẻ Wal-Mart cũng mới chỉ đạt lợi nhuận ở thị trường này từ năm 2008 sau 12 năm hiện diện ở đây.
Tuy nhiên, cũng có những thương hiệu phương Tây gặt hái thành công lớn ở Trung Quốc, điển hình là Yum!Brands của Mỹ. Hãng chủ sở hữu các chuỗi nhà hàng KFC, Pizza Hut… này hiện chiếm 40% thị trường đồ ăn nhanh ở Trung Quốc, so với mức 16% của McDonald’s.
Có những xu hướng tiêu dùng của người Trung Quốc mà ai cũng đã rõ, chẳng hạn nhu cầu hàng hiệu gia tăng, nhưng cũng có những xu hướng ít người biết. Hãng tin CNBC đã điểm qua 10 xu hướng tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này.
1. Ngô
Trung Quốc là nước tiêu thụ ngô nhiều thứ nhì thế giới và nhu cầu này đang tiếp tục gia tăng. Nước này cũng là quốc gia sản xuất ngô nhiều thứ nhì thế giới, sau Mỹ, cho dù lương thực chính của người Trung Quốc là gạo. 75% lượng ngô được tiêu thụ tại Trung Quốc là dùng cho lĩnh vực chăn nuôi. Trong thập kỷ qua, bình quân mỗi năm nhu cầu ngô của Trung Quốc tăng 3%, chủ yếu do mức sống của người dân tăng, lượng thịt gia súc tiêu thụ nhiều hơn.
2. Thực phẩm bổ dưỡng
Thị trường thực phẩm bổ dưỡng của Trung Quốc được dự báo đạt doanh thu 70 tỷ USD vào năm 2015, tăng hơn 3 lần so với mức 20 tỷ USD vào năm 2010. Với mức sống tăng và dân số lão hóa, người Trung Quốc ngày càng chuộng các sản phẩm hoa quả, hạt và sữa chua nhập khẩu. Giá các loại hạt như hạt điều, hạt óc chó, hạt hồ đào, hạt hạnh… đã tăng lên mức kỷ lục do nhu cầu của Trung Quốc.
3. Internet di động
Ngành công nghiệp Internet di động của Trung Quốc đang tăng trưởng bùng nổ, với tốc độ cao hơn nhiều so với ở nhiều quốc gia phát triển. Một báo cáo của Wireless Intelligence nhận định, Trung Quốc sẽ vượt mốc 1 tỷ thuê bao di động vào tháng 5/2012. Khoảng 22% người sử dụng di động ở khu vực thành thị của Trung Quốc dùng “dế” để lướt mạng một tuần mỗi lần vào năm 2010, từ mức 15% vào năm 2009. Đây là một con số không tồi với một thị trường di động hiện có 770 triệu thuê bao, trong đó có 318 triệu thuê bao có kết nối Internet.
Nokia vẫn là hãng điện thoại di động có thị phần lớn nhất tại Trung Quốc, nhưng bắt đầu đối mặt sự cạnh tranh quyết liệt từ Apple, Samsung và các thương hiệu “nội” như HTC, Huawei và ZTE.
4. Rượu vang
Euromonitor dự báo, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nước tiêu thụ rượu vang lớn nhất thế giới vào năm 2015. Năm 2009, có khoảng 126 triệu thùng rượu vang được tiêu thụ ở nước này. Tốc độ tiêu thụ rượu vang ở Trung Quốc trong thập kỷ qua bình quân đạt 20 %/năm, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Doanh số rượu nhập tăng cao hơn rượu sản xuất trong nước.
5. Du lịch nước ngoài
Trung Quốc là thị trường khách du lịch tăng trưởng mạnh nhất thế giới hiện nay. Tổ chức Lữ hành quốc tế Liên hiệp quốc dự báo, năm nay sẽ có 65 triệu lượt du khách Trung Quốc xuất ngoại, năm 2010 sẽ là 100 triệu lượt. Du lịch và mua sắm ở nước ngoài đang là mốt của tầng lớp giàu có ở Trung Quốc. Đặc biệt, khách Trung Quốc tiêu nhiều tiền hơn khi đi du lịch ở nước ngoài hơn là du lịch trong nước, và họ thường đi thành đoàn lớn.
6. Thú cưng
Chính sách một con và dân số lão hóa đã khiến thú cưng trở thành một thành viên quan trọng trong không ít gia đình Trung Quốc. Ngoài ra, xu hướng này còn được củng cố do người Trung Quốc có nhiều thu nhập khả dụng hơn, có khả năng chăm sóc con vật cưng tốt hơn. Theo Euromonitor, từ 1999-2004, số thú cưng ở Trung Quốc đã tăng 20%. Chó là loại vật nuôi được chuộng nhất ở Trung Quốc, với số lượng tăng ít nhất 10%/năm.
Chó cũng được xem là một biểu tượng địa vị đối với những người giàu có ở Trung Quốc. Một ông trùm trong ngành than Trung Quốc mới đây đã mua một chú chó ngao Tây Tạng với giá 1,6 triệu USD.
7. Du học
Trung Quốc là nước có số du học sinh lớn nhất thế giới, với khoảng 1,27 triệu sinh viên của nước này theo học tại các trường đại học nước ngoài tính đến cuối năm 2010, tăng 24% so với năm 2009. Nhiều học sinh Trung Quốc chọn ra nước ngoài học đại học để tránh những kỳ thi đầu vào đầy cam go trong nước. Đại học Cambridge của Anh năm ngoái có 1.000 sinh viên Trung Quốc, chiếm 8,3% tổng số sinh viên của trường này.
8. Hàng hiệu
Nhu cầu hàng hiệu ngày càng tăng của người Trung Quốc đã mở ra cơ hội lớn cho các hãng đồ hiệu phương Tây. Thị trường hàng hiệu Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 18% trong thời gian 2010-2015, đạt 27 tỷ USD vào năm 2015. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, Trung Quốc sẽ chiếm 20% thị trường đồ hiệu thế giới vào năm này.
9. Công nghệ xanh
Trung Quốc là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, nhưng những người tiêu dùng giàu có của nước này cũng có ý thức về môi trường như ở phương Tây. Khoảng 84% người tiêu dùng Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua những sản phẩm và dịch vụ “xanh” - theo kết quả một cuộc thăm dò của hãng nghiên cứu TUV SUD Asia Pacific. 74% người tiêu dùng Trung Quốc trong cuộc điều tra này cho biết họ đã mua các sản phẩm thân thiện với môi trường.
10. Bất động sản ở nước ngoài
Trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc hãm phanh thị trường bất động sản, giới đầu tư địa ốc nước này tìm cách đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các thị trường Mỹ, Canada, Australia và Anh. Năm ngoái, các khách hàng Trung Quốc chiếm tới 11% số vụ giao dịch nhà đất ở London, theo hãng tư vấn bất động sản Knight Frank.
Xu hướng này có thể ít nhiều gây bất ngờ, vì Chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép mỗi công dân mua tối đa số ngoại tệ trị giá 50.000 USD mỗi năm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc đã tìm cách lách luật, họ rủ người thân cùng chuyển ngoại tệ, rồi hùn vốn mua nhà ở nước ngoài.
Theo Vneconomy
0 nhận xét