Nếu đề án khai thác bể than đồng bằng sông Hồng của Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) được triển khai trên quy mô rộng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới 3 tỉnh trung tâm vựa lúa đồng bằng Bắc bộ. Trong khi đề án mà Bộ Chính trị đã thông qua là cho đến năm 2020 cả nước phải giữ được 3,8 triệu hécta đất trồng lúa. Làm thế nào để giữ được đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT).
° Phóng viên: Thưa ông, vì sao Bộ Chính trị lại thông qua đề án giữ 3,8 triệu hécta đất trồng lúa trong cả nước?
° Ông NGUYỄN TRÍ NGỌC: Thứ nhất, để trồng lúa, trồng cây lương thực thì tư liệu cần nhất là đất đai. Thứ hai, đất không thể “đẻ” thêm, trong khi dân số ngày càng tăng lên thì đất càng ngày càng thu hẹp. Thứ ba, do sức ép về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, như cần phải làm đường, xây dựng các khu du lịch, khu đô thị, thậm chí trong cùng một xã cũng cần có quỹ đất để làm trường học, nhà văn hóa… nên đòi hỏi phải chuyển dịch một phần đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác.
Trong khi bất cứ một nước nào, người dân cũng đều cần phải sống bằng lương thực, như lúa gạo. Vì vậy, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia buộc phải giữ đất trồng lúa. Vì vậy, Bộ Chính trị đã thông qua đề án an ninh lương thực quốc gia. Trong Thông báo số 53 của Bộ Chính trị đã khẳng định, để đảm bảo an ninh lương thực, mục tiêu đến năm 2020 phải đảm bảo giữ 3,8 triệu hécta đất trồng lúa, trong đó 3,2 triệu hécta chuyên trồng lúa nước.
Để cụ thể hóa Thông báo 53 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết 63, nêu các giải pháp để giữ bằng được 3,8 triệu hécta trồng lúa đến năm 2020 và giao cho Bộ NN-PTNT thực hiện 2 nhiệm vụ lớn: Một là, quy hoạch chi tiết lại những khu vực trồng lúa nước trong phạm vi cả nước. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã hoàn thành quy hoạch và bản quy hoạch chi tiết về đất trồng lúa đã trình lên Thủ tướng Chính phủ, chờ phê duyệt. Nhiệm vụ thứ hai, sau khi có quy hoạch chi tiết về những khu vực cần phải giữ lại làm đất lúa, Bộ NN-PTNT phải xây dựng nghị định về quản lý và sử dụng đất trồng lúa, để đảm bảo giữ được đất lúa và trình Thủ tướng xem xét.
Hiện nay, nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Trong nghị định, tinh thần của chúng tôi là vẫn cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, như làm đường, khu công nghiệp, xây dựng khu đô thị, khu du lịch… song khuyến khích xây dựng ở những khu vực không có lợi thế về trồng lúa, như khu vực trung du, đồi núi, ven biển…
Khu vực đồng bằng sông Hồng, nơi TKV có kế hoạch khai thác than. |
° Vậy nghị định có xác định rõ những nơi nào cần phải giữ lại để trồng lúa?
° Do quy hoạch chi tiết đến từng tỉnh, huyện, xã nên đã xác định rõ từng khu vực cần phải giữ lại đất lúa. Chẳng hạn như ở Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định… phải giữ bao nhiêu hécta, không được chuyển đổi. Hiện tại, để giữ được 3,8 triệu hécta trồng lúa, chúng tôi đã quy hoạch, xác định được diện tích trồng lúa cần phải giữ của từng địa phương.
° Theo ông, nghị định quản lý đất lúa cũng như quy hoạch đất lúa ra đời có giải quyết được mâu thuẫn giữa lợi ích cục bộ của riêng từng tỉnh với lợi ích của cả nước?
° Sẽ giải quyết được. Nghị định sẽ khuyến khích các tỉnh có nhiều đất trồng lúa giữ được đất lúa, bởi sẽ có những cơ chế đặc biệt hỗ trợ cho các tỉnh, không để tình trạng phải biến đất trồng lúa thành khu công nghiệp, khu du lịch, sân golf… như thời gian qua. Chẳng hạn, do giữ đất lúa nên các địa phương sẽ khó khăn về nguồn thu ngân sách.
Do đó, chính sách mới của nhà nước là cấp bổ sung ngân sách trung ương cho những địa phương như vậy để đảm bảo phát triển hạ tầng, xã hội, để không thua kém những tỉnh công nghiệp, dịch vụ. Có như vậy các địa phương mới yên tâm giữ đất lúa.
Đồng thời, các nhà đầu tư, sử dụng đất lúa cũng phải cân nhắc khi quy định mới về giá bồi thường đất lúa sẽ đắt gấp đôi giá đất thổ cư ở cùng thời điểm, đồng thời còn phải bồi thường toàn bộ công trình, tài sản đã được xây dựng, như công trình thủy lợi… khi thu hồi ruộng.
° Tại sao chúng ta phải lo ngại về an ninh lương thực trong khi hiện nay nhiều người cho rằng nhu cầu thóc gạo không còn nặng nề như trước nữa?
° An ninh lương thực luôn là vấn đề lớn của toàn cầu, quốc gia nào cũng lo ngại và chú trọng. Ở nước ta, đã từng có những bài học về mất an ninh lương thực, thiếu thóc gạo vào những năm 1980. Lúc đó, chúng ta phải đi nhập gạo của các nước về để cứu đói. Có lẽ chúng ta chóng quên những bài học lịch sử như vậy. Hiện nay, chúng ta vẫn còn 70% dân số là nông dân, sống dựa vào cây lúa. Đành rằng chúng ta không còn thiếu gạo, nhưng chỉ cần bị một vụ mất mùa, hoặc không có ruộng để canh tác thì nông dân sẽ đói, xoay xở khó khăn.
PHÚC HẬU thực hiện
Theo SGGP
0 nhận xét