Cùng với sự phát triển của cây thanh long, các chủ vựa thanh long ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) mọc lên như nấm, với nhà xưởng rộng lớn, đồ sộ và mua sắm nhiều xe tải. Nhưng sau một thời gian kinh doanh, các chủ vựa thua lỗ, vỡ nợ hàng tỉ đồng, lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, thậm chí không còn nhà để ở.
Từ chỗ bị “xù” nợ
Theo vợ chồng ông Trần Văn Bỗng và bà Nguyễn Thị Thu, ở xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam cho biết: Thấy nhiều người mua bán thanh long phát đạt, vợ chồng ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng và các hộ dân đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng nhà xưởng có diện tích 450 m2, mua sắm xe ô tô tải hành nghề thu mua thanh long xuất khẩu.
Mới đầu, ông chỉ thu mua thanh long hàng dạt để tiêu thụ nội địa, thu lợi nhuận khá cao, tạo được mối quan hệ với nhiều khách hàng.
Sau đó, vợ chồng ông chuyển qua thu mua thanh long xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Hồng Công, Trung Quốc.
Những chuyến hàng thanh long đầu tiên vượt qua biên giới được các khách hàng Trung Quốc thanh toán tiền bạc sòng phẳng. Nhưng đến chuyến hàng thứ ba, thứ tư, các đối tác ở Trung Quốc lại tìm cách xù nợ, như giao hàng trước chuyển tiền sau, nhằm mục đích chiếm dụng vốn của các chủ vựa và đưa ra lý do thanh long bị hư hỏng nhiều để hạ giá.
Nhiều lô hàng thanh long xuất khẩu suốt cả năm vợ chồng ông vẫn không đòi được nợ, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ cho các chủ vườn thanh long.
Buộc lòng vợ chồng ông phải chuyển tiền mua hàng của các hộ dân sang thành nợ vay tính lãi. Có những lúc thiếu vốn hoạt động ông phải vay nóng với lãi suất cao 9%/tháng.
Càng kéo dài thời gian kinh doanh vợ chồng ông càng đuối sức, không còn khả năng trả nợ cho các chủ vườn thanh long. Bởi vậy, họ đã khởi kiện vợ chồng ông, được Tòa án nhân dân huyện xử lý buộc phải trả nợ cho 27 công dân, với tổng số tiền trên 3,6 tỉ đồng.
Nhưng khi chuyển qua thi hành án, giá trị tài sản của vợ chồng ông chỉ có 800 triệu đồng, vì toàn bộ tài sản đã thế chấp ngân hàng để vay 700 triệu đồng.
Khi Chi cục Thi hành án dân sự huyện kê biên, định giá, phát mãi tài sản, vợ chồng ông đã lâm vào cảnh trắng tay, không còn nhà cửa để ở, con cái không có điều kiện học hành.
Một số con nợ gặp chúng tôi than thở như ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Hàm Mỹ: “Cứ ngỡ vợ chồng ông Bỗng làm ăn ngon lành, thu hoạch được bao nhiêu thanh long tôi đều bán cho ông, cả tiền cho vay và tiền bán hàng lên đến 511 triệu đồng. Nay vợ chồng ông trở về số không, biết khi nào mới đòi được nợ”.
Bà Trần Thị Ước Mơ, xã Hàm Mỹ cũng cho vợ chồng ông Bỗng vay 370 triệu đồng, nhưng mấy tháng nay không đòi được nợ.
Cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu của vợ chồng ông Bỗng
đã bị kê biên, định giá, phát mãi tài sản để thi hành án Ảnh: N.Tuấn
Đến việc vỡ nợ hàng loạt
Tương tự như vậy còn có chủ vựa thanh long của vợ chồng ông Nguyễn Minh Hữu và bà Tô Thị Chí, ở xã Hàm Cường, với cơ sở nhà xưởng thu mua đồ sộ, có cả xe đầu kéo công-ten-nơ, nay bị vỡ nợ phải thi hành án cho 18 con nợ, với tổng số tiền trên 5,7 tỉ đồng.
Tuy nhiên, gia đình ông Hữu cũng không hề có tài sản để thi hành án, bởi toàn bộ tài sản đã thế chấp ngân hàng để vay 3,9 tỉ đồng.
Hiện, gia đình ông Hữu còn nợ một số hộ dân với số tiền lớn: bà Đinh Thị Kim Thu cho vay 750 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Nhị cho vay 520 triệu đồng, ông Lê Thanh Tùng cho vay 200 triệu đồng…
Kế đến là chủ vựa thanh long của ông Nguyễn Xuân Thanh và bà Trương Thị Lan, ở thị trấn Thuận Nam cũng bị vỡ nợ phải thi hành án cho 5 con nợ trên 1,6 tỉ đồng.
Tổng giá trị tài sản của vợ chồng ông Thanh khoảng 4 tỷ đồng, nhưng đang thế chấp ngân hàng để vay 4,6 tỷ đồng, nên không có đủ điều kiện để thi hành án.
Ở xã Hàm Mỹ còn có chủ vựa thanh long g Lê Xuân Định và bà Nguyễn Thị Hoa bị vỡ nợ phải thi hành án trả nợ cho 5 hộ dân trên 900 triệu đồng, nhưng toàn bộ tài sản đã thế chấp ngân hàng để vay 700 triệu đồng.
Hiện vẫn còn nhiều con nợ đang khởi kiện vợ chồng ông Định lên Tòa án nhân dân huyện.
Chủ vựa thanh long ông Trần Văn Hà và bà Nguyễn Thị Thu Thủy, xã Tân Lập cũng bị vỡ nợ phải thi hành án trả nợ cho 16 hộ dân với số tiền trên 934 triệu đồng, nhưng giá trị tài sản chỉ có 600 triệu đồng…
Ông Nguyễn Xuân Kiều, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Thuận Nam cho biết, tổng số tiền phải thi hành án trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng lên đột biến trên 14,8 tỉ đồng, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là do các chủ vựa thanh long bị vỡ nợ không có khả năng thanh toán cho các con nợ. Có một điều đáng nói là đa số các chủ vựa thanh long không có đủ điều kiện thi hành án, bởi tất cả tài sản đều đem thế chấp ngân hàng để vay vốn. Khi các chủ vựa thanh long không còn tài sản để kê biên, định giá, phát mãi thì Chi cục Thi hành án dân sự huyện phải trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho các công dân. Đây là vấn đề hết sức phức tạp, nan giải cho cơ quan thi hành án trong thời gian tới và cũng là bài học cảnh tỉnh cho việc đầu tư kinh doanh xuất khẩu thanh long tràn lan, nhưng không am hiểu thị trường, đối tác dẫn đến vỡ nợ. |
Theo Ngọc Tuấn (Bình Thuận Online)
0 nhận xét