Chỉ với quyển nhật ký chiến trường và bằng cả tấm lòng, ông Chín Tâm, một cựu chiến binh, đã lần tìm được hàng trăm hài cốt đồng đội
Chiều một ngày cuối tháng 7-2011, như bao buổi chiều của gần 30 năm qua, ông Nguyễn Văn Tâm (Chín Tâm, nguyên chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) lại lặng lẽ ra đứng trước sân nhà, dõi nhìn về phía dãy núi CK7, Thuận Nam - căn cứ địa cách mạng của Ninh Thuận - mờ khuất phía chân mây. Nơi ấy, giữa đại ngàn điệp trùng, nhiều hài cốt đồng đội của ông vẫn chưa tìm được…
Mỗi năm, đến ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, ông Chín Tâm (x) đều làm giỗ chung cho những đồng đội đã hy sinh
Trách nhiệm và đạo lý
Nhiều cựu chiến binh của huyện Ninh Phước bảo từ năm 1982 đến nay, năm nào cũng vậy, ông Chín Tâm đều có vài chuyến trở về chiến trường xưa để tìm những đồng đội đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến oai hùng của dân tộc. Đối với người cựu binh vừa bước qua tuổi bát tuần ấy thì kỷ vật thiêng liêng, bất ly thân là cuốn nhật ký chiến trường. Trong đó, ông ghi chép đầy đủ tên tuổi, quê quán, sơ đồ nơi chôn cất… đồng đội đã hy sinh trong những trận chiến ác liệt với quân thù. Nhờ quyển nhật ký ấy, ông cùng bạn bè của mình trong Hội Cựu chiến binh huyện tìm được 291 hài cốt, trong đó có hơn 120 liệt sĩ có tên tuổi, địa chỉ, được người thân đưa về quê nhà; số còn lại quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Ông Chín Tâm bồi hồi nhớ lại lần tìm mộ liệt sĩ Kiều Minh Xuân (quê Hà Tây) vào giữa năm 2001. Ông kể: “Theo nhật ký chiến trường của tôi, liệt sĩ Xuân ngã xuống vào một ngày giữa tháng 6-1972, tại vùng giáp ranh hai tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận. Tuy nhiên, qua thời gian, dấu tích nấm mộ tạm của liệt sĩ Xuân đã bị xóa sạch. Không nản lòng, tôi cùng hai đồng chí ở huyện hội lần mò từng mét rừng, đối chiếu thực tế với tấm bản đồ cũ để xác định vị trí đồng đội mình nằm xuống ngày ấy. Cuối cùng, 3 anh em chúng tôi cũng tìm được hài cốt của đồng chí Xuân sau gần một tuần lặn lội giữa rừng sâu”. Giọng run run, ông Chín Tâm trải lòng như độc thoại với chính mình: “Năm bảy hai (1972 - PV), tôi là chính trị viên Huyện đội An Phước (nay là huyện Ninh Phước - Ninh Thuận - PV). Chú Xuân là lính của tôi. Trong một trận đánh, nếu như Xuân không nhào lên che chắn thì người chết hôm đó là tôi. Vì vậy, việc phải tìm cho ra hài cốt chú ấy không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý…”.
Cha nuôi của nhiều con liệt sĩ
Là thương binh 4/4, cả hai chân vẫn còn mảnh đạn, nhiều lần cơn đau tái phát khiến ông phải nhập viện. Tuy nhiên, bệnh tật không ngăn được bước chân của cựu chiến binh Chín Tâm trong hành trình đi tìm hài cốt đồng đội. Bà Tư Hồng (bạn kháng chiến cũ của ông Chín Tâm) cho biết để có đủ chi phí cho những chuyến đi tìm hài cốt, ông phải cầm cả 4 sào ruộng của mình. Sau này, khi nhận được thù lao 15.000 đồng/ngày đi tìm hài cốt liệt sĩ, ông lại chia sẻ số tiền ít ỏi ấy cho những người dẫn đường. Mới đây, khi nhận được khoản tiền “B trụ” (dành cho người chiến đấu ở vùng kháng chiến), ông mới chuộc lại được mảnh ruộng đã cầm cố và trích phần cho anh em đã giúp ông đi tìm đồng đội.
Lần giở nhật ký chiến trường, đối chiếu với số hài cốt đã tìm được, ông bảo vẫn còn trên dưới hài cốt 10 đồng đội nằm đâu đó giữa núi rừng trùng điệp do cảnh vật thay đổi quá nhiều, không thể tìm được.
Niềm vui lớn nhất của ông hiện nay là thỉnh thoảng nhận thư của thân nhân liệt sĩ gửi về thăm hỏi sức khỏe, cảm ơn. Cảm động hơn, con của nhiều liệt sĩ đã nhận ông làm cha nuôi vì cảm kích cái tình, cái tâm của ông.
Đang say sưa kể về một thời máu lửa, ông Chín Tâm chợt dừng lại, điện thoại cho một đồng đội cũ mời đến nhà “uống ly rượu” nhân ngày 27-7 sắp tới. Hỏi ra mới biết, hằng năm, cứ đến ngày Thương binh - Liệt sĩ, gia đình ông Tâm đều làm lễ cúng những đồng đội đã hy sinh. “Coi như một cách để nhớ về các đồng chí của mình đã khuất và cũng là dịp gặp lại bạn bè cũ” - ông Chín Tâm trải lòng.
Trọn đời cống hiến Ông Chín Tâm quê ở thôn Thái Giao, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Năm 1946, khi vừa tròn 16 tuổi, ông tham gia cách mạng, hoạt động quân báo ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Đến năm 1950, ông thoát ly lên vùng chiến khu CK7, thuộc 2 huyện Thuận Nam, Ninh Phước và bám trụ ở đây trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục công tác ở Huyện đội Ninh Phước, đến đầu năm 1980 thì nghỉ hưu, về quê tham gia công tác ở Hội Cựu chiến binh xã. Ông có một người chị là bà mẹ Việt Nam anh hùng và 2 anh là liệt sĩ. |
Bài và ảnh: VÂN TRƯỜNG
Theo NLĐ online
0 nhận xét