Xu hướng tìm kiếm và khai thác đất hiếm dưới lòng đại dương đang gây ra những mối lo ngại về môi trường
Đất hiếm được xem là vàng của thế kỷ XXI Ảnh: Wired.co.uk
Một nhóm nhà khoa học Nhật Bản vừa thông báo đã tìm được một trữ lượng khoáng sản đất hiếm có thể lên đến 100 tỉ tấn dưới lòng Thái Bình Dương. Phát hiện này hứa hẹn chấm dứt sự thống trị của Trung Quốc trong thị trường đất hiếm nếu người ta có thể khai thác đất hiếm từ lòng biển cho các mục đích thương mại.
Vàng của thế kỷ XXI
Nhóm nhà khoa học nói trên - do giáo sư Yasuhiro Kato tại Đại học Tokyo đứng đầu – đã tìm thấy đất hiếm trong bùn tại 78 địa điểm dưới Thái Bình Dương. Các vỉa đất hiếm này nằm trong khu vực lãnh hải quốc tế ở phía Đông và Tây quần đảo Hawaii, phía Đông đảo Tahiti. Chúng ở độ sâu từ 3.500-6.000 m dưới bề mặt đại dương, được phân bố tại nhiều địa điểm trên một diện tích lên đến 11 triệu km2. Ông Kato cho tạp chí Nature Geoscience (Anh) biết: “Những vỉa này có hàm lượng đất hiếm ở mức cao. Chỉ cần khai thác diện tích 1 km2 của chúng là có thể đủ đáp ứng 1/5 nhu cầu đất hiếm hằng năm của thế giới hiện nay”. Ông Kato ước tính trữ lượng đất hiếm tại khu vực này có thể lên đến từ 80 đến 100 tỉ tấn.
Nhật Bản nằm trong số ngày càng nhiều nước xem trọng đất hiếm vì nó đóng vai trò thiết yếu trong việc sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao, như xe điện, tivi màn hình phẳng, máy nghe nhạc iPod, tên lửa, tua bin gió... Chính vì sự quý hiếm của nó trên đất liền mà đất hiếm còn được gọi là vàng của thế kỷ XXI. Trung Quốc gần như độc quyền trong thị trường này khi nắm giữ 97% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Thị trường đất hiếm trong vài năm qua đã bị thắt chặt do Trung Quốc giảm hạn ngạch xuất khẩu và công bố kế hoạch xây dựng kho dự trữ quốc gia để phục vụ nhu cầu trong nước và bảo vệ môi trường.
Không dễ khai thác
Sự thống trị nói trên đã cho phép Trung Quốc có thể hạn chế nguồn cung đất hiếm cho Nhật Bản trong vụ tranh cãi về lãnh thổ với nước này vào năm ngoái. Kể từ đó, Tokyo đã nỗ lực tìm kiếm những nguồn đất hiếm dưới đáy biển để có thể sớm khai thác và giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Bắc Kinh.
Dù vậy, việc khai thác lượng đất hiếm mới nói trên có thể gặp không ít trở ngại. Trước hết, do mỏ đất hiếm này nằm ở vùng biển quốc tế nên cần những thủ tục pháp lý nhất định. Ngoài ra, người ta lo ngại một cuộc chiến giành quyền kiểm soát đất hiếm sẽ nổ ra giữa Nhật Bản, Hawaii và Tahiti.
Một thách thức lớn khác là vấn đề khai thác và sản xuất đất hiếm tìm thấy dưới đáy đại dương. Các cuộc xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy có thể thu được đất hiếm bằng cách dùng acid loãng để rửa bùn biển. Theo nhóm nghiên cứu, tiến trình này chỉ mất vài giờ và không gây tác hại cho môi trường miễn là acid không bị bỏ xuống đại dương. Tuy nhiên, điều khiến các nhà môi trường lo ngại chính là quá trình tìm kiếm và khai thác vì nó có thể gây tổn hại đến hệ sinh thái biển.
Một mối bận tâm nữa là liệu thế giới hiện đã có công nghệ để đưa bùn từ một độ sâu như thế lên đất liền hay chưa. Nếu làm được thì chi phí khai thác có đẩy giá thành đất hiếm lên mức quá cao hay không. Ông Kato cho hãng tin AFP biết hiện chưa rõ phản ứng của các công ty khai thác khoáng sản vì không ai biết về sự tồn tại của trữ lượng đất hiếm mà họ mới phát hiện. Dù vậy, ông nói thêm: “Khoảng 30 năm trước, một công ty Đức đã thành công trong việc đưa bùn ở dưới lòng Hồng Hải lên đất liền. Vì thế, tôi tin là có thể khai thác được đất hiếm dưới lòng Thái Bình Dương về mặt công nghệ”.
Phương Võ
Theo NLĐ
0 nhận xét