Trung tâm Hỗ trợ xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng xã hội. Lợi dụng điều này, một số tội phạm đã chọn cách đi lang thang rồi ung dung sống trong các cơ sở xã hội với mục đích tránh né sự trừng phạt của pháp luật.
Nguyễn Thanh Hòa được di lý về tỉnh Bình Thuận phục vụ công tác điều tra. |
Chăm sóc... kẻ trốn lệnh truy nã
Vào lúc 0 giờ ngày 10-7, Nguyễn Thanh Hòa (SN 1990) được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (Sở LĐTB-XH TPHCM), khi đang lang thang tại công viên Phú Lâm (quận 6). Tại trung tâm, nhiều lần làm hồ sơ thủ tục, Hòa giả ngây ngô, chỉ khai báo tên. Hôm sau, cán bộ xã hội biết được số điện thoại người thân của Hòa và báo về gia đình ở huyện Đức Linh (Bình Thuận) vào TPHCM bảo lãnh, làm thủ tục hồi gia cho Hòa.
Khi gia đình đến xác nhận vào đơn bảo lãnh, chính quyền địa phương phát hiện Hòa có lệnh truy nã của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Linh vào ngày 11-2. Chiều 12-7, Công an huyện Đức Linh (Bình Thuận) đã có mặt tại trung tâm bắt Hòa về hành vi gây rối trật tự công cộng. Từ đầu năm đến nay, đây là trường hợp thứ 7 có lệnh truy nã được phát hiện tại trung tâm. Tương tự, Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp, qua rà soát, cũng phát hiện 6 đối tượng trốn lệnh truy nã đang được… chăm sóc tại đây.
Ngoài ra, trong 1.671 người mà Trung tâm Hỗ trợ xã hội tiếp nhận từ đầu năm đến nay, theo ghi nhận, có đến gần 200 người đã phạm pháp nhưng chưa chịu khai báo với cơ quan chức năng, chủ yếu là các hành vi: trộm cắp, cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích… Đa số họ còn rất trẻ: Nguyễn Phúc Anh (SN 1976), trộm xe ở chốt dân phòng; Phùng Văn Cảnh (SN 1995), trộm xe gắn máy; Nguyễn Văn Tài (SN 1982), cướp tài sản… Điều này đồng nghĩa, có hàng trăm người phạm pháp đang trốn tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Đặc biệt, có người được chăm sóc tại cơ sở xã hội nhưng vẫn giữ lối hành xử bạo lực. Ngày 25-6-2010, Trần Tuấn Anh (SN 1986, quê Hậu Giang) cùng 15 người khác được di chuyển từ Trung tâm Hỗ trợ xã hội đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp (đóng tại tỉnh Bình Phước). Trên đường đi, Tuấn Anh rủ mọi người rút bình xăng con của xe rồi đốt. Đến gần chợ Tân Khai (tỉnh Bình Phước), thùng xe mịt mù khói và ngọn lửa bắt đầu liếm vào xe. Rất may, được người dân và lực lượng chức năng trên xe ứng cứu kịp thời nên không gây thiệt hại lớn.
Điểm đến mới của tội phạm
Theo ông Phan Ngọc Anh, Trưởng phòng Quản lý giáo dục hồ sơ Trung tâm Hỗ trợ xã hội, trước đây, người lang thang thường rách rưới, vô gia cư, không người thân thích, không có tiền bạc nhưng những năm gần đây, nhiều người rất tươm tất, tiền bạc rủng rỉnh, có gia đình đầy đủ nhưng vẫn đi lang thang. Và không ít trong số đó lang thang là có mục đích, nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Họ lang thang để được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở xã hội. “Cứ tưởng tội phạm thường lẩn trốn nơi hang cùng ngõ hẻm, giờ đây, họ ngang nhiên, thong dong hưởng các chính sách chế độ đối với đối tượng xã hội và toan tính phớt lờ các việc làm sai trái trước đây”, ông Ngọc Anh chia sẻ.
Từ năm 2010, Trung tâm Hỗ trợ xã hội đã chủ động tìm hiểu kỹ các lý do lang thang của người được đưa vào trung tâm, qua đó, phát hiện hàng trăm người đã có hành vi phạm pháp. Theo ông Nguyễn Trung Trực, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội, việc làm này nhằm giúp trung tâm có chính sách phù hợp trong quản lý, chăm sóc, giáo dục từng đối tượng.
Đường Loan
Theo SGGP
0 nhận xét