Ảnh minh họa (internet) |
Trong lúc châu Âu còn chật vật chưa thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng nợ công, nước Mỹ vẫn vướng trong các vấn đề xã hội với lạm phát, thất nghiệp thì châu Á, mảnh đất của những “tăng trưởng thần kỳ” thời gian qua lại có dấu hiệu chững lại.
Theo ghi nhận mới nhất của Markit Economics, sản xuất hàng hóa ở các nền kinh tế mới nổi tại châu Á tiếp tục giảm trong tháng 6.
Tốc độ tăng trưởng sản xuất đáng ngại ở các nước châu Á khiến các ngân hàng trung ương khó xử khi đang có ý định xem xét lại mức lãi suất cao hơn để kiềm chế lạm phát. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế HSBC Holdings Plc và Markit Economics, tăng trưởng sản xuất trong tháng 6 của Ấn Độ tiếp tục trì trệ, đánh dấu 9 tháng giậm chân tại chỗ, sau khi ngân hàng trung ương nước này liên tục nâng lãi suất ở tốc độ nhanh nhất ở châu Á để kiềm chế lạm phát.
Còn ở Hàn Quốc, xuất khẩu cũng tăng chậm nhất trong 20 tháng qua, chỉ còn 14,5% trong tháng 6 so với 22,4% của tháng 5. Giá tiêu dùng vượt quá mục tiêu của ngân hàng trung ương đề ra trong 6 tháng liên tiếp.
Ở Thái Lan, tính đến tháng 6 lạm phát tăng cao liên tiếp 32 tháng sau khi giá lương thực tăng, còn giá tiêu dùng leo thang đến 4,6% so với năm trước. Chỉ có Indonesia lạm phát giảm trong tháng thứ 5 liên tiếp.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan và lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã nâng mức lãi suất trần hồi tháng 5 để đối phó giá cả tăng cao, còn Trung Quốc thì yêu cầu các nhà cho vay dự trữ tiền mặt nhiều hơn. Sản xuất, chiếm phân nửa nền kinh tế Trung Quốc, đang lắng xuống khi chính phủ đề ra các chính sách hạn chế mua nhà và xe cộ, thắt chặt chính sách tiền tệ đối với vốn điều lệ công ty. Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa đã tạm dừng việc nâng mức giá trần trong vòng 12 tháng. Ngân hàng Ấn Độ đã nâng mức lãi trần gấp 10 lần kể từ tháng 3-2010.
Theo IMF, nền kinh tế châu Á chiếm 35% sản lượng xuất khẩu của thế giới vào năm 2009, tăng 10% so với một thập niên trước. Dù vậy, châu Á vẫn phụ thuộc vào nhu cầu hàng hóa của Mỹ và châu Âu, ngay cả khi G20 đã cân bằng lại nền kinh tế thế giới để tăng trưởng toàn cầu phụ thuộc ít hơn vào mối quan hệ xuất khẩu và nhiều hơn vào nhu cầu trong nước.
Thách thức lớn đối với châu Á hiện nay là lạm phát tăng hơn dự kiến. Hơn nữa, khủng hoảng nợ của châu Âu và việc Mỹ tăng trưởng chậm là nguyên nhân làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa châu Á. Điều này gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách, buộc họ phải kiềm hãm tốc độ tăng trưởng ngay cả khi giá cả hàng hóa đang leo thang. Tuy nhiên, nói theo lời của ông Frederic Neumann, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á: Chúng ta đang chứng kiến sự suy thoái tăng trưởng toàn cầu, vì vậy trong ngắn hạn không cần thiết phải tiến hành chính sách thắt lưng buộc bụng trên khắp khu vực. Trái lại, việc mở rộng có thể giảm hạn chế áp lực về giá, kích thích tiêu dùng hơn.
Thanh Hải
Theo SGGP
0 nhận xét