Nhờ có thêm nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo, giá lúa trong nước đang ở mức cao. Việc điều hành xuất khẩu gạo sẽ theo cơ chế linh hoạt
Tình hình xuất khẩu gạo đang khá sáng sủa, có thêm nhiều hợp đồng xuất với số lượng khá cao. Việc thu mua lúa trong nước cũng đang hết sức sôi động. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lúa hè đang thu hoạch và được thương lái mua hết.
Thị trường thế giới đang có lợi cho Việt Nam
Theo báo cáo của VFA tại cuộc họp sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm và kế hoạch xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm, tổ chức ngày 5-7 tại TPHCM, các doanh nghiệp trong cả nước đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo trong tháng 6 là 850.000 tấn. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 6, đăng ký hợp đồng xuất khẩu lên đến 5,255 triệu tấn gạo, tăng 9,87% so với cùng kỳ năm 2010.
Theo dự báo trước đây, những tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị ở Trung Đông, thị trường lớn Philippines thay đổi chính sách nhập khẩu gạo.
Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, gần đây, thị trường gạo thế giới đã có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Ngọc Trinh
Lượng gạo giao cho thị trường châu Phi tăng đến 55,88% so với dự kiến. Gạo xuất cho các nước châu Á cũng tăng đến 10,54%. Mới đây, chính phủ Philippines chuyển hợp đồng cấp chính phủ sang tư nhân với số lượng nhập gạo lên đến 660.000 tấn, trong đó các doanh nghiệp trong nước đã ký xuất được 567.000 tấn gạo.
Các nước Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc đang có kế hoạch nhập gạo với số lượng khá lớn. Iraq vẫn nhập khẩu thường xuyên mỗi tháng 100.000 tấn. Cuba có khả năng nhập thêm 250.000 tấn từ hợp đồng thương mại.
Hiện số gạo chưa giao theo hợp đồng đã ký còn khá cao, khoảng 1,3 triệu tấn. Đến hết tháng 6, xuất khẩu gạo đạt 3,9 triệu tấn, doanh nghiệp tồn kho 1,36 triệu tấn. Trong khi đó, lượng gạo hàng hóa thực tế 6 tháng đầu năm là 5,26 triệu tấn (tăng 960.000 tấn so với dự kiến trước đây). Theo VFA, dự kiến cân đối xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm có thể lên đến trên 3 triệu tấn. Như vậy, tổng lượng gạo xuất khẩu cả năm có thể lên đến 7 triệu tấn.
Tạm hoãn mua tạm trữ
Theo nhận định của VFA, giá gạo ở Thái Lan đang có xu hướng tăng. Đây là cơ hội tốt cho gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Theo kế hoạch, từ giữa tháng 7-2011, các doanh nghiệp trong nước sẽ thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ. Tuy nhiên, tại cuộc họp sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp quan ngại việc thu mua gạo tạm trữ sẽ đẩy giá lúa lên, gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo ông Trương Thanh Phong, kế hoạch thu mua gạo tạm trữ đã được VFA phân bổ cho 80 doanh nghiệp. Việc thu mua gạo tạm trữ nhằm mục đích không để giá lúa xuống dưới 5.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay có thay đổi, giá lúa đang khá cao (giá lúa khô tại nhà máy từ 5.800 đồng - 5.900 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so tuần trước). Do đó, sẽ tạm hoãn mua gạo tạm trữ, khi nào giá lúa xuống, VFA sẽ cho các doanh nghiệp mua gạo tạm trữ ngay.
Cũng theo ông Phong, lượng gạo xuất khẩu năm nay do Chính phủ quyết định, dự kiến từ 6,5 triệu - 7 triệu tấn. Việc điều hành xuất khẩu gạo sẽ theo cơ chế linh hoạt, tức còn gạo là còn xuất khẩu.
VFA cho rằng giá thành sản xuất lúa hè thu khoảng 3.500 đồng/kg, cộng với lãi 30% giá lúa lên khoảng 4.600 đồng/kg nhưng với giá bán cao như hiện nay cho thấy người trồng lúa đang có lãi.
Có 211 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Theo thống kê từ VFA, 6 tháng đầu năm có 211 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, trong đó chỉ có 4 doanh nghiệp xuất từ 100.000 tấn trở lên, 11 doanh nghiệp xuất từ 50.000 tấn trở lên…, 50 doanh nghiệp xuất khẩu dưới 1.000 tấn. Trong đó, có một số doanh nghiệp chỉ xuất 3-5 tấn, thậm chí có doanh nghiệp chỉ xuất được 700 kg. Có doanh nghiệp xuất khẩu gạo chấp nhận mức lãi 1- 2 USD/tấn làm ảnh hưởng chung đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. |
NGUYỄN HẢI
Theo NLĐ
0 nhận xét