Sean Hoare, người đầu tiên phanh phui vụ nghe lén điện thoại của tuần báo lá cải News of the World, đã chết một cách bí ẩn ngay trong nhà mình
Cảnh sát huyện Hertfordshire, thành phố London, Anh cho biết họ đã được hàng xóm của ông Hoare báo vụ việc qua điện thoại lúc 10 giờ 40 phút ngày 18-7. Đến nhà của ông Hoare, nằm trên đường Langley, thị trấn Watford, họ tìm thấy một người đàn ông khoảng 40 tuổi nằm bất động trên lầu một.
Tự tử, chơi ma túy quá liều hay đột quỵ sau một trận nhậu tới bến (Hoare từng nghiện ma túy và rượu)? Cảnh sát London, 2 ngày sau khi cựu phóng viên tờ News of the World (NOTW) và The Sun chết, vẫn từ chối đưa ra một nhận định về nguyên nhân gây ra cái chết của Sean Hoare.
Họ nói không tìm thấy thư tuyệt mạng nhưng không vì thế mà gạt bỏ nguyên nhân tự tử. Biên bản khám nghiệm tử thi cho biết không tìm thấy chứng cứ có người can dự vào cái chết. Do đó, cảnh sát nói chưa nghi ngờ ai.
Cảnh sát cho biết thêm phải chờ kết quả các xét nghiệm về độc tố trong người Hoare mới biết được tại sao “người thổi còi” vụ xì-căng-đan nghe lén điện thoại của tờ NOTW chết. Nghĩa là phải chờ thêm vài tuần nữa, trong khi dư luận không ngớt bàn tán nghi ngờ đủ chuyện về cái chết đột ngột của ông Hoare bởi nó không được bình thường.
Ngay cả thái độ của cảnh sát trong vụ này cũng có cái gì đó khó hiểu, theo nhật báo The Guardian. Tờ báo dẫn lời những người hàng xóm cho biết sau khi 3 xe cảnh sát và 2 xe cứu thương đến hiện trường lúc 11 giờ và rút lui lúc 15 giờ, mãi đến 21 giờ 15 phút, xe cảnh sát đội khoa học hình sự mới đến thu thập chứng cứ pháp y.
Muốn làng báo trong sạch hơn
Sean Hoare, năm nay 47 tuổi, nguyên là phóng viên văn hóa văn nghệ của nhật báo The Sun và NOTW thời ông Andy Coulson làm tổng biên tập 2 tờ báo này. Ông Coulson, sau khi rời khỏi NOTW và được Thủ tướng David Cameron mời về làm cố vấn truyền thông. Ông này đã bị bắt ngày 8-7 vì nghi ngờ tổ chức nghe lén điện thoại và hối lộ nhưng được tại ngoại hầu tra chờ tòa xử vào tháng 10 tới.
Hoare là người đầu tiên tố giác ông Coulson chỉ đạo phóng viên nghe lén những người nổi tiếng để có được tin, bài sốt dẻo, ly kỳ và giật gân trên nhật báo Mỹ The News York Times (NYT) hồi tháng 9-2010 khi tờ báo này điều tra vụ nghe lén điện thoại của NOTW. Ông Hoare kể lại ông thường xuyên báo cáo việc nghe lén của mình với sếp Coulson và được ông này “tích cực khuyến khích tôi làm chuyện đó”. Ông Coulson lúc đó đã chối phăng.
Nhà của ông Hoare. Ảnh: PA
Trong một cuộc phỏng vấn khác của đài truyền hình Anh BBC, ông Hoare mạnh dạn tuyên bố rằng chuyện ông Coulson “thề thốt không biết gì là nói láo”. Theo ông Hoare, nghe lén điện thoại và những kiểu lấy tin phi pháp là “món ruột” của NOTW.
Vì có những lời cáo buộc nói trên, Scotland Yard (SY, tức Sở Cảnh sát London) từng triệu tập ông Hoare để thẩm vấn. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm vấn, do cảm thấy bị coi là nghi phạm chứ không phải nhân chứng nên ông Hoare không chịu hợp tác khiến SY phải dừng cuộc điều tra.
Cách đây hai tuần, ông Hoare lại tiết lộ trên tờ NYT một chi tiết động trời khác là phóng viên tờ NOTW hối lộ cảnh sát để biết vị trí của đối tượng săn tin thông qua nghiệp vụ cảnh sát có tên gọi là “pinging”. Chi tiết nghiệp vụ “pinging” sau đó cũng được ông Hoare trình bày chi tiết trên tờ The Guardian.
Tại sao ông Hoare nói huỵch toẹt bí mật làm ăn của NOTW? Ông giải thích “tôi quyết định thổi còi hoạt động của một số đồng nghiệp ở NOTW với hy vọng làng báo Anh trở nên trong sạch hơn”.
Giết người diệt khẩu?
Theo nhận định của nhật báo The Independent, mặc dù cái chết của ông Hoare đầy nghi vấn và bí ẩn, đây khó có thể là một vụ “giết người diệt khẩu” bởi 5 lý do dưới đây.
Một, ông Hoare không phải là người duy nhất biết chuyện làm sai trái của tờ NOTW. Ông cũng không phải là người duy nhất tố giác sếp Coulson làm bậy. Tờ NYT cho biết họ đã hỏi 12 phóng viên của tờ NOTW và người nào cũng nói nghe lén điện thoại rất phổ biến.
Hai, cuộc điều tra vụ NOTW nghe lén điện thoại của cảnh sát London mang tên “chiến dịch Weeting” không chỉ dựa vào lời tố cáo của Hoare mà còn nhiều đầu mối khác như email chứa trong hồ sơ lưu trữ điện tử của Công ty News International (NI), cơ quan chủ quản của NOTW và The Sun, hóa đơn thanh toán điện tử và ghi âm điện thoại. Hơn nữa, kể từ khi NOTW sa thải ông Hoare vì nghiện rượu và ma túy, cảnh sát không coi ông là nhân chứng đáng tin cậy.
Ông Sean Hoare tại nhà. Ảnh: Eyevine
Ba, giả thuyết cho rằng Công ty NI thuê sát thủ đi khắp nước Anh để “giết người diệt khẩu” không phù hợp với chiến lược hiện nay của NI là hợp tác với SY, giảm thiểu tối đa hậu quả của vụ việc.
Bốn, cuộc điều tra cái chết của ông Hoare do cảnh sát Hertfordshire tiến hành chứ không phải SY. Chuyện cái chết của ông không do tác động từ bên ngoài khiến các nhà điều tra tài giỏi của cảnh sát địa phương thất vọng vì không có dịp để chứng minh tài năng với đồng nghiệp ở SY.
Năm, sức khỏe của ông Hoare không tốt, nước da vàng vọt do hậu quả nghiện ma túy và rượu. Bác sĩ riêng tiên liệu ông sẽ chết vì hậu quả nghiện ngập.
The Independent kết luận rằng nếu có cái gì đáng nhớ về nhà báo Sean Hoare thì đó là một người can đảm dám nói lên sự thật đáng tởm mà ông cũng có góp phần chứ không phải cách ông ấy chết.
Kỳ tới: Chiếc laptop trong thùng rác
NGUYỄN CAO
Theo NLĐ
0 nhận xét