Ngày 3-7, khoảng 50 triệu cử tri Thái Lan chính thức đi bỏ phiếu bầu chọn Hạ viện nhiệm kỳ mới gồm 500 ghế, trong bối cảnh dư luận cho rằng tổng tuyển cử lần này là cuộc đua song mã giữa đảng Dân chủ và Puea Thai (Vì nước Thái) với quân đội giữ vai trò rất lớn phía sau hậu trường.
Trong cuộc tổng tuyển cử lần này có trên 3.820 ứng cử viên tranh 500 ghế Hạ viện, trong đó có trên 2.400 ứng cử viên của 39 đảng ra tranh cử trực tiếp 375 ghế tại các khu vực bầu cử; 125 ghế còn lại được bầu chọn theo hệ thống danh sách đảng và được phân bổ theo tỷ lệ số phiếu ủng hộ mà mỗi chính đảng nhận được.
Ủy ban bầu cử xứ Chùa Vàng huy động một lực lượng lên tới 1,2 triệu người làm nhiệm vụ tại khoảng 97.000 đơn vị bầu cử. Ngoài 105 tổ chức tư nhân đăng ký giám sát bầu cử, các quan sát viên của Liên minh châu Âu (EU) và 10 nước khác cũng được mời đến chứng kiến cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ở Thái Lan.
Chính trường có thể vẫn bất ổn
Những tuần qua, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng mở các chuyên mục về bầu cử, mời đại diện của nhiều đảng tham gia tranh luận và trình bày chính sách của đảng mình.
Cuộc tổng tuyển cử năm nay được đánh giá là quyết liệt chưa từng có, nhất là giữa các đảng chống đối và thân cận với cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tỏ ra lo lắng về tình hình bất ổn sau bầu cử tại xứ Chùa Vàng sau khi kết quả bầu cử được công bố.
Theo các cuộc thăm dò ý kiến, đảng Puea Thai có nhiều khả năng chiến thắng và nếu giành đa số ghế áp đảo so với các đảng khác trong Hạ viện, bà Yingluck Shinawatra - em gái ông Thaksin - có thể sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên ở Thái Lan.
Mặc dù các cuộc thăm dò ý kiến gần đây đều cho rằng đảng Puea Thai đối lập có thể thắng cử trước đảng Dân chủ, nhưng khả năng Puea Thai giành được chiến thắng vang dội (270-300 ghế) là rất khó, khi mà có tới 40 đảng lớn, nhỏ đăng ký tham gia bầu cử lần này.
Có thể thắng cử, nhưng đảng Puea Thai sẽ không giành đủ đa số ghế để thành lập chính phủ một đảng, nên phải liên minh với các đảng nhỏ.
Trong khi đó, đảng Dân chủ của Thủ tướng đương nhiệm Abhisit Vejjajiva được quân đội ủng hộ, và không loại trừ khả năng tuy về thứ hai, nhưng vẫn có thể lập được chính phủ liên minh.
Nhà lãnh đạo đảng Dân chủ, Thủ tướng Abhisit và các thành viên quan trọng của đảng này hiện vẫn lạc quan cho rằng sự chênh lệch về số ghế giữa hai đảng lớn nhất Thái Lan này sẽ chỉ vào khoảng 20 ghế hoặc ít hơn.
Đảng Dân chủ có thể không cạnh tranh được với Puea Thai tại các khu vực ở bên ngoài Bangkok hay các tỉnh miền Nam và nhiều tỉnh ở miền Trung Thái Lan. Tại những khu vực và tỉnh còn lại, đặc biệt là ở phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan, đảng Dân chủ sẽ phải hướng nhiều vào các cử tri bầu cho họ theo hệ thống danh sách đảng, do các vùng đó được coi là “thành lũy” của Puea Thai. Đó sẽ là nơi diễn ra cuộc đua tranh quyết liệt chủ yếu giữa Puea Thai và Bhumjaithai - đảng có số ghế nhiều thứ hai trong chính phủ liên hiệp hiện nay.
Ông Abhisit hy vọng đảng Bhumjaithai sẽ giúp thu hẹp khả năng giành nhiều ghế của Puea Thai. Nhiều khả năng mối quan hệ giữa đảng Dân chủ và Bhumjaithai sẽ giúp họ cùng hợp sức để đứng ra lập chính phủ mới, trong trường hợp Puea Thai không thể "kiếm" được 250 ghế trong Hạ viện nhiệm kỳ 2011-2014. Vì vậy, đảng Dân chủ đang phải tích cực lôi kéo các cử tri hiện chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho đảng nào.
Kết quả một số cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy có tới 40% số người được hỏi cho biết họ vẫn chưa quyết định sẽ bầu cho đảng nào.
Giới phân tích dự báo chính trường Thái Lan sẽ tiếp tục bất ổn sau bầu cử và một số nhân vật có uy tín nói rằng vai trò của Hoàng gia và quân đội trong vấn đề ổn định xã hội Thái Lan rất quan trọng.
Trong khi đó, các tướng lĩnh quân đội và các thế lực chống đối ông Thaksin lo ngại nếu Puea Thai thắng cử, bà Yingluck có thể phát động điều tra về cuộc đảo chính vốn đã lật đổ người anh trai của bà năm 2006 và sẽ bắt đầu điều tra trách nhiệm của chính phủ tiền nhiệm và quân đội trong vụ trấn áp biểu tình từng làm 91 người thiệt mạng hồi tháng 4-5/2010.
Như vậy giai đoạn bất ổn về mặt chính trị ở Thái Lan sẽ kéo dài cho tới khi nước này hoàn tất tiến trình tìm kiếm được người kế vị Nhà vua Bhumibol Adulayadej, hiện sức khỏe đã suy yếu.
Những hệ lụy về kinh tế
Nhiều áp phích vận động tranh cử trên khắp đất nước Thái Lan hứa hẹn với cử tri những phúc lợi như cấp không máy tính để bàn, tăng lương, tàu cao tốc, giảm thuế, báo trước một sự bùng nổ tiêu dùng và đầu tư, nhưng cũng có thể gây ra một loạt vấn đề, như gia tăng các khoản nợ, trì hoãn cải cách kinh tế và chi phí kinh doanh cao hơn, tại nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này.
Tổng các khoản chi phí để tiến hành cuộc bầu cử ước lên tới 1,5-2 tỷ USD, khi mỗi ứng viên được phép chi tiêu không quá 1,5 triệu baht cho chiến dịch vận động tranh cử.
Khi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, lạm phát đã và đang gia tăng, một số nhà kinh tế hoài nghi liệu Thái Lan có sẵn sàng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế do cựu Thủ tướng Thaksin đề ra hay không.
Một quan chức Ngân hàng Thái Lan nhận định: "Hai đảng dường như cạnh tranh xem họ có thể làm được gì nhiều hơn đảng kia, mà không để ý tới bức tranh toàn cảnh rộng hơn. Đó là tăng trưởng bền vững dài hạn."
Trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Thái Lan ước tính trong vòng sáu năm tới, tỷ lệ giữa nợ và GDP của Thái Lan sẽ tăng từ 42% hiện nay lên vượt mức 60%, những vấn đề của Thái Lan càng trở nên phức tạp bởi doanh thu từ thuế không nhiều (chỉ đạt 17%, so với 27% ở Nhật Bản và 40% ở Anh) và lạm phát đã lên tới 4,2% trong tháng 5/2011 - mức cao nhất trong vòng 32 tháng qua.
Lạm phát có thể lên tới gần 15% nếu phe đối lập giành thắng lợi với những hứa hẹn nâng mức lương tối thiểu khoảng 40% lên 300 baht (15 USD) một ngày.
Mức lương cao hơn có thể đe dọa lợi thế về chi phí của Thái Lan - nước đã trải qua gần sáu năm rối loạn chính trị và có thể sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn và bế tắc chính trị mới.
Theo TTXVN
0 nhận xét